Các nhà nghiên cứu tại Trung Quốc đã đề xuất thêm nhiều giải pháp nhằm quốc tế hoá đồng Nhân dân tệ, nhưng sẽ gặp khó khăn nếu bị “sa lầy” trong vị thế yếu trước đồng đô la Mỹ.
Không ngừng quốc tế hoá
Bắc Kinh sẽ tiếp tục thúc đẩy quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ và tận dụng hơn nữa vai trò của Hồng Kông như một trung tâm giao dịch nước ngoài, với mục tiêu điều chỉnh tỷ trọng của đồng tiền này trong thanh toán toàn cầu, hãng thông tấn nước ngoài đưa tin.
Ông Huang Qifan, cựu thị trưởng thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc cho biết tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Tài chính Quốc tế (IFF) mới đây, rằng ước tính thị phần của đồng Nhân dân tệ trong thanh toán toàn cầu sẽ tăng 1 điểm phần trăm mỗi năm lên khoảng 17% vào năm 2035, khi việc sử dụng đồng Nhân dân tệ trong thanh toán xuyên biên giới dần bắt kịp vị thế của quốc gia này với nền kinh tế thế giới.
“Việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ sẽ góp phần ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông lý giải, đồng thời gợi ý rằng Trung Quốc nên cải thiện các dịch vụ thanh toán để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng đồng Nhân dân tệ trong các lĩnh vực mới nổi như thương mại điện tử xuyên biên giới.
Dữ liệu từ Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (Swift) chỉ ra, tỷ trọng đồng Nhân dân tệ trong thanh toán toàn cầu đã tăng đều đặn trong những năm qua và đạt mức cao kỷ lục là 4,74% vào tháng 7/2024.
Mặc dù bị suy yếu xuống còn 2,93% vào tháng 10, nhưng Nhân dân tệ vẫn là loại tiền tệ có giá trị thanh toán lớn thứ năm trên toàn cầu sau đồng đô la Mỹ, Euro, bảng Anh và yên Nhật. Dữ liệu thanh toán Swift là một chỉ số quan trọng về tình trạng tương đối của các loại tiền tệ quốc tế, cùng với các số liệu khác bao gồm tần suất sử dụng trên thị trường ngoại hối, giao dịch hàng hóa và dự trữ ngoại hối của chính phủ.
Ông Huang Qifan cũng cho biết, việc thúc đẩy sử dụng đồng Nhân dân tệ trong khu vực RCEP sẽ là chìa khóa cho sự phát triển của đồng tiền ở nước ngoài. RCEP là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao gồm tất cả 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, cộng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và Hồng Kông đã nộp đơn xin gia nhập khối thươngmại này.
Đồng quan điểm trên, một vị chuyên gia phân tích, xét đến việc đồng Nhân dân tệ có thể không đạt được khả năng chuyển đổi hoàn toàn trong ngắn hạn, hoặc thậm chí là trung hạn, thì Hồng Kông nên đảm nhận trách nhiệm thúc đẩy việc sử dụng đồng tiền này trên toàn cầu, bằng cách thành lập một trung tâm quản lý tài sản ở nước ngoài, vì tại đây có quỹ thanh khoản Nhân dân tệ lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc đại lục.
“Thực tế ngày càng có nhiều quốc gia sử dụng đồng tiền này trong thanh toán thương mại. Trong bối cảnh thương mại quốc tế không chắc chắn và nguy cơ bị loại khỏi hệ thống nhắn tin tài chính SWIFT, Hồng Kông có thể giúp giảm thiểu rủi ro bằng cách phát triển mBridge - một giải pháp thay thế cho thanh toán xuyên biên giớira mắt từ năm 2021, hợp tác với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và các ngân hàng trung ương khu vực khác.
Đây sẽ là một phần trong nỗ lực chung nhằm thúc đẩy quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ mạnh mẽ hơn, cùng với Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc đã được ra mắt từ tháng 10/2015”, vị chuyên gia gợi ý.
Nguy cơ đồng tiền suy yếu
Còn theo nhóm nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Phát triển và Chiến lược Quốc gia, Trung Quốc nên tập trung vào việc cung cấp tài chính nợ bằng đồng Nhân dân tệ cho các nước đang phát triển, để đẩy nhanh quá trình phi đô la hóa trên toàn cầu, thay vì đặt hy vọng vào đồng Euro mạnh lên.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng thừa nhận tham vọng của Bắc Kinh đối với đồng Nhân dân tệ đang bị hạn chế bởi thực tế đồng đô la Mỹ mạnh. Đô la Mỹ cung cấp thanh khoản và một lượng lớn nợ đô la cho các quốc gia trên thế giới.
Thị trường cũng đưa ra nhiều dự báo về việc đồng Nhân dân tệ sẽ nhanh chóng suy yếu trước sức mạnh của đô la Mỹ trong nhiệm kỳ mới của ông Donald Trump. Đặc biệt hàng loạt tin tức về chính sách thuế quan mới của ông Donald Trump với hàng hóa Trung Quốc đã bắt đầu gây ảnh hưởng.
Điều này ít nhiều sẽ tác động đến thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng phân tích, khi Nhân dân tệ suy yếu dễ dẫn đến nhập khẩu từ Trung Quốc tăng lên, xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc bị hạn chế và ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam.
Nếu hàng Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam, cạnh tranh với hàng trong nước sẽ khiến hàng trong nước mất lợi thế trên sân nhà và đưa nhiều doanh nghiệp của Việt Nam vào thế khó. Trong trường hợp ảnh hưởng như vậy thì phải điều chỉnh tỷ giá giữa Việt Nam đối với đồng đô la Mỹ và tỷ giá giữa VND với đồng Nhân dân tệ để hạn chế hàng của Trung Quốc vào Việt Nam và giá không rẻ đi nhiều so với việc điều chỉnh tỷ giá.