NATO sẽ kết nạp Ukraine tại Thượng đỉnh sắp tới?
Lời kêu gọi gia nhập NATO của Kiev vẫn chưa có nhiều tín hiệu khả quan, bất chấp diễn biến chiến trường đang ngày một khốc liệt và thời điểm khối quân sự họp thượng đỉnh ngày càng gần kề.
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 tới, chính quyền Kiev sử dụng mọi biện pháp ngoại giao nhằm tiến tới một cam kết thực tế về vấn đề nói trên với NATO.
>>Ukraine tham vọng "hóa giải" bài toán năng lượng của EU
Gần đây, đích thân Tổng thống Ukraine Zelensky gọi Hội nghị thượng đỉnh sắp tới của NATO là “hạn chót” để các đồng minh đưa ra các cam kết về lộ trình cho phép Ukraine gia nhập NATO. Thậm chí, ông này còn tuyên bố sẽ không tham gia hội nghị này nếu không có các tín hiệu tích cực về triển vọng này.
Những tiếng nói ủng hộ ít ỏi
Bất chấp sức ép đó, có nhiều lý do khiến các đồng minh của Kiev vẫn chưa sẵn sàng để làm điều đó trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 tới. Thậm chí, NATO còn bị chia rẽ về gần như mọi yếu tố trong cách thúc đẩy vấn đề.
Có thể kể đến một loạt câu hỏi như: khối NATO có nên có thảo luận vấn đề đó trong cuộc họp tháng 7 hay không? Hay các cường quốc quân sự lớn nhất có nên cung cấp các cam kết riêng lẻ không? Có nên cho Ukraine bất kỳ sự đảm bảo nào về tư cách thành viên NATO không?
Theo các nhà ngoại giao châu Âu tiết lộ cho Politico, tất cả những câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ, ngay cả khi chỉ còn 5 tuần nữa là sự kiện quan trọng của NATO sẽ diễn ra. Tình hình chậm trễ đến mức, Phó Thủ tướng Ukraine phụ trách Hội nhập châu Âu, bà Olha Stefanishyna, than phiền “Ukraine là quốc gia có kinh nghiệm nhất trên thế giới trong việc nghe từ 'không' từ NATO… Chúng tôi cần sự rõ ràng, rằng tư cách thành viên NATO của Ukraine là không thể khác và sẽ không phải là một con bài mặc cả nào đó”.
Cho tới nay, Pháp và Anh là 2 cường quốc duy nhất bày tỏ ủng hộ Ukraine gia nhập NATO, dù chưa đưa ra được ý tưởng nào thực sự rõ ràng. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gợi ý Ukraine nên nhận được “điều gì đó giữa đảm bảo an ninh kiểu Israel và tư cách thành viên chính thức của NATO”.
Nhưng những thành viên quan trọng khác của NATO gần như im lặng trước triển vọng này. Theo các nhà ngoại giao tham gia thảo luận, châu Âu đang rối bời trước việc nên “cam kết” hay “đảm bảo” an ninh cho Kiev. Nhiều nhà lãnh đạo không thực sự muốn đưa ra một thời gian biểu cụ thể cho Ukraine vào lúc này. Nhưng họ cũng không muốn làm “tổn thương” Ukraine và cung cấp cho Nga một đòn bẩy tâm lý trên chiến trường.
Cho tới nay, phần lớn các trụ cột của NATO đều đang theo đuổi đường lối “cam kết” an ninh cho Kiev, thông qua tăng cường các viện trợ vũ khí để quân đội Ukraine đạt được những bước tiến trên chiến trường.
Khoảng cách lớn giữa Ukraine và NATO
Ngày càng nhiều người ủng hộ Ukraine cho rằng cam kết vai trò thành viên NATO của Ukraine là những “lời hứa xa vời” chưa biết ngày thành hiện thực. Rõ ràng, khoảng cách giữa mong muốn của Kiev và lợi ích chiến lược của NATO vẫn còn rất lớn.
Chính quyền Tổng thống Zelensky đã gửi đến NATO văn bản được gọi Hiệp ước An ninh Kiev, trong đó đề xuất một nhóm đồng minh cốt lõi đưa ra các “cam kết ràng buộc” nhằm củng cố hệ thống phòng thủ của Ukraine trong nhiều năm tới, bằng cả viện trợ quân sự và phi quân sự.
Ngoài ra, một nhóm học giả và cựu quan chức quốc phòng cấp cao phương Tây cũng đã đưa ra ý tưởng hợp tác lâu dài giúp Ukraine nhanh chóng mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng của mình, vừa cung cấp vũ khí cho chính Kiev, vừa để phục vụ an ninh NATO sau này.
Ông Alexander Vershbow, cựu Phó tổng thư ký NATO, cho biết: "Điều đó sẽ giống như cam kết quốc phòng của Mỹ với Israel… Và nó sẽ phục vụ như một thỏa thuận “tạm thời” cho đến khi Ukraine gia nhập NATO”.
Ý tưởng là vậy, nhưng hiện nay ít quốc gia nào tiên phong làm điều đó. Kỳ vọng vào vai trò đầu tàu của Mỹ bị ảnh hưởng lớn bởi vấn đề Trung Quốc và châu Á - Thái Bình Dương, và Washington cũng không nhận được sự thống nhất chính trị cao trong vấn đề này. Trong khi đó, các cường quốc như Anh, Pháp, Đức cũng mới chỉ đưa ra các tuyên bố ngoại giao thay vì có các bước đột phá thực sự.
>>Chiến sự Nga - Ukraine: Cuộc phản công của Kiev đã bắt đầu?
Quan trọng hơn hết, NATO đang đứng trước ngưỡng cửa một cuộc cải tổ lớn hứa hẹn sẽ đòi hỏi sự đầu tư lớn về nguồn lực nhằm nâng cao sức mạnh phòng thủ. Do đó, một ràng buộc với Ukraine có thể không phải là một ưu tiên cấp bách lúc này, chưa kể điều đó còn kích động mối quan hệ căng thẳng trực tiếp với Nga.
Với những lý do đó, nhiều khả năng hội nghị thượng đỉnh sắp tới của NATO sẽ chưa phải là thời điểm chính quyền Ukraine được chứng kiến lộ trình gia nhập khối liên minh quân sự này. Đây quả là bài toán khó cho Kiev trong lúc họ cần một điểm tựa tinh thần lớn trước cuộc phản công quyết định với Nga.
Có thể bạn quan tâm
Chiến sự Nga - Ukraine: Cuộc phản công của Kiev đã bắt đầu?
04:00, 09/06/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: Vụ vỡ đập Kakhovka có lợi cho ai?
04:30, 08/06/2023
"Hé lộ" giải pháp giúp hóa giải chiến sự Nga - Ukraine
04:06, 07/06/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: 3 điều quyết định cục diện xung đột
03:30, 07/06/2023