Vượt qua khác biệt, Mỹ - Ấn Độ tìm thấy động lực để xích lại gần nhau?

TRƯỜNG ĐẶNG 23/06/2023 04:00

Có rất nhiều khúc mắc trong mối quan hệ Ấn Độ - Mỹ, nhưng có một lý do khiến hai cường quốc đang tìm cách vượt qua bất đồng để xích lại nhau.

Mỹ và Ấn Độ tiếp tục củng cố quan hệ chiến lược bất chấp khác biệt

Mỹ và Ấn Độ tiếp tục củng cố quan hệ chiến lược bất chấp khác biệt

Vượt qua khác biệt về xung đột Nga - Ukraine

Ấn Độ là một trường hợp đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Là một quốc gia ngày càng có vị thế, cả về kinh tế và chính trị, nhưng New Delhi vẫn kiên định lập trường không liên kết – một điều khiến nhiều quan chức ở Mỹ và phương Tây không hài lòng.

>>Ukraine phản công: Bước tiến nhỏ, thách thức lớn

Khác biệt lớn nhất giữa Mỹ và Ấn Độ đến từ xung đột Nga - Ukraine. Mỹ và phương Tây đã chỉ trích việc Ấn Độ miễn cưỡng lên án Nga, tăng cường mua dầu và tiếp tục phụ thuộc vào vũ khí của Moscow. Điều này khiến một số giới chức và chuyên gia dự báo Mỹ có thể sẽ giảm bớt mức độ quan hệ với New Delhi.

Thế nhưng, sự kiện mới đây cho thấy điều ngược lại. Ngày 20/6, Tổng thống Joe Biden đón tiếp trọng thể Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Washington. Các quan chức thậm chí tuyên bố chuyến thăm này như một “cột mốc” trong quan hệ song phương sẽ giúp thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Ấn. 

Không chỉ hợp tác trên các sáng kiến khu vực, Washington còn sẵn sàng mở rộng chương trình cải thiện năng lực quốc phòng cho Ấn Độ, bao gồm cả việc chuyển giao công nghệ được coi là “ngọc quý” của ngành quốc phòng Mỹ: công nghệ sản xuất động cơ đẩy.

Mỹ thậm chí còn đang tích cực hỗ trợ nền quốc phòng của Ấn Độ

Mỹ thậm chí còn đang tích cực hỗ trợ nền quốc phòng của Ấn Độ

Bản thân ông Biden khẳng định rằng Hoa Kỳ đang tham gia một “cuộc chơi lâu dài” với Ấn Độ, mà trong đó những khác biệt về vấn đề Ukraine cũng không ảnh hưởng đến mối quan hệ này.

Điều này khiến các chuyên gia theo đường lối thủ cựu của cả hai bên cảm thấy tức giận. Các quan chức và học giả phương Tây chỉ trích việc ông Biden tiếp đón một nhà lãnh đạo đang ủng hộ Nga nhiệt tình là đi ngược lại các giá trị dân chủ của Mỹ. Trong khi ở Ấn Độ, giới thượng lưu ủng hộ phong trào không liên kết thuần túy lại một lần nữa ngạc nhiên trước việc ông Modi theo đuổi các mối quan hệ thân thiết, theo các chuyên gia.

Lợi ích chiến lược chung - kiềm chế Trung Quốc

Với các nhà phân tích, lý do duy nhất lý giải cho động thái mới này chính là Trung Quốc. Trong bối cảnh cả hai quốc gia đều cảm thấy vai trò quốc tế của họ bị Bắc Kinh thách thức, điều đó đã thúc đẩy Hoa Kỳ và Ấn Độ xích lại gần hơn trong một mối quan hệ chiến lược.

Đối với Mỹ, không ai khác ngoài Ấn Độ sẽ đóng vai trò trụ cột quyết định chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Mỹ có thành công hay không.

Quan hệ Mỹ - Trung đã đạt đỉnh vào năm 2000 dưới thời Tổng thống Bill Clinton, và kể từ đó, những người kế nhiệm ông đều tìm cách điều chỉnh lại mối quan hệ khi họ nhận ra sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Tổng thống G.W. Bush là người đầu tiên quan tâm đến tiềm lực của Trung Quốc dù khi đó Bắc Kinh mới chỉ trỗi dậy một cách âm thầm. Thế nhưng sự kiện 11/9 và cuộc chiến chống khủng bố đã phân tán mối quan tâm đó.

Trong các chiến lược kiềm chế Trung Quốc, các Tổng thống Mỹ, bao gồm các ông Bush, Obama, Trump và Biden, đều thể hiện mong muốn mạnh mẽ làm sâu sắc hơn quan hệ chiến lược với Ấn Độ, như một phần trong nỗ lực tái cơ cấu chính sách đối ngoại và an ninh của Mỹ đối với châu Á.

Chuyến thăm cấp nhà nước của ông Modi tới Washington vừa qua chỉ là bước mới nhất trong quan hệ Mỹ-Ấn đang phát triển bền vững, một quá trình đã được đẩy nhanh hơn dưới thời ông Biden, theo các chuyên gia.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc mới là quan tâm chiến lược của Mỹ và Ấn Độ trong dài hạn?

Sự trỗi dậy của Trung Quốc mới là quan tâm chiến lược của Mỹ và Ấn Độ trong dài hạn

>>Quan hệ Mỹ - Trung sẽ ra sao sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ?

Có thể nói sau 2 thập kỷ do dự, Mỹ cũng đạt được sự thống nhất chính trị rằng Trung Quốc mới là đại diện cho một mối đe dọa lâu dài và dai dẳng với lợi ích cốt lõi của Washington. Vì lẽ đó, câu chuyện Ấn Độ nghiêng về Nga trong xung đột cũng khó có thể làm thay đổi ưu tiên này.

Về phía Ấn Độ, New Delhi cũng coi Trung Quốc là thách thức chiến lược quan trọng nhất trong thế kỷ 21. Bốn cuộc khủng hoảng quân sự nghiêm trọng dọc theo biên giới chung của hai nước ở dãy Himalaya—vào các năm 2013, 2014, 2017 và 2020—đã nhấn mạnh mối đe dọa đối với New Delhi, cũng như các chính sách của Trung Quốc thách thức vị thế và lợi ích của Ấn Độ ở tiểu lục địa, biển Ấn Độ Dương hay vũ đài chính trị toàn cầu.

Tuyên bố của ông Modi nói rằng có “sự tin tưởng chưa từng có” giữa các nhà lãnh đạo của Mỹ và Ấn Độ nói lên nhiều điều.

Sự nghi ngại về Hoa Kỳ của các nhà lãnh đạo theo tư tưởng không liên kết truyền thống được cho là đã khiến Ấn Độ mất đi nhiều cơ hội hợp tác với Mỹ từ thời G.W. Bush. Nhưng với ông Modi, Ấn Độ đang tiến tới mạnh mẽ và quyết đoán hơn trong xây dựng một quan hệ đối tác chiến lược thực chất với Mỹ, mà mục tiêu chung rõ ràng là Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, tâm lý lo sợ Mỹ can thiệp nội bộ trong giới tinh hoa Ấn Độ cũng thể hiện tư tưởng không liên kết trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ nhiều khi bị xác định quá mức.

Ngay cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Thủ tướng Ấn Độ lúc bấy giờ là ông Jawaharlal Nehru đã tìm đến Hoa Kỳ để nhận hỗ trợ quân sự khi Trung Quốc tấn công vào năm 1962. Ở Tây Tạng vào những năm 1950, cơ quan tình báo của chính quyền ông Nehru cũng có hợp tác với CIA, theo các nhà nghiên cứu.

Do đó, cách tiếp cận có phần thực dụng của cả hai bên có nhiều ý nghĩa trong thời điểm này, khi cả Washington và New Delhi cùng đang bổ trợ cho nhau những khu vực còn thiếu sót. Với Mỹ, đó là vai trò và hiện diện ngày càng lớn ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Còn Ấn Độ nhận được những hợp tác kinh tế và hỗ trợ nâng cao năng lực quốc phòng vốn từ trước tới nay phụ thuộc quá nhiều vào Nga.

Như học giả Raja Mohan, chuyên gia Viện Chính sách Xã hội châu Á, cựu thành viên Hội đồng Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ, nhận định “Chủ nghĩa hiện thực về chính sách đối ngoại mới của Washington và New Delhi có thể sẽ tạo ra nhiều bất ngờ hơn trong thời gian tới”.

Có thể bạn quan tâm

  • Quan hệ Mỹ - Trung sẽ ra sao sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ?

    Quan hệ Mỹ - Trung sẽ ra sao sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ?

    04:00, 20/06/2023

  • Mỹ

    Mỹ "tiếp sức" Ấn Độ thoát phụ thuộc quốc phòng vào Nga

    14:25, 12/06/2023

  • Phương Tây tấn công vào

    Phương Tây tấn công vào "hậu phương" thương mại của Nga

    04:00, 22/06/2023

  • Châu Âu tăng năng lực quốc phòng: Vì sao

    Châu Âu tăng năng lực quốc phòng: Vì sao "nói dễ hơn làm"?

    04:30, 19/06/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vượt qua khác biệt, Mỹ - Ấn Độ tìm thấy động lực để xích lại gần nhau?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO