Chiến sự Nga - Ukraine: Ai đã "giải cứu" kinh tế Nga?
Về mặt chiến lược, Trung Quốc đã và đang giúp nền kinh tế Nga không bị sụp đổ, đồng thời thừa hưởng nhiều lợi ích trước mắt.
>>Kinh tế Nga dần rơi vào “thị trường xám”!
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tung ra 10 đợt cấm vận kinh tế Nga kể từ khi nước này phát động cuộc tấn công quân sự nhằm vào láng giềng Ukraine. Nhiều thời điểm, kinh tế Nga chao đảo, khan hiếm hàng hóa, đồng ruble rớt giá, hệ thống tài chính rối loạn, giới nhà giàu chuyển tài sản ra nước ngoài.
Tỷ phú Nga Oleg Deripaska đã cảnh báo Nga sắp cạn tiền: “Năm tới sẽ không có tiền nữa, chúng ta cần các nhà đầu tư nước ngoài”. Thâm hụt ngân sách tăng lên mức 43,8 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm nay, tiệm cận mức 2% GDP. Qũy lợi ích quốc gia bắt đầu được sử dụng đến.
Rất nhiều chỉ số chứng minh nguy cơ suy thoái trầm trọng kinh tế Nga trong dài hạn. Song, đến thời điểm này, nền kinh tế quy mô 2.300 tỷ USD vẫn trụ vững, đó là kỳ tích.
Chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Biển Đen Andriy Klymenko nhận định không có dấu hiệu cho thấy kinh tế Nga sụp đổ. Kinh tế Nga không rơi vào thảm họa kinh tế như các chuyên gia phương Tây dự báo, vì sao?
Về lý thuyết, EU không còn buôn bán thông thương gì với Nga, đặc biệt là nhóm mặt hàng công nghệ cao, linh kiện lưỡng dụng, tất cả các ngả đường thương mại chính thống đều bị phong tỏa.
Nhưng một dòng chảy hàng hóa từ Mỹ, châu Âu qua các nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô, từ đó xuất khẩu vào Nga đã hình thành. Imex-Expert, một công ty thương mại có trụ sở ở Moscow ghi chú trên trang web của họ: “Chúng tôi có thể nhập khẩu hàng hóa từ châu Âu, Mỹ tới Nga qua Kazakhstan, như vậy chúng tôi hoàn toàn tránh các lệnh trừng phạt”.
Kim ngạch thương mại EU sang các nước thuộc Liên minh kinh tế Á-Âu (AUEU) tăng mạnh, từ 14,6 tỷ USD năm 2021 lên 24,3 tỷ USD năm 2022. Ví dụ, thiết bị laser và đo lường bị liệt vào danh sách cấm bán cho Nga, nhưng Kyrgyzstan và Uzbekistan đã nhập khẩu lượng lớn vào năm ngoái.
>>Kinh tế Nga "thâm thủng" do chiến sự Ukraine
Chính phủ Nga thực hiện “nhập khẩu song song”, tức là buôn bán với thị trường thứ 3, bỏ qua điều kiện nhà sản xuất có đồng ý hay không. Những “thị trường xám” (grey market) lớn nhất của Nga là Trung Quốc, Ấn Độ, Iran...
Trong phần lớn khoảng thời gian của năm 2022, giá dầu thô liên tục phá đỉnh giúp Nga thu về lợi nhuận khổng lồ. Tháng 12/2022, lệnh cấm nhập dầu Nga và áp trần giá 60USD/thùng bắt đầu có hiệu lực, khiến Moscow bị giảm đáng kể nguồn thu.
Nhưng, Ấn Độ và Trung Quốc trở thành khách hàng lớn nhất mua dầu Nga; mặt khác khi châu Âu tất bật tìm nguồn năng lượng đối phó mùa đông 2022, thì dầu Nga chảy vòng vèo vào Đức, Anh, Pháp, Italy,…
Sức nặng của lệnh cấm vận đối với Nga chỉ “nặng” trên lý thuyết, năng lượng Nga vẫn âm thầm giao dịch với các công ty bình phong ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary; hoặc tinh chế ở một nước thứ 3, sau đó nhập vào châu Âu theo đường chính ngạch.
Có thể nói, việc cấm vận kinh tế Nga trong thời buổi thị trường tân tự do bùng nổ - chưa bao giờ là công việc dễ dàng, mục đích tối thượng của nhà tư bản là giá trị thặng dư, chỗ nào có khả năng sinh lời thì chỗ đó có hàng hóa.
Đồng thời, Nga sở hữu dầu mỏ, khí đốt quá hấp dẫn để trao đổi với bên ngoài; đúng thời điểm Trung Quốc công khai cạnh tranh chiến lược với Mỹ, Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.
Không có lý do gì có thể ngăn cản Bắc Kinh liên thủ với Moscow, nhờ đó cường quốc châu Á có thể cung cấp cho Nga các giải pháp tiếp cận thị trường quốc tế, giao dịch tài chính xuyên quốc gia. Đổi lại, Trung Quốc thỏa sức khai thác thị trường trống rỗng ở Nga.
Về mặt chiến lược, Trung Quốc sẽ “giải cứu” kinh tế Nga, qua đó duy trì quyền lực Tổng thống Putin để xây dựng mạng lưới đồng minh đủ mạnh. Nhiều chuyên gia nhận định, với tiềm lực của Nga kết hợp với Trung Quốc - dư sức đối trọng với phương Tây.
Có thể bạn quan tâm
Chiến sự Nga- Ukraine: Kinh tế Nga "ngấm đòn" nặng sau năm 2023
15:23, 09/03/2023
Kinh tế Nga "thâm thủng" do chiến sự Ukraine
04:30, 13/02/2023
Chiến sự Nga- Ukraine: Kinh tế Nga "ngấm đòn" trừng phạt ra sao?
04:00, 25/01/2023
Kinh tế Nga “tổn thương”, chiến sự Nga- Ukraine sớm kết thúc?
04:30, 07/12/2022