"Hé lộ" lý do chiến sự Nga - Ukraine còn dai dẳng

TRƯỜNG ĐẶNG 17/06/2023 04:00

Theo các chuyên gia, chiến lược của Mỹ với tư cách là đầu tàu của liên minh ủng hộ Ukraine đang khiến Kiev khó giành chiến thắng hơn.

Có nhiều nguyên nhân khiến xung đột Nga - Ukraine kéo dài như hiện nay

Mỹ vẫn đang tích cực viện trợ cho Ukraine.

Cho tới nay, không thể phủ nhận Mỹ là nhà tài trợ quân sự lớn nhất và quan trọng nhất cho Ukraine. Không chỉ hậu thuẫn nguồn lực cho Ukraine, Mỹ cũng góp phần không nhỏ để lôi kéo các nước ủng hộ Kiev cho tới nay.

Thiếu nhất quán của “đầu tàu” Mỹ

Nhiều chuyên gia cho rằng, vai trò lãnh đạo của Mỹ vẫn chưa được thể hiện bằng một chiến lược tương xứng. Thậm chí, sự thiếu nhất quán của Washington đã khiến Kiev bất lợi, đặc biệt là hiện nay khi chiến sự Nga- Ukraine đang bước vào thời khắc quyết định.

>>"Lộ diện" ứng viên tiềm năng cho chức tân Tổng thư ký NATO

Thứ nhất, sự chia rẽ trong nội bộ chính trường Mỹ đang tác động tiêu cực tới kỳ vọng của Ukraine trong cuộc phản công quyết định.

Suốt 16 tháng qua, vấn đề Ukraine chưa bao giờ đạt được sự đồng thuận của lưỡng đảng Quốc hội Mỹ, bất chấp Washington đã đổ hàng trăm tỷ USD hỗ trợ Kiev. Thậm chí, câu hỏi liệu Mỹ có nên tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev nữa hay không còn đang được sử dụng như một con bài chính trị cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2024.

Trong những tháng gần đây, căng thẳng trần nợ công của Mỹ đã khiến xu hướng cắt viện trợ cho Ukraine tăng lên. Và nếu một Tổng thống ủng hộ xu hướng này khi đắc cử vào năm tới, đây chắc chắn là một đòn “trời giáng” vào nỗ lực của Ukraine cũng như vị thế lãnh đạo của Mỹ trong vấn đề này.

Vấn đề Ukraine chưa nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của chính quyền Mỹ

Vấn đề Ukraine chưa nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của chính quyền Mỹ.

Thứ hai, bản thân chiến lược hiện tại của chính quyền Biden cũng đang mơ hồ về mục tiêu. Theo ông Raphael S. Cohen, Giám đốc Chương trình Chiến lược và Học thuyết Không quân của RAND, trong khi Tổng thống nói rằng Hoa Kỳ sẽ ủng hộ Ukraine chừng nào nước này thấy còn cần thiết, thì dường như chưa quan chức Mỹ nào nói cụ thể vấn đề này như thế nào?

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng “Xét về mục đích và mục tiêu của chiến dịch của Ukraine, chúng tôi sẽ để người Ukraine quyết định… đó sẽ là gì?” Dù Mỹ có thể lý giải đó là sự tôn trọng dành cho Kiev, nhưng với các nhà quan sát, điều đó cũng thể hiện sự thiếu cam kết về một chiến thắng tuyệt đối của Ukraine trước Nga.

Hậu quả là một cuộc chiến kéo dài

Thiếu một mục tiêu rõ ràng trong dài hạn, nên mỗi khi Ukraine đề nghị một hệ thống vũ khí nào, Mỹ lại lặp lại câu chuyện: ban đầu từ chối, nhưng sau khi áp lực quốc tế gia tăng, Washington thay đổi nhưng triển khai chậm chạp. Kịch bản đó đã xuất hiện với xe tăng M1 Abrams, hệ thống Patriot, máy bay F-16…

Sự chần chừ của Hoa Kỳ bị coi là một nguyên nhân khiến chiến tranh trở nên dai dẳng như hiện nay. Điều đó giúp Nga có đủ thời gian đánh bại quân đội Ukraine được trang bị thô sơ và ít kinh nghiệm, chiếm đóng các vị trí chiến lược và thiết lập hệ thống phòng ngự vững vàng. Nhiều chuyên gia cho rằng điều này lẽ ra đã có thể khác nếu Mỹ quyết đoán hơn ngay từ đầu trong viện trợ cho Kiev.

Chiến sự cho tới nay vẫn chưa rõ hồi kết

Chiến sự Nga- Ukraine cho tới nay vẫn chưa rõ hồi kết

Theo ông Gian Gentile, Phó giám đốc Ban Nghiên cứu Quân sự của RAND, việc Mỹ lo ngại trang bị quá mức cho Ukraine có thể gây leo thang xung đột với Nga là không hợp lý. Kiev không phải là một đối thủ ngang sức của Nga và chính quyền ông Zelensky không “dại dột” đến mức tấn công vào lãnh thổ Nga để có cớ cho Moscow kích hoạt chiến tranh tổng lực.

Thay vào đó, việc trang bị mạnh ngay từ đầu cho Kiev có thể đã mang lại năng lực răn đe mạnh mẽ đối với Nga. Điều này đã được chứng tỏ khi Moscow không tung hết lực lượng không quân do lo ngại các hệ thống phòng không tiên tiến của phương Tây.

Dù sao, sự cẩn trọng của chính quyền Biden là điều có thể hiểu được trong bối cảnh Ukraine không phải là ưu tiên số một của Hoa Kỳ trong chiến lược toàn cầu. Hơn nữa, Quốc hội Mỹ cũng phải có trách nhiệm giải trình trước sức ép dư luận Mỹ phản đối can dự vào một cuộc chiến tranh khác sau Afghanistan.

>>Nga sẽ "xuống thang" nếu Ukraine phản công thắng lợi?

Tuy nhiên, chính sự thiếu nhất quán và ít tối ưu trong tiếp cận vấn đề Ukraine đã khiến Mỹ và phương Tây mất đi các cơ hội tạo lợi thế cho Kiev, đồng thời vẫn phải chi tiêu một số tiền khổng lồ.

Ông Raphael Cohen khẳng định, chính “sự mơ hồ về mục đích, sự thiếu quyết đoán về cách thức và sự không chắc chắn về thiết bị quân sự… đã làm trì hoãn sự hỗ trợ cần thiết cho Ukraine và thậm chí có thể kéo dài cuộc xung đột”.

Có thể bạn quan tâm

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Ai sẽ chiến thắng trong cuộc phản công?

    Chiến sự Nga - Ukraine: Ai sẽ chiến thắng trong cuộc phản công?

    05:00, 12/06/2023

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Đảo ngược toàn cầu hóa

    Chiến sự Nga - Ukraine: Đảo ngược toàn cầu hóa

    04:30, 10/06/2023

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Cuộc phản công của Kiev đã bắt đầu?

    Chiến sự Nga - Ukraine: Cuộc phản công của Kiev đã bắt đầu?

    04:00, 09/06/2023

  • Chiến sự Nga - Ukraine: Vụ vỡ đập Kakhovka có lợi cho ai?

    Chiến sự Nga - Ukraine: Vụ vỡ đập Kakhovka có lợi cho ai?

    04:30, 08/06/2023

TRƯỜNG ĐẶNG