Vì sao EU không muốn “đánh mất” Tổng thống Erdogan?
Dù Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan là một "nhân tố bất định" trong mắt EU, nhưng theo các nhà quan sát, châu Âu chưa chắc đã muốn một chính quyền mới xuất hiện tại Ankara.
Thổ Nhĩ Kỳ trong 20 năm dưới quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã trở thành “cái gai” trong mắt EU. Nhà lãnh đạo 69 tuổi này đã đi ngược nhiều giá trị mà phương Tây "cổ xúy", bao gồm việc đàn áp người biểu tình, bỏ tù các nhà báo và nhân vật đối lập, hay thân thiện với Nga và cản trở NATO kết nạp Thụy Điển trong chiến sự Nga – Ukraine.
Với cuộc Tổng tuyển cử vào ngày 14/5 này, ông Erdogan có nguy cơ thất bại trước đối thủ theo đường lối ôn hòa Kemal Kılıcdaroglu. Nhưng đối với nhiều nước châu Âu, đó chưa chắc đã là tín hiệu “ăn mừng”.
Cái cớ để từ chối Thổ Nhĩ Kỳ
Với nhiều nhà phân tích, sự tồn tại của chính quyền Erdogan là lý do chính để EU gạt bỏ mọi khả năng cho phép Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối.
>>Chiến sự Nga - Ukraine: Phương Tây tính kế lâu dài cho Ukraine
“Việc ông Erdogan nắm quyền, đặc biệt là khi ông ngày càng trở nên độc đoán trong những năm gần đây, đã cho phép EU bỏ qua câu hỏi liệu Thổ Nhĩ Kỳ có nên gia nhập hàng ngũ của mình hay không”, chuyên gia quốc tế Suzanne Lynch của Politico nhấn mạnh.
Câu chuyện về quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ đã có từ hơn 60 năm trước khi quốc gia này xin gia nhập Cộng đồng kinh tế châu Âu- EEC (tiền thân của EU) và tiến tới ký kết Thỏa thuận Ankara năm 1963. Tuy nhiên, mãi đến những năm 1980, quá trình xin gia nhập mới trở lại sau các bất ổn kinh tế và chính trị. Năm 1987, Thổ Nhĩ Kỳ nộp đơn xin gia nhập EEC. Một thập kỷ sau, Ankara được cấp tư cách ứng cử viên và quốc gia này bắt đầu thực hiện các bước quan trọng để đáp ứng các tiêu chí gia nhập do EU đặt ra.
Ông Erdogan, khi đó là một lãnh đạo cải cách của Đảng Công lý và Phát triển (AKP) ủng hộ đa nguyên, dân chủ và hòa hợp đã tìm nhiều cách đưa Thổ Nhĩ Kỳ đến gần hơn với các tiêu chí của EU, chẳng hạn như đàm phán hòa bình với nhóm PKK của người Kurd, hay thay đổi luật về quân đội.
Thế nhưng, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã hết sức tức giận trước thái độ chần chừ của EU, với một số quốc gia thành viên đã nói rõ rằng họ không muốn kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào khối. Điều này đã trở thành nguồn cơn cho một mối quan hệ ngày càng rạn nứt giữa 2 bên, theo các chuyên gia.
Tương lai quan hệ vẫn bất định
Nếu ông Kılıcdaroglu chiến thắng và thực hiện đúng những cam kết tranh cử của mình, bao gồm thúc đẩy tiến trình gia nhập khối, EU sẽ đứng trước một tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Với một chính quyền mới dường như thân phương Tây hơn, EU có thể kéo về một đồng minh đắc lực để chống lại Nga. Tuy nhiên, để Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU lại là điều khiến các quốc gia châu Âu phải đau đầu.
Theo các nhà phân tích, nguyên nhân cơ bản của bất đồng EU – Thổ Nhĩ Kỳ không hẳn nằm ở chính quyền lãnh đạo, mà là ở sự khác biệt về mức độ phát triển và vấn đề sắc tộc, tôn giáo.
Ông Gallia Lindenstrauss, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia, cho biết: “Những thách thức trong nước của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vẫn như cũ, bất kể ai nắm quyền”.
Triển vọng để một quốc gia có lượng lớn dân số tương đối nghèo gia nhập khối sẽ không nằm trong ưu tiên của EU. Đồng thời, châu Âu – nơi phần đông theo Thiên chúa giáo, có thể sẽ không thoải mái khi tiếp nhận một quốc gia Hồi giáo.
>>Chiến sự Nga- Ukraine sẽ ra sao sau tổng tuyển cử của Thổ Nhĩ Kỳ?
“Mặc dù ít nói ra một cách công khai, nhưng nhiều quốc gia cũng cảnh giác với việc cho phép một quốc gia có đa số người Hồi giáo như Thổ Nhĩ Kỳ tham gia”, bà Lynch nhận xét.
Ngoài ra, việc EU công nhận Síp vào năm 2004 – nơi Thổ Nhĩ Kỳ cạnh tranh ảnh hưởng từ 1974 – cũng là một điểm nhấn khiến căng thẳng giữa Ankara và Brussels thêm sâu sắc.
Dưới thời ông Erdongan, Thổ Nhĩ Kỳ đang gia tăng vị thế của mình trong mắt EU, Nga hay Trung Quốc bằng cách tham gia vào các vấn đề hóc búa của thế giới như di cư và xung đột tại Ukraine. Một chính phủ mới tìm kiếm khả năng gia nhập EU sẽ phải chấp nhận việc bị ràng buộc bởi các nguyên tắc và tiêu chuẩn cũ của châu Âu để đổi lấy tư cách thành viên khối.
Không rõ liệu các lãnh đạo trong liên minh đảng phái đối lập với ông Erdogan có chấp nhận thực tế này hay không. Nhưng với chủ nghĩa dân tộc đang lên tại Thổ Nhĩ Kỳ, giới tinh hoa của quốc gia này sẽ khó chấp nhận một thực tế như vậy, đồng nghĩa với việc EU sẽ phải đối mặt với nhiều biến số khó đoán trong chính quyền mới ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Có thể bạn quan tâm