Quyền lực mềm - "Lỗ hổng" trong tham vọng toàn cầu của Trung Quốc
Trung Quốc đã và đang tăng cường các khoản đầu tư nước ngoài, nhưng dường như chưa làm được gì nhiều để cải thiện hình ảnh của mình trong mắt người dân quốc tế.
Trung Quốc vẫn đang gặp vấn đề trong thúc đẩy quyền lực mềm, bất chấp những khoản đầu tư nặng ký của họ được đón nhận trên khắp thế giới. Kể cả các nước láng giếng ở Châu Á, thực tế này cũng không cải thiện hơn.
>>Điều gì ngăn cản Ấn Độ cạnh tranh vị thế siêu cường với Trung Quốc?
Theo khảo sát mới đây từ tổ chức Eurasia Group Foundation (EGF), người dân các nước Singapore, Philippines và Hàn Quốc đều có quan điểm tiêu cực về quyền lực mềm của Trung Quốc. Chỉ hơn 1/3 cho biết họ có quan điểm tích cực về quyền lực mềm của Trung Quốc, trong khi khoảng 3/4 ủng hộ quyền lực mềm của Hoa Kỳ trong 5 năm qua.
Tham vọng "siêu cường văn hóa"
Nói đến quyền lực mềm là nhắc đến khả năng thu hút của một quốc gia, không chỉ về kinh tế mà còn hệ tư tưởng, các giá trị, mô hình chính trị trong nước, công nghệ, văn hóa và ảnh hưởng trong các tổ chức quốc tế. Hoa Kỳ của những thập niên sau Thế chiến thứ 2 là một ví dụ.
Trung Quốc hiển nhiên coi trọng mũi nhọn này trong chiến lược vươn ra toàn cầu của mình. Trong hàng chục năm qua, Bắc Kinh không tiếc tiền nghiên cứu và đầu tư và quảng bá văn hóa, giáo dục, như phát triển ngành điện ảnh hay mở mới các Viện Khổng Tử khắp thế giới.
Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 17 năm 2007, Chủ tịch nước khi đó, ông Hồ Cẩm Đào, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa trong sức mạnh tổng thể của quốc gia. Đến năm 2011, Trung Quốc tiếp tục mục tiêu phát triển thành một siêu cường văn hóa. Nhưng chỉ sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2013, Trung Quốc mới bắt đầu đầu tư mạnh vào quyền lực mềm trên toàn cầu.
Một loạt các sáng kiến chính sách của Trung Quốc được đưa ra. Từ ngoại giao kinh tế như việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) và Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI); cho tới văn hóa bao gồm định hướng lại các thể chế quốc tế do Trung Quốc lãnh đạo; đầu tư vào các Viện Khổng Tử cho giáo dục; và tài trợ cho các tổ chức tư vấn khu vực , ngoại giao công chúng và các hoạt động truyền thông ở phía Nam bán cầu. Ngày nay, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng thường xuyên đăng tải các bài viết về quyền lực mềm trên khắp thế giới.
Nỗ lực chưa thành của Bắc Kinh
Thế nhưng, thành quả mà Trung Quốc gặt hái được vẫn quá khiêm tốn. Một nghiên cứu khác của Pew Research Center năm 2022 cho thấy đại dịch Covid-19 đã làm xấu thêm hình ảnh của Bắc Kinh trong mắt người dân trên thế giới.
Bên cạnh đó, đa số người dân các quốc gia trên thế giới cũng coi sức mạnh quân sự Trung Quốc là một “vấn đề”. Theo các chuyên gia, đây là một vấn đề sâu xa mà Trung Quốc gặp phải trong thúc đẩy quyền lực mềm: các dự án nâng cao hình ảnh thường mâu thuẫn với các mục tiêu quân sự của Bắc Kinh.
Tranh chấp Biển Đông hay Hoa Đông cũng là một ví dụ. Một mặt, Trung Quốc mời gọi các nước tham gia vào hành lang kinh tế của mình, nhưng mặt khác các tàu chiến và tàu cá của Bắc Kinh vẫn liên tục xâm lấn và đòi hỏi các yêu sách chủ quyền gây phiền lòng các nước trong khu vực.
Mức độ bất ổn nhất định trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh là một yếu tố khác. Hàn Quốc, Phillipines và Singapore đều là các nước quan trọng trong chiến lược ngoại giao láng giềng của Bắc Kinh. Những thành tựu ban đầu là tích cực, như thuyết phục được Seoul đồng ý gia nhập AIIB.
Nhưng sau vụ việc Hàn Quốc tuyên bố sẽ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD nhằm phòng vệ trước Triều Tiên, Bắc Kinh lập tức áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Seoul. Quan hệ song phương của Hàn Quốc với Trung Quốc hiển nhiên bị rạn nứt.
>>Viện trợ phát triển - "trận địa" mới của Trung Quốc và phương Tây
Mặt khác, các khoản đầu tư nước ngoài của Trung Quốc chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn. Ngày càng nhiều quốc gia mà Trung Quốc muốn xây dựng ảnh hưởng lo ngại về rủi ro từ khoản vay và hành vi của doanh nghiệp Trung Quốc.
Tại Phillipines, cựu Tổng thống Rodrigo Duterte đã từng nỗ lực xích lại gần Trung Quốc. Để đổi lấy lời hứa tài trợ 24 tỷ USD từ BRI, ông đã gạt bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 vô hiệu hóa các yêu sách của Bắc Kinh đối với Biển Đông. Cùng lúc, nhà lãnh đạo này cũng công khai quan điểm chống Mỹ.
Nhưng theo EGF, 2/3 người Philippines lại có quan điểm tiêu cực về hệ thống chính quyền của Trung Quốc và ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với đất nước họ trong 5 năm qua. Một trong những nguyên nhân chính lại là việc hải quân Trung Quốc thường xuyên gây bất ổn trong khu vực ngư dân Phillipines hành nghề.
Có thể bạn quan tâm
Điều gì ngăn cản Ấn Độ cạnh tranh vị thế siêu cường với Trung Quốc?
04:00, 27/06/2023
Thạm vọng mở rộng BRICS của Trung Quốc sẽ "phản tác dụng"?
04:00, 25/06/2023
Viện trợ phát triển - "trận địa" mới của Trung Quốc và phương Tây
04:00, 24/06/2023
Điện toán đám mây: Lĩnh vực căng thẳng mới giữa Mỹ và Trung Quốc
03:30, 23/06/2023