Xu hướng phi đô la hóa: "Số phận" USD sẽ ra sao?

TRƯỜNG ĐẶNG 16/06/2023 04:00

Dù chưa thực sự rõ nét, nhưng xu thế tách ra khỏi sự phụ thuộc vào đồng USD trong thương mại và dự trự ngoại hối toàn cầu đang gia tăng, đặt ra những bài toán mới cho kinh tế Việt Nam.

BRICS dự kiến phát hành đồng tiền chung để soán ngôi đồng USD

Kinh tế và chính trị toàn cầu càng bất ổn, hệ thống tiền tệ quốc tế truyền thống càng cho thấy nhiều vấn đề, đặc biệt là các quốc gia mới nổi và đang phát triển. Đó là một nguyên nhân thúc đẩy xu hướng đa cực trong hệ thống tiền tệ thế giới, mà trước hết là phi đô la hóa.

>>FED tiếp tục tăng hay ngừng tăng lãi suất?

Ngày càng nhiều quốc gia lo ngại về khả năng đồng USD bị “vũ khí hóa” trong bối cảnh môi trường chính trị quốc tế ngày càng bất ổn với cuộc cạnh tranh Đông – Tây.

Việc Mỹ và phương Tây tuyên bố đóng băng hơn 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Moscow là một động thái chưa có tiền lệ. Sự kiện này đã khiến đồng Rúp mất giá hơn 40%, đồng thời đẩy nền tài chính Nga vào cảnh lao đao khi đến nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ quốc tế.

Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các quốc gia mới nổi khác về khả năng “vũ khí hóa” đồng USD của phương Tây. Một loạt động thái phòng ngừa lập tức được đưa ra, đặc biệt tại các quốc gia có quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với Mỹ. Không chỉ vậy, một loạt các quốc gia khác, thậm chí có cả đồng minh của Mỹ, cũng đang xem xét và tiến hành sự chuyển dịch này.

Sức mua của USD ngày càng giảm sút trong những năm gần đây

Sức mua - một chỉ báo cho sức mạnh tiền tệ - của USD ngày càng giảm sút trong những năm gần đây

Xu hướng không thể tránh khỏi

Các quốc gia mới nổi đang ngày càng bức xúc trước việc nền kinh tế quốc gia và thế giới phải phụ thuộc vào quyết định của Mỹ. Trong đó, Trung Quốc hoạt động tích cực nhất để thoát khỏi “vòng kim cô” này.

Là trung tâm sản xuất toàn cầu, Bắc Kinh tận dụng lợi thế thương mại để đẩy mạnh việc đưa đồng nhân dân tệ (NDT) vào thanh toán với các đối tác thương mại lớn. Sau 15 năm, tỷ lệ sử dụng NDT trong các giao dịch ngoại hối phi tập trung toàn cầu đã tăng từ xấp xỉ 0 lên 7% hiện nay, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS).

Một loạt các quốc gia khác cũng đã ủng hộ xu hướng này. Thời gian qua, lần lượt Nga, Argentina, Brazil, Nam Phi hay Ấn Độ, thậm chí cả Trung Đông hay một số quốc gia Đông Nam Á – những “địa bàn” thân thuộc của Mỹ - cũng đang thúc đẩy nỗ lực hướng tới các thỏa thuận nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.

Ông Alicia García Herrero, thành viên cấp cao tại tổ chức tư vấn chính sách Bruegel (Bỉ), chia sẻ: “Rõ ràng chúng ta đang hướng tới một thế giới đa phương hơn, thể hiện qua tỷ trọng dự trữ ngoại hối của đồng USD giảm”. Sau 20 năm, tỉ lệ dự trữ ngoại hối bằng USD trên toàn cầu đã giảm từ 80% xuống còn 60% vào năm 2022.

Nhân dân Tệ của Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ, dù khoảng cách là rất xa

Nhân dân Tệ của Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ, thách thức USD trong dài hạn

Bangladesh và Ấn Độ mới đây đã ký một thỏa thuận để tiến hành giao dịch dựa trên đồng Rupee (Ấn Độ). Saudi Arabia cũng đang xem xét thực hiện giao dịch dầu mỏ bằng NDT với Bắc Kinh. Hay mới đây, Công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc và TotalEnergies của Pháp – một đồng minh phương Tây của Mỹ - đã hoàn tất giao dịch LNG thanh toán bằng đồng NDT đầu tiên vào tháng 3 năm nay.

Chuyên gia Shoumik Malhotra từ Trung tâm Nghiên cứu Biên giới, Đại học Toàn cầu OP Jindal (Ấn Độ) cho rằng, giao dịch bằng tiền nội tệ hiện đang là một thông lệ trong nền kinh tế thế giới.

Trong tháng 5, Indonesia và Malaysia đã áp dụng biện pháp thanh toán xuyên biên giới bằng nội tệ thông qua QR code, giúp giảm bớt chi phí và phụ thuộc vào USD. Ước tính, sáng kiến này có thể tiết kiệm 30% chi phí giao dịch so với trước đây. Sáng kiến đầy tham vọng của ASEAN nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD đã được Malaysia, Indonesia và Thái Lan triển khai. 

Một trong những điểm nhấn cho tham vọng soán ngôi USD của Trung Quốc là BRICS. Sau hơn 10 năm thành lập, tập hợp của 5 nền kinh tế gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đang bứt phá ra khỏi cụm từ “mới nổi” để chuẩn bị vượt qua G7.

Với dân số hơn 3 tỉ người, chiếm hơn 32% GDP toàn cầu, BRICS còn nắm giữ 18% thương mại toàn cầu. Với quy mô này, nếu BRICS loại bỏ hoàn toàn đồng USD để giao dịch và dự trữ NDT, thì đây chắc chắn sẽ là “cú đánh” nặng nề nhất vào vị thế của USD.

Ứng phó của Việt Nam

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, xu hướng phi đô la hóa gia tăng đồng nghĩa với nguy cơ giảm giá của USD. Điều này ngoài những mặt tích cực cũng tiềm ẩn nhiều thách thức cho nền kinh tế Việt Nam – vốn phụ thuộc rất lớn vào ngoại thương.

Chuyên gia kinh tế, TS.Nguyễn Trí Hiếu đưa ra một số giải pháp cho Việt Nam

Chuyên gia kinh tế, TS.Nguyễn Trí Hiếu 

Trước hết, một đồng USD yếu có thể khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn cho người tiêu dùng Việt Nam, dẫn đến lạm phát gia tăng và giảm sức mua của người tiêu dùng trong nước. Cùng với đó, việc USD chiếm tỉ trọng lớn trong các khoản nợ nước ngoài của Việt Nam, sự mất giá của đồng USD cũng sẽ đặt thêm nhiều gánh nặng cho nền tài chính quốc gia.

Để giải quyết vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất một số giải pháp như sau.

Trước hết, Việt Nam cần tìm cách đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, tập trung vào các quốc gia không phụ thuộc nhiều vào đồng USD. Điều này có thể giúp giảm thiểu tác động của bất kỳ sự thay đổi nào về giá trị của đồng USD đối với xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ hai, cần đa dạng hóa các loại ngoại tệ để thanh toán cho xuất khẩu và nhập khẩu trước xu hướng mới. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế khi giá trị USD gặp biến động, mà còn giúp Việt Nam linh hoạt hơn trong chính sách kinh tế và thương mại của mình. 

>>Cần thêm “lực đẩy” quan hệ Việt Nam - Áo

Ngoài ra, còn một số giải pháp như đẩy mạnh việc sử dụng VND nhằm giảm chi phí chuyển đổi ngoại tệ sang tiền đồng, cũng như giúp tiếp cận các khoản vay bằng tiền đồng dễ dàng hơn.

Dù vậy, TS. Hiếu cho rằng quá trình “phi đô la” vẫn là cả một chặng đường dài. “Kẻ thách thức” gần nhất là NDT mới chỉ chiếm 2,19% trong tổng các thanh toán toàn cầu, hay 2,69% dự trữ trong các ngân hàng trung ương. Dù vậy, với sự biến đổi nhanh chóng của địa chính trị toàn cầu, xu hướng đa dạng hóa ngoại tệ ngoài USD sẽ là một vấn đề quan trọng mà Việt Nam cần sớm có lộ trình đối phó", ông Hiếu nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Fed tạm ngưng tăng lãi suất, tác động tới thị trường là trung tính

    Fed tạm ngưng tăng lãi suất, tác động tới thị trường là trung tính

    11:43, 15/06/2023

  • Vàng giảm giá mạnh sau cuộc họp của Fed

    Vàng giảm giá mạnh sau cuộc họp của Fed

    11:30, 15/06/2023

  • Fed nên thận trọng trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ

    Fed nên thận trọng trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ

    04:40, 12/06/2023

  • FED tiếp tục tăng hay ngừng tăng lãi suất?

    FED tiếp tục tăng hay ngừng tăng lãi suất?

    04:30, 12/06/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xu hướng phi đô la hóa: "Số phận" USD sẽ ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO