Trung Quốc có dễ thúc đẩy hòa bình Palestine - Israel?

CẨM ANH 24/06/2023 03:30

Trung Quốc đang đặt kỳ vọng vào việc thúc đẩy thỏa thuận hòa bình giữa Palestine và Israel. Nhưng điều đó có dễ dàng thực hiện?

>>Thấy gì từ thỏa thuận Iran- Saudi Arabia?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại Bắc Kinh, tháng 6/2023.

Khi nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, ông Tập đã đề xuất một giải pháp ba điểm cho cuộc xung đột Palestine-Israel. Đề xuất này kêu gọi thành lập một nhà nước Palestine độc lập, có đầy đủ chủ quyền trên cơ sở các đường biên giới năm 1967 và lấy Đông Jerusalem làm thủ đô.

Bên cạnh đó, nhu cầu kinh tế và sinh kế của Palestine cần được đáp ứng và tăng cường phát triển cũng như viện trợ nhân đạo cho người Palestine, tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán hòa bình dài hạn thông qua các cuộc hội nghị quốc tế quy mô lớn hơn.

Vai trò tích cực mới của Trung Quốc trong ngoại giao Trung Đông đang tăng cường sức mạnh mềm của nước này. Thành công gần đây của quốc gia này trong việc làm trung gian hòa giải giữa Iran và Saudi Arabia đã khiến cuộc gặp giữa ông Tập và ông Abbas có tầm quan trọng hơn.

Động thái này cũng là một thách thức rõ ràng đối với tầm ảnh hưởng của Mỹ. Nếu Bắc Kinh có thể giải quyết cuộc xung đột phức tạp ở Trung Đông, họ sẽ cho thế giới thấy rằng họ có thể thành công ở nơi mà Mỹ đã thất bại. Đây có thể là một sự thúc đẩy lớn đối với việc Trung Quốc tự khẳng định mình là cường quốc dẫn đầu trong khu vực.

Mỹ đã chùn bước trong việc đáp ứng lợi ích của ít nhất một bên liên quan quan trọng ở Trung Đông. Khi thỏa thuận đổi dầu mỏ trở nên ít liên quan hơn và ảnh hưởng của Mỹ mất dần, đồng minh lâu năm và cường quốc trong khu vực là Saudi Arabia đã bắt đầu quan hệ thương mại mới với Trung Quốc. Bằng cách làm trung gian cho hiệp ước hòa bình giữa Saudi Arabia, Trung Quốc được một số bên coi là đã cải thiện an ninh khu vực hiệu quả hơn Mỹ. 

Ông Mohammed Sinan Siyech, cộng tác viên không thường trực tại Tổ chức Nghiên cứu Người quan sát, New Delhi nhận định, với thành công của Trung Quốc trong trường hợp của Iran và Saudi Arabia, một số người có thể kỳ vọng Bắc Kinh sẽ đạt được điều tương tự với vấn đề Israel-Palestine, đặc biệt là khi Palestine đã quá mệt mỏi với sự ủng hộ của Mỹ đối với Israel và đang đặt niềm tin vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý, Trung Quốc chỉ đóng một vai trò nhỏ trong thỏa thuận giữa Saudi Arabia -Iran. "Phần lớn các cuộc đàm phán đã được Oman và Iraq thực hiện vài năm trước khi có thông báo nối lại quan hệ ngoại giao giữa Saudi Arabia và Iran. Do đó, không có gì đảm bảo điều này có thể lặp lại với vấn đề Israel-Palestine", ông Siyech nói thêm.

>>Israel tấn công Jihad, xung đột tại Dải Gaza leo thang dữ dội

Cờ Israel (trái) và Palestine. Ảnh: Washington Institute.

Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy hòa bình Palestine - Israel. Ảnh: Washington Institute.

Bên cạnh đó, sự can dự của Trung Quốc ở đây cũng không có giá trị lớn đối với Israel. Theo Nabeel Khan, nhà nghiên cứu chuyên về xung đột và truyền thông chính trị, đối với Israel, thỏa thuận hòa bình Saudi Arabia-Iran là một vấn đề lớn. Iran là một mối đe dọa an ninh lâu dài và việc nước này nối lại quan hệ với Saudi Arabia đe dọa quá trình bình thường hóa quan hệ của Israel với Riyadh, một mục tiêu chiến lược quan trọng của Mỹ.

"Việc xây dựng hòa bình của Trung Quốc đã cản trở điều này một cách hiệu quả. Khi Iran không còn là mối đe dọa, Saudi Arabia đã mất động cơ an ninh để liên minh với Israel", ông Khan chỉ ra.

Hơn nữa, bất chấp dấu ấn kinh tế lớn của Trung Quốc trong khu vực, Mỹ đã đầu tư hơn 150 tỷ đô la Mỹ vào Israel kể từ khi thành lập và đã bảo vệ nước này khỏi các mối đe dọa trong khu vực bằng cách giúp Israel phát triển năng lực phòng thủ tiên tiến.

Do đó, Israel sẽ không mạo hiểm mối quan hệ đặc biệt với Mỹ. Trên thực tế, Mỹ đã yêu cầu Israel giảm đầu tư của Trung Quốc vào quốc gia này từ năm 2020, làm giảm sự tăng trưởng của Trung Quốc tại đây.

Việc Trung Quốc sẵn sàng làm trung gian thỏa thuận giữa Israel và Palestine đang dựa trên thành công của thỏa thuận Saudi Arabia-Iran. Tuy nhiên, khả năng đàm phán thành công giữa Israel và Palestine là rất nhỏ và vẫn còn phải xem liệu Trung Quốc có thể đạt được hòa bình trong khu vực hay không. Hiện tại, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ giúp Palestine giành được những chiến thắng nhỏ trong cuộc xung đột, thay vì đạt được bất kỳ bước tiến lớn nào.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao Iran đang xích lại gần Nga?

    Vì sao Iran đang xích lại gần Nga?

    03:30, 04/05/2023

  • Hé lộ điều đáng quan ngại về thỏa thuận quân sự Nga - Iran

    Hé lộ điều đáng quan ngại về thỏa thuận quân sự Nga - Iran

    03:30, 21/04/2023

  • Lý do nhiều quốc gia vẫn cảnh giác với Iran

    Lý do nhiều quốc gia vẫn cảnh giác với Iran

    03:00, 17/03/2023

  • Thấy gì từ thỏa thuận Iran- Saudi Arabia?

    Thấy gì từ thỏa thuận Iran- Saudi Arabia?

    03:00, 16/03/2023

  • Thấy gì từ liên minh tam giác chiến lược Nga- Trung Quốc- Iran?

    Thấy gì từ liên minh tam giác chiến lược Nga- Trung Quốc- Iran?

    04:30, 05/12/2022

CẨM ANH