Ấn Độ đã cho thấy khả năng linh hoạt ngoại giao khi tham gia vào các chương trình hoạt động của BRICS.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16, dự kiến diễn ra tại Kazan, Nga, từ ngày 22 đến 24 tháng 10/2024, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử của khối này khi lần đầu tiên có sự tham gia của 5 thành viên mới gồm Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Sự mở rộng này đã làm tăng thêm sức nặng cho BRICS trên trường quốc tế, đồng thời đặt ra cho Ấn Độ nhiều thách thức chiến lược trong việc duy trì sự cân bằng giữa quan hệ với các đối tác phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, và việc tham gia vào các diễn đàn toàn cầu có sự hiện diện mạnh mẽ của Trung Quốc và Nga.
Với vai trò là một trong những quốc gia sáng lập và là thành viên chủ chốt của BRICS, Ấn Độ hiện đang điều chỉnh chiến lược đối ngoại của mình để không chỉ phù hợp với những thay đổi trong cấu trúc của nhóm mà còn để tối ưu hóa lợi ích quốc gia trong bối cảnh quốc tế ngày càng phức tạp. Việc tham gia vào BRICS giúp Ấn Độ duy trì và mở rộng tầm ảnh hưởng trên toàn cầu, song cũng đòi hỏi quốc gia này phải đối diện với những mối đe dọa từ sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong các cơ cấu đa phương.
Khi BRICS bước vào giai đoạn mở rộng, quan điểm của Ấn Độ về việc kết nạp các thành viên mới trở thành một yếu tố rất quan trọng. Trong khi Ấn Độ không phản đối sự mở rộng của BRICS, nước này lại tỏ ra thận trọng trong việc lựa chọn các thành viên mới. Ấn Độ ủng hộ sự gia nhập của những quốc gia có tiềm năng mang lại giá trị về mặt kinh tế và chiến lược cho BRICS, chẳng hạn như UAE và Saudi Arabia. Tuy nhiên, nước này lo ngại việc mở rộng quá nhanh sẽ khiến cho BRICS trở thành một diễn đàn bị thao túng bởi lợi ích riêng của Trung Quốc, đặc biệt là khi quốc gia này đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng trong các tổ chức toàn cầu.
Theo Giám đốc Trung tâm Stockholm về các vấn đề Nam Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Viện Chính sách An ninh và Phát triển, Jagannath Panda: “Ấn Độ không phản đối sự mở rộng của BRICS, nhưng sự mở rộng đó phải phù hợp với các tiêu chí kinh tế và chiến lược của khối”. Ông cũng nhấn mạnh rằng "Ấn Độ không muốn BRICS trở thành một công cụ để Trung Quốc và Nga thúc đẩy các lợi ích riêng biệt của họ, mà phải là một nền tảng để thúc đẩy hợp tác đa phương thật sự".
Trong số các quốc gia mới gia nhập BRICS, Ấn Độ đặc biệt chào đón các thành viên từ Trung Đông như Saudi Arabia và UAE, những nước có tiềm năng đóng góp vào phát triển kinh tế của BRICS. Ngược lại, những quốc gia có lập trường hoặc mối quan hệ phức tạp với Ấn Độ, như Pakistan, rõ ràng không nằm trong danh sách ưu tiên của New Delhi.
BRICS từ lâu đã không chỉ là một diễn đàn hợp tác kinh tế giữa các nền kinh tế mới nổi mà còn là nơi để các quốc gia như Ấn Độ thể hiện vai trò lãnh đạo trong các vấn đề toàn cầu. Tham gia vào BRICS không chỉ giúp Ấn Độ tăng cường quan hệ với Nga và Trung Quốc mà còn mở rộng tầm ảnh hưởng đến các khu vực như Trung Đông và châu Phi, những nơi có vị trí chiến lược quan trọng đối với nền kinh tế và an ninh toàn cầu.
Thông qua BRICS, Ấn Độ có cơ hội thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế và chính trị với các quốc gia thành viên mới, đồng thời duy trì một vai trò quan trọng trong việc định hình các sáng kiến và chính sách của khối. Mặc dù BRICS có thể mang lại một số thách thức về mặt ngoại giao, nhưng đối với Ấn Độ, khối này vẫn giúp cân bằng giữa các liên minh phương Tây và không phải phương Tây.
"Ấn Độ cần sử dụng BRICS như một diễn đàn để điều chỉnh các mối quan hệ chiến lược của mình, đặc biệt là với Trung Quốc và Nga. Bởi vì, BRICS là nơi Ấn Độ có thể thúc đẩy tầm nhìn về một trật tự toàn cầu đa cực, đồng thời bảo vệ lợi ích quốc gia trước các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. BRICS cho phép Ấn Độ mở rộng tầm ảnh hưởng mà không cần phải phụ thuộc hoàn toàn vào các cường quốc phương Tây, điều này giúp nước này duy trì tính độc lập trong chính sách đối ngoại”, ông Jagannath Panda nhấn mạnh.
Hội nghị thượng đỉnh tại Kazan lần này không chỉ là cơ hội để các thành viên BRICS thảo luận về những vấn đề quốc tế nóng bỏng mà còn là dịp để BRICS thể hiện sự đoàn kết và khả năng dẫn dắt toàn cầu trong bối cảnh địa chính trị phức tạp. Nga, với vai trò chủ tịch BRICS năm nay, đã chọn Kazan - một thành phố biểu tượng cho sự giao thoa giữa Đông và Tây - làm nơi tổ chức hội nghị, thể hiện tham vọng củng cố vị thế quốc tế của Moscow, đồng thời là cơ hội để tăng cường quan hệ giữa các thành viên.
Một trong những vấn đề trọng tâm dự kiến được thảo luận sâu tại hội nghị là cuộc khủng hoảng Trung Đông, đặc biệt là cuộc xung đột Israel - Palestine. Điều này đặc biệt đáng lưu ý trong bối cảnh Ấn Độ giữ lập trường trung lập trong cuộc xung đột này, trái ngược với sự chỉ trích mạnh mẽ của nhiều thành viên BRICS khác đối với Israel. Trong cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng bảo an Liên hợp quốc về tình hình Israel, Ấn Độ đã chọn bỏ phiếu trắng, cho thấy sự khác biệt trong quan điểm của New Delhi so với các đối tác trong BRICS.
Ngoài ra, BRICS đang thúc đẩy các sáng kiến nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong giao dịch quốc tế, đặc biệt là ý tưởng phi đô la hóa và sử dụng các đồng nội tệ của các nước thành viên BRICS. Mặc dù Trung Quốc và Nga thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc này, nhưng Ấn Độ vẫn tỏ ra thận trọng.
Ông Jagannath Panda nhấn mạnh: "Ấn Độ sẽ không vội vã ủng hộ những sáng kiến như phi đô la hóa hoặc sử dụng các đồng nội tệ trong giao dịch quốc tế nếu không đảm bảo được lợi ích kinh tế rõ ràng”. Điều này cho thấy New Delhi sẽ chỉ ủng hộ những chính sách mang lại lợi ích thực tế và không làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ kinh tế của mình với phương Tây.
Dù đóng vai trò quan trọng trong BRICS, Ấn Độ vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ, đối tác chiến lược hàng đầu của New Delhi trong nhiều lĩnh vực. Việc Ấn Độ tham gia vào BRICS không làm suy yếu quan hệ với Mỹ, mà ngược lại, cho thấy khả năng linh hoạt và khéo léo của New Delhi trong việc duy trì quan hệ tốt với cả phương Tây và các tổ chức không thuộc phương Tây. Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang, BRICS tạo điều kiện để Ấn Độ đảm nhận vai trò trung gian, cân bằng giữa các cường quốc lớn, đồng thời duy trì tính tự chủ trong chính sách đối ngoại.
Tóm lại, Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 tại Kazan là một cơ hội quan trọng để Ấn Độ khẳng định vai trò lãnh đạo toàn cầu, đồng thời củng cố và mở rộng ảnh hưởng của mình trong các khu vực chiến lược. Tuy nhiên, việc duy trì sự cân bằng giữa quan hệ với các đối tác phương Tây và tham gia vào các diễn đàn đa phương như BRICS sẽ tiếp tục là thách thức lớn đối với New Delhi.