Quan hệ Nga - Trung sẽ ra sao sau vụ binh biến Wagner?

TRƯỜNG ĐẶNG 29/06/2023 04:00

Vụ binh biến chấn động của Wagner do Yevgeny Prigozhin cầm đầu đã kết thúc chóng vánh, nhưng tác động của nó không chỉ dừng lại ở Nga mà cả đối tác thân cận của Moscow là Trung Quốc.

Trung Quốc đã có động thái ngoại giao ủng hộ ông Putin sau vụ binh biến bất thành

Trung Quốc đã có động thái ngoại giao ủng hộ ông Putin sau vụ Wagner binh biến bất thành

Nhiều chuyên gia cho rằng, là một đồng minh quan trọng của Moscow, Trung Quốc phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa với cuộc binh biến bất ngờ của Tập đoàn Wagner vừa qua.

Thứ nhất, đó là nghi vấn về sự ổn định của chính phủ Nga trong lòng Bắc Kinh. Tập đoàn Wagner từng là một cánh tay phải của Tổng thống Putin trong cuộc chiến với Ukraine. Do đó, vụ nổi loạn vừa rồi có thể giúp Trung Quốc nhận thấy có sự bất mãn và chia rẽ nhất định trong giới tinh hoa Nga.

Dù Trung Quốc vẫn tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ ông Putin, nhưng không thể nói vụ nổi loạn không có tác động gì đối với mối quan hệ Trung – Nga. Theo giới chuyên gia, Nga sẽ càng trở nên khó đoán hơn và kém tin cậy hơn trong mắt Trung Quốc với tư cách là một đối tác thân cận.

>> Điều gì ngăn cản Ấn Độ cạnh tranh vị thế siêu cường với Trung Quốc?

Sự phản ứng chậm chạp của Bắc Kinh là một dấu hiệu. Cũng như chính phủ Nga, Trung Quốc rõ ràng cũng bất ngờ trước cuộc nổi dậy ngắn ngủi của lực lượng đánh thuê ở Nga. Nhưng chỉ sau khi vụ việc ngã ngũ, Trung Quốc mới đưa ra tuyên bố ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ở Trung Quốc, tin tức về cuộc nổi dậy của Wagner cũng bị hạn chế. Thậm chí theo một số nhà quan sát, không ít học giả Trung Quốc bày tỏ sự không chắc chắn về con đường đối ngoại với Nga, rằng Bắc Kinh không nên đặt quá nhiều quân bài tại Moscow để gánh chịu rủi ro trong tương lai.

Vụ binh biến để lại hậu quả không nhỏ cho quan hệ Nga - Trung

Vụ binh biến của Wagner để lại hậu quả không nhỏ cho quan hệ Nga - Trung

Tuy nhiên, như chuyên gia James Palmer của tờ Foreign Policy nhận định, sự việc này khó có khả năng khiến Trung Quốc xa rời Nga, thay vào đó, chính sách của Bắc Kinh với Moscow có thể chỉ mang tính thận trọng hơn. Mối liên kết chặt chẽ giữa hai lãnh đạo Tập Cận Bình và Vladimir Putin là rõ ràng, và những chia rẽ trong giới lãnh đạo Nga về vấn đề Ukraine là điều có thể hiểu được, nhất là khi Bắc Kinh cũng phải đối mặt với những khó khăn tương tự trong xử lý các khu vực nhạy cảm.

Không chỉ gây hoài nghi trong giới lãnh đạo ở Bắc Kinh, hoạt động thương mại đang bùng nổ với Nga cũng bị tác động. Trung Quốc hiện đã là đối tác thương mại hàng đầu của Nga, với việc Bắc Kinh xuất khẩu mọi thứ từ ô tô đến điện thoại thông minh. Nhưng trong các lĩnh vực đầu tư dài hơi, sự thận trọng vốn đã tồn tại này càng có cơ sở để lan rộng.

Trong ngành năng lượng, thương mại hai nước đã tăng 40% trong 5 tháng đầu năm nay, nhưng chủ yếu là hoạt động mua bán dầu thô giá rẻ của Nga chuyển hướng sau các lệnh trừng phạt. Theo Reuters, các công ty năng lượng nhà nước Trung Quốc vẫn chưa chắc chắn về các khoản đầu tư mới vào Nga.

Ông Michal Meidan, chuyên gia về năng lượng Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, cho biết: "Nếu Nga thua trong cuộc chiến ở Ukraine hoặc nhìn thấy những thay đổi trong giới lãnh đạo trong nước, điều đó sẽ tạo ra những bất ổn lớn cho các nhà đầu tư Trung Quốc”. Ông này cho biết chính phủ Trung Quốc dường như cũng đang thận trọng, với do dự ký thỏa thuận đường ống dẫn khí mới kết nối các nước với Moscow.

Vụ việc nổi loạn của Wagner càng khiến mối lo thêm trầm trọng. Hôm 27/6, trước thông tin về binh biến, hàng loạt doanh nhân từ miền Nam Trung Quốc đã gấp rút yêu cầu các nhà máy ngừng vận chuyển hàng hóa đến Nga. Dù mọi việc đã được dàn xếp, nhưng nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc vẫn không chắc chắn về khả năng mở rộng giao thương với Nga.

Thứ hai, một nước Nga rạn nứt cũng sẽ làm suy giảm chiến lược và tham vọng toàn cầu của Trung Quốc.

Bắc Kinh muốn áp đặt lại trật tự thế giới mới đa cực để thách thức vai trò bá quyền của Mỹ nhiều năm qua, trong đó quan hệ “không giới hạn” với Nga là một trụ cột. Nhưng với vụ Wagner, sự chia rẽ trong nội bộ Nga bị bộc lộ, khiến kế hoạch này trở nên khó khăn hơn cho Trung Quốc.

Chiến sự Nga - Ukraine cũng càng trở nên khó đoán ảnh hưởng tới tham vọng toàn cầu của Trung Quốc

Chiến sự Nga - Ukraine cũng càng trở nên khó đoán ảnh hưởng tới tham vọng toàn cầu của Trung Quốc

Trên thực tế, Bắc Kinh có thể có lợi hơn nếu Nga có thể sớm giải quyết vấn đề Ukraine, qua đó tập trung gây dựng sức mạnh các hệ thống của riêng mình, như BRICS là một ví dụ. Nhưng cuộc nổi loạn của Wagner có thể mang lợi thế cho quân đội Ukraine trong cuộc phản công, đồng thời khiến cục diện chiến sự Nga- Ukraine ngày càng khó đoán và kéo dài.

>>Chiến sự Nga - Ukraine: Kiev hưởng lợi gì từ vụ đảo chính của Wagner?

“Bắc Kinh có nhu cầu chiến lược để ngăn Nga khỏi bất ổn nội bộ hoặc những thất bại quốc tế có thể dẫn đến sự trỗi dậy của một chế độ thù địch với Trung Quốc”, ông John K. Culver, chuyên gia Trung tâm Trung Quốc Toàn cầu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, đánh giá. Bởi vì đối với ông Tập Cận Bình, bất ổn nội bộ của Nga cũng có thể tạo cơ hội để Mỹ và đồng minh gia tăng thêm sức ép và cô lập Bắc Kinh nhiều hơn, hoặc khiến họ phải thỏa hiệp nhiều hơn về ngoại giao hoặc kinh tế.

Có thể bạn quan tâm

  • "Ngã ngũ" cuộc đua đất hiếm Mỹ - Trung

    04:00, 28/06/2023

  • Điều gì ngăn cản Ấn Độ cạnh tranh vị thế siêu cường với Trung Quốc?

    Điều gì ngăn cản Ấn Độ cạnh tranh vị thế siêu cường với Trung Quốc?

    04:00, 27/06/2023

  • Thạm vọng mở rộng BRICS của Trung Quốc sẽ

    Thạm vọng mở rộng BRICS của Trung Quốc sẽ "phản tác dụng"?

    04:00, 25/06/2023

  • Viện trợ phát triển -

    Viện trợ phát triển - "trận địa" mới của Trung Quốc và phương Tây

    04:00, 24/06/2023

TRƯỜNG ĐẶNG