Người dân Trung Quốc "thờ ơ" với mua sắm trực tuyến
Doanh số bán hàng trực tuyến của Trung Quốc bị ảnh hưởng trong bối cảnh kinh tế chưa phục hồi mạnh trở lại và tỷ lệ thất nghiệp còn cao.
>>Trung Quốc đối mặt nguy cơ thất nghiệp tăng cao
Mùa lễ hội mua sắm trực tuyến giữa năm của Trung Quốc đang diễn ra, nhưng sự kiện năm nay đang khiến các nhà bán lẻ kém vui vẻ hơn bình thường khi khách hàng ngày càng trở nên tiết kiệm hơn trong bối cảnh thu nhập sụt giảm và nền kinh tế ảm đạm.
Sự kiện mua sắm 618 được khởi xướng vào năm 2004 bởi công ty bán lẻ trực tuyến lớn thứ 2 của Trung Quốc JD.com nhằm kỷ niệm năm thành lập công ty. Kể từ đó, 618 đã trở thành sự kiện thương mại điện tử lớn hàng đầu của Trung Quốc chỉ sau Ngày Độc thân diễn ra vào tháng 11 hàng năm do Alibaba khởi xướng.
Nhưng với tình hình tài chính hộ gia đình vẫn gặp nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở mức cao kỷ lục và lĩnh vực bất động sản chưa phục hồi, Nikkei Asia cho biết, những người mua sắm từ khắp Trung Quốc cho biết rằng, bất kể các nền tảng thương mại điện tử có tung nhiều khuyến mại hấp dẫn đến đâu, hầu hết trong số họ sẽ không bị cám dỗ để chi tiêu mạnh hơn trong mùa mua sắm năm nay.
Hiện nay người trẻ tại Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực tài chính ngày càng tăng và không sẵn sàng chi tiêu, mặc dù họ có thể vẫn có đủ tiền tiết kiệm.
Các chuyên gia cũng cho biết, lễ hội mua sắm 618 là sự kiện mua sắm lớn đầu tiên kể từ khi Trung Quốc bỏ các hạn chế nghiêm ngặt Covid-19. Tuy nhiên, tài chính hộ gia đình đã bị tác động nặng nề trong đại dịch và sự phục hồi kinh tế của đất nước kể từ khi mở cửa trở lại không đồng đều và chậm hơn dự kiến đã thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu thấp hơn.
>>Trung Quốc sắp tung ra gói giải cứu bất động sản mới?
Hầu hết các nền tảng thương mại điện tử dự kiến sẽ không tiết lộ tổng giá trị hàng hóa (GMV) của họ. Năm ngoái, cả Alibaba và JD.com đều không tiết lộ GMV, một động thái mà nhiều nhà quan sát coi là dấu hiệu cho thấy kỷ nguyên vàng của các hoạt động mua sắm trực tuyến tại đất nước này có thể đã kết thúc.
Ông Dong Chen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô châu Á tại Pictet Wealth Management, cho biết: "Tiền gửi tiết kiệm của các hộ gia đình Trung Quốc đang ở mức cao lịch sử. Điều đó có nghĩa là mọi người không sẵn sàng tiêu dùng hoặc mua bất động sản. Đây có thể sẽ là lực cản chính đối với nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian tới".
Đồng quan điểm, với môi trường vĩ mô đầy thách thức, chi tiêu tiêu dùng thận trọng và cạnh tranh gay gắt giữa các nền tảng, ông Zhang Yi, nhà phân tích chính của iiMedia Research cho biết, COVID-19 vẫn đang tác động lớn đến sức mua của người tiêu dùng và nhiều người vẫn thận trọng trong việc chi tiêu.
Ông nói thêm "Hầu hết mọi người không còn tập trung chi tiêu vào một lễ hội thương mại trực tuyến cụ thể, vì mua sắm trực tuyến ngày nay đã được đa dạng hóa và bình thường hóa rất nhiều. Một số doanh nghiệp không muốn đưa ra các chương trình khuyến mãi lớn cho các lễ hội mua sắm này."
Trung Quốc đang cố gắng chuyển từ tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và đầu tư bất động sản sang tăng trưởng dựa vào tiêu dùng, nhưng tiêu dùng trong nước đã chậm lại trong ba năm qua. Khi nhu cầu bên ngoài tiếp tục giảm và căng thẳng địa chính trị gia tăng, điều quan trọng hơn bao giờ hết đối với Trung Quốc là thúc đẩy nhu cầu trong nước để duy trì tăng trưởng.
Nền kinh tế của đất nước đang dần phục hồi trong năm nay, nhưng dựa trên nền tảng rất thấp do hàng chục thành phố, đặc biệt là trung tâm tài chính Thượng Hải, đã bị phong tỏa nghiêm ngặt kéo dài vào năm ngoái.
Sự phục hồi kinh tế Trung Quốc cũng không đồng đều, vì chỉ có tốc độ tăng trưởng 5,4% của khu vực dịch vụ vượt tốc độ tăng trưởng GDP trong quý đầu tiên. Thêm vào đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục và doanh số bán lẻ dưới mức mong đợi cũng làm các doanh nghiệp lo ngại về tốc độ tăng trưởng của quốc gia này trong năm nay.
Ông Ting Lu, chuyên gia kinh tế trưởng của Trung Quốc tại Nomura cho biết, mặc dù sự phục hồi nhanh chóng của lĩnh vực dịch vụ là động lực chính cho sự phục hồi sau COVID-19 của Trung Quốc trong năm nay, nhưng suy thoái toàn cầu và xung đột địa chính trị gia tăng vẫn là những thách thức lớn trong việc duy trì sự phục hồi của Trung Quốc.
Chuyên gia này dự đoán, vì Bắc Kinh đặt an ninh quốc gia lên trên hầu hết các mục tiêu chính sách khác nên các nhà hoạch định chính sách có thể khó đạt được sự đồng thuận về kích thích kinh tế.
Trung Quốc đang đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% trong năm nay. Nhưng để đạt tốc độ tăng trưởng tiềm năng 5,5%, tiêu dùng sẽ phải tăng ít nhất 6,36%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng tiêu dùng khó đạt mức này bởi những ngày hoàng kim của mua sắm trực tuyến có thể đã qua.
Có thể bạn quan tâm