Thượng đỉnh G7 tạo "dư chấn" mạnh với Trung Quốc và Nga
Hội nghị Thượng đỉnh G7 2023 tại Nhật Bản kết thúc với bản tuyên bố chung dài 40 trang. Nga và Trung Quốc đã phản ứng gay gắt với tuyên bố này của G7.
>>G7 chật vật áp giá trần dầu thô Nga
Hội nghị Thượng đỉnh G7 đã chọn thành phố Hiroshima (Nhật Bản) làm nơi gặp gỡ của rất nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới. Ngoài các thành viên nhóm, G7 năm nay có sự tham dự của Thủ tướng Việt Nam, Thủ tướng Indonesia, Tổng thống Brazil, Tổng thống Hàn Quốc và rất nhiều nhân vật cấp cao khác.
Việc chọn Hiroshima ngầm nhắc nhớ lại thảm họa hạt nhân đã từng xảy ra tại thành phố này để gửi đi thông điệp toàn cầu hãy chung tay đẩy lùi nguy cơ chiến tranh hạt nhân đã manh nha từ chiến sự Nga - Ukraine.
Thượng đỉnh G7 lần này và sự tham gia của nhiều quốc gia ngoại khối cho thấy sự hòa đồng trở lại của nhóm các nước giàu nhất thế giới; xua tan hoài nghi chỉ thúc đẩy lợi ích độc quyền cường quốc; tiếng nói các nước Nam bán cầu được coi trọng, trong đó có Việt Nam.
Ngoài những vấn đề quen thuộc như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và môi trường, G7 Hiroshima giành khá nhiều thời lượng bàn thảo đến Nga và Trung Quốc. G7 bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông và Hoa Đông; tái khẳng định hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan là “rất cần thiết” với an ninh toàn cầu.
Ngay sau đó, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã triệu tập Đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh để phản đối sự “cường điệu” xung quanh các vấn đề liên quan đến cường quốc châu Á.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu giành riêng một phiên họp về chiến sự Nga - Ukraine, thống nhất hai nội dung quan trọng: tiếp tục ủng hộ toàn diện Ukraine và nhất trí áp đặt thêm lệnh cấm vận nhằm vào Moscow.
Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Nga cũng cho rằng, kết quả Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần này là một loạt tuyên bố chống lại Nga, vạch ra ranh giới chia rẽ quan hệ quốc tế, phá hoại ổn định toàn cầu.
Một lần nữa, Tổng thống Ukraine, V. Zelensky cũng có mặt tại Nhật Bản, tiếp tục khẳng định và nhân lên sự ưu ái mà đồng minh phương Tây giành cho Kiev trong cuộc chiến tranh chưa có hồi kết.
>>Thế khó của G7 khi cấm vận dầu mỏ Nga
Rõ ràng, giữa các nước G7 và Bắc Kinh - Moscow ngày càng đào sâu thêm ngăn cách, không thể duy trì các chương trình nghị sự làm hài hòa lợi ích các bên. Ví như việc Trung Quốc không tham gia cam kết tại COP26; phương Tây đồng loạt chống Nga trong cuộc chiến Ukraine.
Áp lực từ G7 là động lực thúc đẩy liên minh Nga - Trung thắt chặt hơn, đẩy nhanh tiến trình ra đời của một số công cụ phụ vụ mục đích “thoát Mỹ” như đồng tiền chung vận hành trên cơ chế thanh toán riêng; nâng cấp quan hệ với OPEC trong bối cảnh Tổ chức này đứng trước nguy cơ bị điều chỉnh bởi dự luật NOPEC sửa đổi của Mỹ sắp được ban hành.
Dù lý giải ra sao thì ở một khía cạnh nào đó, Thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản đã xúc tác để trật tự toàn cầu trở nên đa cực, đúng hơn là sự phân cực Đông - Tây ngày một rõ ràng.
Song song với Hội nghị Thượng đỉnh G7, ngày 19/5 ông Tập Cận Bình cũng chủ trì Thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á lần thứ nhất tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây vùng đất tiếp giáp với Tân Cương, đây là một ngụ ý về con đường “hướng Tây” không ngừng rộng mở.
Trung Quốc đã đưa ra “đề xuất 8 điểm”; đồng thời chi viện không hoàn lại gần 4 tỷ USD cho các quốc gia Trung Á. Đây là lời đáp trả về vị thế, khả năng của Trung Quốc hiện nay - họ có thể độc lập xây dựng mạng lưới đối tác thông qua sức hút của mình.
Có thể bạn quan tâm