Hé lộ "nhân tố bí ẩn" đang viện trợ cho Ukraine
Bên cạnh hoạt động viện trợ của Mỹ và phương Tây, còn có nhiều tổ chức khác đã và đang đóng một vai trò quan trọng không ngờ trong xây dựng khả năng chiến đấu cho Ukraine.
Sau Hội nghị thượng đỉnh NATO mới đây, tâm điểm chú ý tiếp tục dồn vào các cam kết hỗ trợ an ninh của phương Tây dành cho Kiev. Theo đó, Mỹ và các đồng minh đã công bố kế hoạch đào tạo phi công Ukraine lái máy bay F-16, hay Pháp thông báo đang gửi tên lửa hành trình tầm xa SCALP cho Ukraine.
>>Quan hệ NATO - Ukraine sẽ thế nào sau thượng đỉnh Vilnius?
Thế nhưng với Ukraine, những tiến triển này vẫn bị coi là chậm chạp so với cường độ chiến đấu trên chiến trường. Sự quan liêu trong quá trình chuyển giao trang thiết bị khiến Kiev đang phải đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng, không chỉ trong vũ khí và đạn dược mà còn nhiều lĩnh vực thiết yếu khác như bảo trì vũ khí, hậu cần, y tế...
Vai trò ít biết của các tổ chức phi chính phủ
Thế nhưng theo các báo cáo gần đây, sự can thiệp lặng lẽ của các tổ chức phi chính phủ (NGO) đang cung cấp cho Ukraine thêm hi vọng.
Nhóm cố vấn huấn luyện Sabre, một tổ chức phi chính phủ tại Ukraine, đã huấn luyện chiến thuật cho Lữ đoàn Jaeger 68 của Ukraine, góp phần giúp đơn vị này giải phóng Blahodatne và Zaporizhzhia vào đầu tháng 6 vừa qua. Tương tự, Anomaly - cũng là một NGO - đã cung cấp cho Lữ đoàn cơ giới số 23 của Ukraine các vật tư y tế và đào tạo vào tháng 6 vừa qua.
Vào tháng 3, Ukrainian World Congress, một NGO đặt tại Canada, đã huy động được 40 triệu USD để mua 25 xe bọc thép cho lực lượng Ukraine. Các phương tiện này đã được sử dụng để trang bị cho Lữ đoàn 127 bảo vệ Kharkov và chiến đấu ở Bakhmut hồi tháng 5/2023.
Atlas Global Aid là một cái tên đáng nói khác, khi cung cấp cho quân đội Ukraine hơn 10.000 mặt hàng thiết bị chống rét, 350 bộ áo giáp, 200 bộ dụng cụ y tế, 23 tia laser hồng ngoại, 20 máy bay không người lái, cùng các thiết bị và huấn luyện khác.
Blue/Yellow Ukraine, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Litva và Hoa Kỳ, lại đóng vai trò khác khi sửa chữa miễn phí các hỏng hóc của súng trường M-4 do Mỹ sản xuất ngay tại tiền tuyến, thay vì phải chuyển về hậu phương để sửa chữa.
Lợi ích không ngờ
Theo chuyên gia Jahara Matisek, sự tham gia của các tổ chức phi phi chính phủ đem lại những thuận lợi rõ ràng cho quá trình trang bị năng lực cho Ukraine, như khả năng đáp ứng cao hơn, gia tăng tính sát thương của quân đội Ukraine nhưng không bị Nga coi là leo thang.
Dựa vào các mạng lưới riêng, tình nguyện viên và tổ chức phi chính phủ có thể vận chuyển thiết bị và viện trợ bỏ qua các quy trình rườm rà, linh hoạt điều chỉnh theo nhu cầu, thời gian và địa điểm cụ thể.
Kể từ khi chiến sự Nga- Ukraine nổ ra, Hoa Kỳ đã cung cấp hơn 41 tỷ USD viện trợ quân sự, nhưng phần lớn ở dạng thiết bị sát thương như xe tăng, tên lửa và đạn dược. Các chuyên gia chỉ ra tương đối ít viện trợ cho các nhu cầu cấp bách hàng ngày của binh lính Ukraine.
Khoảng trống đó có thể được lấp đầy bởi các tình nguyện viên, các nhóm từ thiện, tổ chức phi chính phủ và các tập đoàn quốc tế. Họ có thể cung cấp lương thực, hướng dẫn quân y, rà phá bom mìn và vô hiệu hóa đạn dược của Nga, hay cung cấp máy bay không người lái thương mại được cải tiến hoặc cung cấp mũ bảo hiểm, áo giáp và thiết bị an toàn cơ bản, theo các chuyên gia.
Đặc biệt, sự tham gia của các NGO hoàn toàn phù hợp khi chiến sự Nga- Ukraine tiếp tục kéo dài. Khi các viện trợ chính thức của phương Tây nhìn chung thiếu khả năng thích ứng nhanh chóng với các nhu cầu đang thay đổi, thì các tình nguyện viên, NGO và các tổ chức tư nhân có thể liên tục cập nhật các chương trình hướng dẫn cho lực lượng Ukraine.
Như tờ Foreign Affairs chỉ ra, dưới sự hỗ trợ chiến thuật và công nghệ của Quỹ Quốc phòng Ukraine, một NGO do một cựu doanh nhân công nghệ ở Thung lũng Silicon điều hành, pháo binh Ukraine giờ chỉ tốn 5 phát đạn để trúng mục tiêu, thay vì 60 phát như trước đây.
>>Hai "ngã rẽ" cho Kiev hậu chiến sự Nga - Ukraine
Tuy nhiên, bất chấp những giá trị đó, các nhóm tình nguyện viên và tổ chức tư nhân đang hoạt động tại Ukraine vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của các chính quyền phương Tây. Như với Bộ Ngoại giao Mỹ, các quan chức rất cảnh giác với các tổ chức tư nhân tham gia vào viện trợ cho Ukraine, bởi có nguy cơ chính phủ mất kiểm soát đối với diễn biến trên chiến trường, từ đó có thể leo thang chiến tranh với Nga.
Bên cạnh đó, nếu hỗ trợ tài chính từ các tổ chức tư nhân, NGO tiếp tục, chính phủ Mỹ cũng sẽ khó lòng kiểm soát được dòng tài chính trong bối cảnh các quan ngại về tham nhũng viện trợ của Mỹ tại Ukraine đang được các nhà lập pháp chú ý.
Có thể bạn quan tâm
Tham nhũng trong viện trợ ở Ukraine - nỗi lo mới của Mỹ
04:00, 21/07/2023
"Kế hoạch B" của Ukraine sau khi Nga phá vỡ thỏa thuận ngũ cốc
04:00, 19/07/2023
JEF - "lối thoát" cho an ninh Ukraine hậu chiến sự
04:00, 17/07/2023
Nga tung "quân cờ lương thực" gây khó Ukraine và phương Tây
04:00, 16/07/2023