Là một trong những hậu phương giúp Nga trao đổi hàng hóa, Armenia và Kazakhstan đã phải kiềm chế bớt hỗ trợ cho Moscow trước các sức ép từ phương Tây.
Suốt hơn một năm chiến sự Nga- Ukraine, nền kinh tế Nga đã lèo lái qua hàng loạt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc của Mỹ và phương Tây. Sự hỗ trợ quốc tế cho Moscow là một trong những trụ cột quan trọng nhất trong chiến lược của ông Putin nhằm huy động các nguồn lực cho Nga.
>> Châu Âu tăng năng lực quốc phòng: Vì sao "nói dễ hơn làm"?
Thế nhưng, với một loạt biện pháp mới trong gói trừng phạt thứ 11 nhắm vào Nga và các quốc gia hậu thuẫn, EU dường như đã bắt đầu đạt được các tiến triển đầu tiên với Armenia và Kazakhstan.
Trước nguy cơ bị trừng phạt, chính phủ Armenia và Kazakhstan đang hứa hẹn với châu Âu sẽ hạn chế buôn bán thiết bị quân sự và hàng xa xỉ với Nga. Đây rõ ràng là một “đòn đau” đối với Moscow trong lúc chiến sự Nga- Ukraine đang đến hồi gay cấn.
Ông Mnatsakan Safaryan, Thứ trưởng Ngoại giao Armenia chịu trách nhiệm về chính sách trừng phạt, nói: “Chúng tôi rất lo ngại rằng với những diễn biến như vậy, việc một quốc gia hoặc các công ty của chúng tôi bị trừng phạt, sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế và khiến Armenia không thể chịu đựng được về mặt kinh tế và an ninh”.
Kể từ khi Nga bị phương Tây cấm vận, thương mại hai chiều giữa Moscow và 2 quốc gia láng giềng đã tăng vọt. Trong đó Armenia và Kazakhstan được cho là các “trạm trung chuyển” cho hàng loạt mặt hàng thiết yếu như chip máy tính, đồ điện tử - được cho là có mục đích kép, cả dân sự và quân sự. Theo số liệu hải quan, xuất khẩu của Armenia sang Nga đã tăng 463% từ năm 2022 đến năm 2023 và hiện đạt trị giá hơn 328 triệu euro.
Phương tây đã nhận ra điểm yếu đó và hành động. Trong gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga, EU đề xuất thiết lập lệnh cấm xuất khẩu một số mặt hàng hóa sang các quốc gia hoặc doanh nghiệp không thuộc EU được cho là đang giúp Nga lách trừng phạt. Trong đó, Ủy ban châu Âu (EC) đề nghị thực hiện trừng phạt đối với một loạt công ty bị cáo buộc tham gia vào quá trình này trong khu vực, bao gồm hai công ty của Uzbekistan và một công ty của Armenia.
Armenia hiện đã công khai cam kết hợp tác với EU và Hoa Kỳ để ngăn chặn thương mại "các mặt hàng rủi ro". Một danh sách do chính phủ nước này lập ra vào tháng 5 áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với hàng hóa có thể được ngành công nghiệp vũ khí Nga sử dụng.
Dù là một nước Liên Xô cũ và duy trì hợp tác sâu rộng với Nga, Armenia vẫn có những tín hiệu xích lại gần châu Âu. Chính phủ Armenia đã đạt tiến bộ đáng kể về quyền tự do dân sự và tự do báo chí như mong muốn của EU. Đồng thời, nước này cũng đang tìm kiếm quan hệ chặt chẽ hơn với phương Tây.
EU đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai và đã triển khai một phái đoàn giám sát dân sự lên biên giới với Azerbaijan để hạn chế buôn lậu.
Với Kazakhstan, các tín hiệu mới nghiêng về phía phương Tây cũng khiến EU hài lòng. Chính phủ ở thủ đô Astana mới đây đã đưa ra các quy định nghiêm ngặt đối với hàng hóa như thiết bị điện tử có thể được Nga tái chế và tái sử dụng cho mục đích quân sự.
“Chúng tôi không ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống Nga, nhưng chúng tôi tuân thủ”, Bộ trưởng Kinh tế Kazakhstan Alibek Kuantyrov cho biết vào tuần trước, chỉ ra rằng mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Moscow khiến các công ty của họ có nguy cơ bị trừng phạt.
Giá trị xuất khẩu của Kazakhstan sang Nga đã tăng gần gấp đôi, từ 490 triệu euro lên hơn 800 triệu euro trong một năm, theo Trade Data Monitor. Nhưng với những động thái mới đây, Brussels đã phải ca ngợi Kazakhstan.
Không chỉ thúc đẩy việc kiểm soát hàng hóa bị hạn chế đến Nga, Diễn đàn Quốc tế Astana (AIF) được tổ chức tại thủ đô Kazakhstan vào ngày 8-9/6 cũng vắng bóng đại diện từ Nga. Việc các quan chức từ EU, chứ không phải Nga, thảo luận ở Astana về nhiều vấn đề, từ xung đột toàn cầu đến trí tuệ nhân tạo và số hóa, cho thấy Kazakhstan đang cố gắng hướng về phương Tây, ít nhất là ở một mức độ nhất định.
>>Ukraine phản công: Bước tiến nhỏ, thách thức lớn
Một trong những ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu của quốc gia Trung Á, bên cạnh việc tăng cường quan hệ kinh tế với Nga, còn là tăng cường kết nối với các chủ thể toàn cầu lớn, cụ thể là với phương Tây. Cuối tháng 5/2023, Brussels và Astana đã ký Thỏa thuận hợp tác EU-Kazakhstan trị giá 9 triệu euro về việc thực hiện các dự án kinh tế khác nhau ở nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.
Tuy nhiên, những thay đổi trong chính sách của Armenia và Kazakhstan nhằm độc lập khỏi ảnh hưởng của Nga vẫn là một quá trình lâu dài. Trong giai đoạn này, EU sẽ phải chứng kiến 2 quốc gia cố gắng tìm cách cân bằng mối quan hệ giữa Moscow với phương Tây. Và sẽ khó có chuyện chính quyền hai quốc gia này từ bỏ mọi mối liên hệ với Moscow để chịu chung số phận như Ukraine.
Có thể bạn quan tâm