Viện trợ phát triển - "trận địa" mới của Trung Quốc và phương Tây

TRƯỜNG ĐẶNG 24/06/2023 04:00

Sau nhiều năm bỏ ngỏ, phương Tây giờ đang quay trở lại một lĩnh vực mà họ đã bị Trung Quốc vượt mặt trong vài năm qua - viện trợ phát triển.

Hội nghị Thượng đỉnh Hiệp ước tài chính toàn cầu mới thể hiện tham vọng cạnh tranh Trung Quốc của phương Tây?

Hội nghị Thượng đỉnh Hiệp ước tài chính toàn cầu mới thể hiện tham vọng cạnh tranh Trung Quốc của phương Tây

Hội nghị thượng đỉnh về Hiệp ước Tài chính Toàn cầu mới vừa diễn ra tuần qua là một sự kiện đáng chú ý cho các quốc gia trên thế giới. Hơn 100 lãnh đạo cấp cao các nước và các tổ chức quốc tế quan trọng đã tham gia, với trọng tâm là cải cách hệ thống tài chính toàn cầu hướng đến giải quyết bất bình đẳng, đói nghèo và biến đổi khí hậu.

>>Quan hệ Mỹ - Trung sẽ ra sao sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ?

Thế nhưng, theo đánh giá của giới chuyên gia, việc nước chủ nhà Pháp đề ra các quy tắc mới để tái cấu trúc nợ của các nước đang phát triển còn cho thấy một vấn đề đằng sau: đó là giảm bớt tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong lĩnh vực cho vay phát triển.

Trung Quốc – chủ nợ lớn nhất thế giới

Theo các thống kê, nợ nước ngoài của các quốc gia đang phát triển ở Nam bán cầu đã đạt đến mức báo động trong những năm gần đây. 91 quốc gia nghèo nhất thế giới đang chi trung bình hơn 16% doanh thu tài chính của họ cho việc trả nợ, tăng gần gấp ba lần so với năm 2011. Điển hình, Nigeria đang phải dành khoảng 96% tiền thuế của mình để thanh toán nợ.

Đáng chú ý, chủ của phần lớn các khoản nợ này là Trung Quốc. Bắc Kinh chiếm tới hơn 30% khoản nợ nước ngoài của các quốc gia Pakistan, Kenya, Lào và một số nước đang phát triển khác. Hiện Bắc Kinh đang là chủ nợ lớn nhất thế giới, với danh mục cho vay lớn hơn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới và 22 chính phủ lớn của các nước giàu cộng lại.

Trong số đó, châu Phi là điểm đến lớn nhất của một tài trợ từ Bắc Kinh trong thập kỷ qua. Theo một nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins, các quốc gia lục địa đen đã đăng ký vay của Trung Quốc khoảng 153 tỷ USD từ năm 2000 đến năm 2019.

Không thể phủ nhận các lợi ích mà nguồn vốn từ Trung Quốc mang lại. Số tiền lớn, linh hoạt trong thanh toán nợ hay ít các tiêu chuẩn là một số lý do các quốc gia kém phát triển sẵn sàng chào đón các nhà thầu Trung Quốc.

Theo ông Agathe Demarais, Giám đốc Đơn vị Tình báo Kinh tế (EIU), Bắc Kinh cũng đang sử dụng các chương trình cho vay để buộc các con nợ phải lệ thuộc vào kinh tế, chính trị của mình.

Các quốc gia mắc nợ Trung Quốc nhiều nhất - Ảnh: Statista

Các quốc gia mắc nợ Trung Quốc nhiều nhất - Ảnh: Statista

Và hành động của phương Tây?

Hội nghị thượng đỉnh Paris tuần này đặt ra hai mục tiêu quan trọng, mà theo các chuyên gia là nhắm trực tiếp vào Trung Quốc.

Mục tiêu đầu tiên mang tính ngắn hạn: đảm bảo một vị trí trong bàn đàm phán khi các khoản nợ của các thị trường mới nổi được cơ cấu lại, ngay cả khi Bắc Kinh là bên cho vay.

Từ 2020, các nước giàu có phương Tây đã thúc đẩy Khung xử lý nợ chung G-20 - một công cụ chính sách mới nhằm đảm bảo rằng các quốc gia mắc nợ không quá phụ thuộc vào Trung Quốc và có thể hưởng lợi từ bộ quy tắc chung do G-20 thiết kế khi họ cần thương lượng lại các khoản nợ.

Nhưng cho đến nay, Trung Quốc đã từ chối tham gia, khiến các cuộc đàm phán tái cơ cấu nợ liên quan đến Zambia hay Ghana, đã bị đình trệ. Qua đây, Trung Quốc đã thể hiện rõ lập trường không muốn phương Tây can thiệp vào các vấn đề tài chính của họ ở các nền kinh tế đang phát triển.

Theo các chuyên gia, sáng kiến tập trung vào tái cơ cấu nợ là một chiến lược thông minh của phương Tây. G-20 tin rằng bây giờ cũng có thể là thời điểm hoàn hảo để đáp trả lại chính sách ngoại giao vay nợ của Bắc Kinh.

Trung Quốc hiện đang gặp khó khăn về kinh tế trong nước, khiến các nguồn lực phải ưu tiên cho sự phục hồi trong nước. Sáng kiến Vành đai và Con đường đã phải rút gọn danh mục đầu tư, tập trung vào các khoản đầu tư ““nhỏ và hiệu quả hơn” ở nước ngoài. Ngoài ra, Bắc Kinh đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội ngày càng tăng ở các quốc gia mắc nợ, như các cuộc biểu tình đầu năm ở Pakistan .

Mục tiêu thứ hai, theo các nhà phân tích nhận định, đó là tái khẳng định vị trí của Ngân hàng Thế giới và IMF với tư cách là các tổ chức đa phương hàng đầu thế giới về tài chính phát triển.

Dữ liệu từ Đại học Boston cho thấy cứ 1% GDP mà một quốc gia vay từ Trung Quốc, thì khả năng yêu cầu IMF cho vay sẽ thấp hơn 6%. Hay nói cách khác, các quốc gia vay tiền của Trung Quốc sẽ ít khi phải cần tới các khoản tiền của phương Tây.

>>Xu hướng phi đô la hóa: "Số phận" USD sẽ ra sao?

Trong cuộc cải cách các thể chế tài chính của mình, Mỹ và phương Tây đang thúc đẩy một cuộc cải cách quản trị trong IMF - vốn cũng nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh Paris. 

Sự phân bổ quyền lực trong IMF đã không còn phù hợp với hoàn cảnh kinh tế hiện tại, khi các nước giàu nắm 60% quyền biểu quyết của IMF, dù chỉ chiếm 15% dân số và 40% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, tiến trình cải cách IMF nhiều khả năng sẽ cần thời gian, bởi để Washington từ bỏ quyền biểu quyết là điều khó khả thi.

Dù một số những tuyên bố cam kết trong hội nghị có thể không đi đến hiện thực, nhưng nó cho thấy sự quan tâm ngày một lớn của phương Tây trong vấn đề cấp vốn cho các quốc gia kém phát triển – một lãnh địa mà Trung Quốc đã thống trị trong những năm gần đây.

Có thể bạn quan tâm

  • Vượt qua khác biệt, Mỹ - Ấn Độ tìm thấy động lực để xích lại gần nhau?

    Vượt qua khác biệt, Mỹ - Ấn Độ tìm thấy động lực để xích lại gần nhau?

    04:00, 23/06/2023

  • Quan hệ Mỹ - Trung sẽ ra sao sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ?

    Quan hệ Mỹ - Trung sẽ ra sao sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ?

    04:00, 20/06/2023

  • Vì sao Trung Quốc ít kỳ vọng vào chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ?

    Vì sao Trung Quốc ít kỳ vọng vào chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ?

    03:30, 17/06/2023

  • Lý do Ngoại trưởng Mỹ chưa

    Lý do Ngoại trưởng Mỹ chưa "hàn gắn" được quan hệ Mỹ - Trung

    14:34, 20/06/2023

TRƯỜNG ĐẶNG