Trung Á đẩy mạnh hội nhập để khai phá tiềm năng kinh tế
Trung Á đang nỗ lực trở lại vai trò là trung tâm thương mại xuyên lục địa thông qua thúc đẩy hội nhập và hợp tác đa phương.
>>Ông Tập Cận Bình toan tính gì khi sắp công du tới Trung Á?
Theo bài đánh giá của ông Alibek Kuantyrov, Bộ trưởng kinh tế Kazakhstan đăng tải trên Nikkei Asia Review, trong ba năm qua, nền kinh tế toàn cầu đã trải qua những cú sốc lớn từ chiến sự Nga - Ukraine và đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị hiện nay ở châu Âu tiếp tục tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến các liên kết vận tải và hậu cần, đồng thời khiến giá năng lượng và lương thực tăng cao.
Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng đã tác động đến lạm phát, gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực và có những tác động tiêu cực khác đến nền kinh tế toàn cầu. Hơn nữa, mặc dù Nga và Ukraine chiếm chưa đến 3% xuất khẩu của thế giới, cuộc xung đột quân sự và các biện pháp trừng phạt đã phá vỡ các tuyến thương mại bình thường.
Giá lương thực cơ bản tăng mạnh và tình trạng thiếu hàng hóa đã đẩy hàng triệu người vào cảnh nghèo đói. Ngân hàng Thế giới đã tính toán rằng giá lương thực chỉ tăng 1% cũng sẽ đẩy thêm 10 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực.
Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, 181 triệu người ở 50 quốc gia sẽ lâm vào khủng hoảng lương thực trong thời gian tới. Nếu mức giảm xuất khẩu lương thực hiện nay từ Ukraine và Nga giảm xuống 0, 19 triệu người khác sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu dinh dưỡng kinh niên trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Trung Á, Châu Phi và Trung Đông.
>>Khám phá tiềm năng khởi nghiệp khu vực Trung Á
Theo ông Kuantyrov, là một khu vực chịu những tác động tiêu cực từ những xung đột địa chính trị nói trên, Trung Á phải tăng cường phối hợp tập thể để thúc đẩy sự phát triển và đối phó được với những mối đe dọa bất ổn trong tương lai.
Đặc biệt, thông qua hợp tác và hội nhập, ông Kuantyrov cho rằng, Trung Á có thể lấy lại vai trò là một tuyến thương mại quan trọng kết nối các thị trường châu Á, châu Âu và Trung Đông như đã từng làm trong thời kỳ Con đường tơ lụa vĩ đại.
Trong lịch sử, Con đường tơ lụa đi qua vùng đồng bằng rộng lớn ở Trung Á, kết nối các thương nhân từ Viễn Đông với thị trường tiêu dùng châu Âu đang phát triển. Mạng lưới này đóng một vai trò quyết định trong sự phát triển kinh tế, văn hóa và chính trị của khu vực.
Ngày nay, các tuyến thương mại cũ vẫn còn phù hợp, nhưng cần có những nỗ lực phối hợp để tạo ra một cấu trúc kinh tế đáng tin cậy để có thể phát huy hết tiềm năng của chúng.
Trên thực tế, một số sáng kiến nhằm tăng cường hợp tác kinh tế và tận dụng lợi thế của khu vực Trung Á trên thị trường toàn cầu đã được triển khai.
Các quốc gia Trung Á, cùng với Azerbaijan, đã khai trương Tuyến vận tải quốc tế xuyên Caspian, một giải pháp thay thế nhanh hơn và hiệu quả hơn cho các tuyến đường biển truyền thống. Trong khi đó, Chương trình Hợp tác Kinh tế Khu vực Trung Á đang quy tụ 11 quốc gia nhằm thúc đẩy kết nối khu vực, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như vận tải, năng lượng, thuận lợi hóa thương mại và chính sách thương mại. Đồng thời, các tuyến đường sắt lớn mới đang kết nối Trung Á với các cảng của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng kinh tế Kazakhstan nhận định, đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông là yếu tố cần thiết để khu vực hội nhập sâu rộng hơn, bao gồm việc xây dựng các đường cao tốc, đường sắt và trung tâm hậu cần đa phương thức mới.
Đặc biệt, việc Kazakhstan đang đặt mục tiêu trở thành một trung tâm hậu cần và trung tâm trung chuyển quan trọng có thể cung cấp cho các quốc gia Trung Á khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu. Những nỗ lực khác cũng đang được thực hiện để cải thiện các thủ tục qua biên giới và giảm thời gian và chi phí vận chuyển.
Mặc dù vậy, ông Kuantyrov cho biết, vẫn còn nhiều việc phải làm để tận dụng hết những lợi thế về vị trí địa lý của Trung Á. Điều này bao gồm đầu tư vào phát triển bền vững và giải quyết các hậu quả tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp và an ninh nguồn nước trong khu vực.
Hợp tác và kết nối kinh tế Trung Á là cần thiết để giải phóng toàn bộ tiềm năng của các nền kinh tế trong khu vực. Bằng cách tăng cường kết nối giữa các quốc gia, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, đồng thời cải thiện môi trường kinh doanh, một khu vực Trung Á hội nhập và thịnh vượng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân và thế giới.
Có thể bạn quan tâm