"Hé lộ" kết cục bi thảm của làn sóng phi đô la hoá

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 02/07/2023 04:30

Đến nay, những nỗ lực phi đô la hóa từ các quốc gia giàu trữ lượng dầu mỏ đều kết thúc bi thảm. Lần này, BRICS sẽ thành công?

Đồng đô la Mỹ

Đồng đô la Mỹ "trưởng thành" bằng các cuộc chiến tranh đẫm máu

>>Đồng tiền chung của BRICS dễ thành hiện thực?

Tại Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế lớn, mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (BRICS), Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đặt ra câu hỏi có tính thách thức: “Tại sao thế giới tiếp tục dựa gần như toàn bộ hoạt động thương mại của mình vào đồng đô la Mỹ? Tại sao chúng ta không thể giao dịch dựa trên đồng tiền của chính mình?”

Tất cả các chính phủ, các chuyên gia nghiên cứu kinh tế, chính trị từ sơ cấp đến cao cấp đều biết rõ lý do. Nhưng ý ông Lula da Silva không chỉ muốn biết chừng ấy; đó là mệnh đề đầy kích thích, gợi ra suy nghĩ phải làm gì đó chống lại sự độc tôn này. Dĩ nhiên, BRICS đã tuyên bố tham vọng sử dụng đồng tiền mới của họ thay “đồng bạc xanh”.

Những cuộc cách mạng đã sinh ra đồng đô la Mỹ và hàng loạt cuộc chiến tranh đẫm máu giúp đồng tiền này thống trị thương mại toàn cầu. Trong vòng 30 năm từ 1920 - 1950, các thế lực phương Tây đã “tổ chức” 2 cuộc chiến tranh thế giới. Mỹ trở thành nền kinh tế thống trị tuyệt đối.

Theo thời gian, hàng chục cuộc chiến tranh khác với hàng chục đất nước tan hoang và hàng chục triệu người chết cùng với bom đạn và những tờ “đô la xanh” đầy ma lực của giới tài phiệt bí ẩn.

Một trong những trụ cột chính tạo ra sức mạnh của đồng tiền Mỹ là ép buộc giao dịch dầu mỏ, khí đốt bằng đô la Mỹ. Nếu bất tuân sẽ nhận lại các cuộc chiến tranh như đã từng xảy ra ở Trung Đông suốt hơn 30 năm nay. Trừng phạt và cấm vận đóng vai trò là tấm khiên bảo vệ sự thống trị của đô la Mỹ.

Bạo loạn lật đổ chính quyền Venezuela có nguồn gốc từ mâu thuẫn với Mỹ

>>BRICS tung đòn soán ngôi “vua tiền tệ” của USD

Những nước sở hữu nhiều dầu mỏ nhưng không chấp nhận đứng về phe Mỹ và các nước có ý định phá vỡ hệ thống Petrodollars đều bị Mỹ tìm cách loại bỏ. Năm 2000, Tổng thống Iraq, ông Saddam Hussein tuyên bố sẽ bán dầu thô bằng cả đồng euro chứ không chỉ bằng USD, lập tức bị liên quân 34 nước vùi dập trong chiến tranh vùng Vịnh.

Năm 2011, ông Muammar Gaddafi, Tổng thống Libya đề xuất về đồng Dinar vàng, đồng tiền chung của châu Phi, cạnh tranh với đô la Mỹ. Tháng 3 cùng năm, liên quân Anh - Pháp - Mỹ khai hỏa chiến tranh Libya bằng tên lửa hành trình Tomahawk. Bảy tháng sau, số phận của Đại tá Gaddafi và gia đình ông kết thúc rất bi thảm! Cho đến tận ngày nay, đất nước châu Phi này vẫn đang bị hủy hoại và chìm trong bất ổn.

Mới đây là Venezuela- quốc gia có trữ lượng dầu mỏ hàng đầu thế giới. Năm 2017, Bộ dầu mỏ nước này ra quyết định bị Mỹ coi là “âm mưu lật đổ petrodollars” - niêm yết giá dầu bằng Nhân dân tệ thay USD. Thế là quốc gia này bị đảo chính, cấm vận, phong tỏa, trở thành nơi tập trung của lạm phát và nghèo đói, lạc hậu.

Câu chuyện của buồn Iraq trong chiến tranh vùng Vịnh; Libya, Syria với mùa xuân Ả Rập, chống khủng bố,… có lẽ là những minh chứng và trải nghiệm đau đớn nhất về cái giá phải trả khi muốn bãi bỏ hệ thống petrodollar.

Phong trào “phi đô la hóa” lần này lại nhóm lên bởi các cường quốc có “máu mặt”, không còn là hiện tượng đơn lẻ, dễ đàn áp như trong quá khứ. Vì vậy, cuộc chiến giành và giữ ngôi vương tiền tệ cũng lớn hơn gấp bội. Đó là cuộc chiến giữa hai hệ thống thế giới đương đại.

Có thể bạn quan tâm

  • Phong trào phi đô la hóa (Kỳ I): “Cú sốc” với USD

    Phong trào phi đô la hóa (Kỳ I): “Cú sốc” với USD

    11:20, 23/06/2023

  • Phong trào phi đô la hóa (Kỳ II): Đồng USD sẽ ra sao?

    Phong trào phi đô la hóa (Kỳ II): Đồng USD sẽ ra sao?

    03:30, 01/07/2023

  • Xu hướng phi đô la hóa:

    Xu hướng phi đô la hóa: "Số phận" USD sẽ ra sao?

    04:00, 16/06/2023

TRƯƠNG KHẮC TRÀ