Điều gì ngăn cản Ấn Độ cạnh tranh vị thế siêu cường với Trung Quốc?
Với tiềm lực và vị thế hiện tại của Ấn Độ, một số ý kiến cho rằng Ấn Độ có thể sớm vươn tới vị thế siêu cường như Trung Quốc và Mỹ. Nhưng quan điểm đó liệu có quá lạc quan?
Với chuyến thăm Washington mới đây, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã đạt được những thành công rực rỡ. Bất chấp những khúc mắc xung quanh chiến sự Nga- Ukraine, ông Modi vẫn giành được những cam kết quan trọng với Mỹ - nhà lãnh đạo liên minh ủng hộ Kiev. Các thỏa thuận sâu rộng về chất bán dẫn, khoáng sản, công nghệ, đặc biệt là hợp tác và mua bán quốc phòng, thậm chí được coi như “chìa khóa” để mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương.
>>Viện trợ phát triển - "trận địa" mới của Trung Quốc và phương Tây
Sự ưu ái của Mỹ cho thấy Ấn Độ đang có nhiều cơ hội để trở thành một thế lực mới có thể cạnh tranh tầm ảnh hưởng về kinh tế và chính trị với Trung Quốc. Rõ ràng, lãnh đạo Ấn Độ không hề ảo tưởng với tham vọng đó. Ấn Độ mới đây đã vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. New Delhi cũng đã vượt qua Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong hai năm qua, với GDP 6,1% trong quý trước, so với mức 4,5% của Trung Quốc.
Thế nhưng, theo một số chuyên gia, có ba rào cản chính ngăn cản Ấn Độ có thể vươn tầm trở thành một siêu cường cạnh tranh với Trung Quốc.
Thứ nhất, bất chấp sự tăng trưởng phi thường của Ấn Độ trong hai năm qua, quy mô nền kinh tế của cường quốc Nam Á vẫn nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc.
Vào đầu những năm 2000, sản xuất, xuất khẩu và GDP của Trung Quốc lớn hơn Ấn Độ khoảng 2- 3 lần. Sau hơn 20 năm, nền kinh tế Trung Quốc lớn hơn Ấn Độ khoảng 5 lần, với GDP của Trung Quốc là 17,7 nghìn tỷ USD so với GDP của Ấn Độ là 3,2 nghìn tỷ USD.
Có rất nhiều lý do cho việc này, nhưng đường lối chính trị là một yếu tố. Trung Quốc đã trải qua một chặng đường dài, với một loạt các chiến lược cải cách kinh tế dài hơi qua các đời lãnh đạo, từ ông Giang Trạch Dân, ông Hồ Cẩm Đào cho tới ông Tập Cận Bình, để gặt hái được vị thế như ngày nay. Việc Ấn Độ có thể tiếp bước được Bắc Kinh hay không vẫn là một câu hỏi chưa thể trả lời.
Năm 2014, nhà lãnh đạo Singapore, Lý Quang Diệu, một người rất kính trọng Ấn Độ, phân tích, chính sự kết hợp của hệ thống đẳng cấp đã ăn sâu bám rễ của Ấn Độ là “kẻ thù của chế độ trọng dụng nhân tài”. Bên cạnh đó, ông cho rằng bộ máy quan liêu khổng lồ và việc giới tinh hoa không sẵn lòng giải quyết các yêu sách cạnh tranh của nhiều nhóm sắc tộc và tôn giáo cũng là một nguyên nhân.
Một số nhà phân tích hàng đầu thế giới đã thừa nhận rằng đã quá kỳ vọng vào việc nền kinh tế Ấn Độ có thể sớm vượt Trung Quốc. Ngay từ những năm 1990, một Ấn Độ với dân số trẻ đã được dự báo có thể tạo ra một “phép màu kinh tế” nhờ tự do hóa kinh tế. Cho tới đầu thế kỷ 21, dự báo tương tự được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2006 ở Davos, và Bộ trưởng thương mại Ấn Độ khi đó tự tin rằng nền kinh tế quốc gia sẽ sớm vượt qua Trung Quốc. Cho tới nay, mặc dù có sự tăng trưởng nhưng tất cả những dự đoán này vẫn chưa trở thành hiện thực.
Thứ hai, Ấn Độ đã bị tụt lại phía sau Trung Quốc trong cuộc đua phát triển khoa học và công nghệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Số sinh viên tốt nghiệp ngành STEM của Trung Quốc gần gấp đôi so với Ấn Độ. Trung Quốc chi 2% GDP cho nghiên cứu và phát triển, trong khi Ấn Độ chi 0,7%. Bốn trong số 20 công ty công nghệ lớn nhất thế giới tính theo doanh thu thuộc về Trung Quốc; không có trụ sở tại Ấn Độ.
Việc đóng vai trò trung tâm sản xuất và cung ứng của thế giới trong nhiều năm thực sự đã giúp ích Bắc Kinh. Trung Quốc sản xuất hơn một nửa cơ sở hạ tầng 5G của thế giới, trong khi Ấn Độ mới chỉ chiếm 1%. Ngành công nghệ Trung Quốc mới nổi trong một thập niên qua nhưng đã tạo được tiếng vang lớn, như TikTok và các ứng dụng tương tự được tạo ra ở Trung Quốc hiện đang dẫn đầu toàn cầu. Trong khi đó, Ấn Độ dù từ lâu nổi tiếng là cái nôi của các thiên tài công nghệ, nhưng New Delhi vẫn chưa tạo ra một sản phẩm công nghệ nào vươn ra toàn cầu từ trong nước.
Khi nói đến sản xuất trí tuệ nhân tạo (AI), Trung Quốc là đối thủ toàn cầu duy nhất của Hoa Kỳ. Trong khi Ấn Độ không có tên trong cuộc đua này. Bắc Kinh nắm giữ 65% bằng sáng chế AI của thế giới, so với 3% của Ấn Độ.
>>Vượt qua khác biệt, Mỹ - Ấn Độ tìm thấy động lực để xích lại gần nhau?
Thứ ba, khi đánh giá sức mạnh của một quốc gia, điều quan trọng là chất lượng của lực lượng lao động. Theo các chuyên gia, tính trên mặt bằng chung lực lượng lao động của Trung Quốc có năng suất cao hơn của Ấn Độ, khi nhiều cộng đồng tại Nam Á vẫn thuộc diện nghèo đói và suy dinh dưỡng cao. Hơn 10% dân số 1,4 tỷ người của Ấn Độ vẫn phải sống dưới mức tiêu chuẩn thấp nhất của Ngân hàng Thế giới là 2,15 USD/ngày.
Dù vậy, không thể phủ nhận Ấn Độ dưới thời Thủ tướng N.Modi đã đạt được những thành tựu đáng nể. Nhờ đường lối đối ngoại không liên kết khéo léo cùng chiến lược “tự cường” ưu tiên củng cố kinh tế trong nước, Ấn Độ đã và đang từng bước vượt qua những thách thức toàn cầu như đại dịch Covid-19, cạnh tranh địa chính trị Mỹ - Trung hay chiến sự Nga – Ukraine. Những thành tựu mới đây cho thấy, dù còn nhiều rào cản, nhưng New Delhi đã sẵn sàng vươn tới một vị thế mới trong thế giới đa cực ngày càng rõ nét.
Có thể bạn quan tâm
Vượt qua khác biệt, Mỹ - Ấn Độ tìm thấy động lực để xích lại gần nhau?
04:00, 23/06/2023
Mỹ "tiếp sức" Ấn Độ thoát phụ thuộc quốc phòng vào Nga
14:25, 12/06/2023
"Căng thẳng" với Trung Quốc về Kashmir, Ấn Độ sẽ về phe Mỹ?
04:00, 27/05/2023
Thạm vọng mở rộng BRICS của Trung Quốc sẽ "phản tác dụng"?
04:00, 25/06/2023
Viện trợ phát triển - "trận địa" mới của Trung Quốc và phương Tây
04:00, 24/06/2023