Việc gây sức ép về vận chuyển lương thực qua Biển Đen đã không còn là chiến thuật mới của Nga trong chiến sự ở Ukraine, nhưng Ukraine và phương Tây dường như vẫn chưa hoá giải được.
Khi thời hạn kết thúc thỏa thuận ngũ cốc đang đến gần, các nhà đàm phán của cả hai bên đang chạy đua với thời gian để gia hạn thoả thuận này với các điều kiện chính trị hóc búa kèm theo. Trong đó, Nga dường như đang là bên nắm lợi thế.
>>Cán cân quyền lực trên biển Baltic ra sao khi NATO kết nạp Thụy Điển?
Trong nhiều tháng qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin liên tục gây sức ép để có những nhượng bộ từ Ukraine và tận dụng đòn bẩy này. Vướng mắc chính trong các cuộc đàm phán là nới lỏng các hoạt động xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga. Moscow đang muốn có thêm những nới lỏng trong lĩnh vực ngân hàng, với lập luận rằng hoạt động xuất khẩu của họ vẫn bị cản trở bởi các lệnh trừng phạt nhắm vào các công ty bảo hiểm và thanh toán.
Tuần trước, ông Putin nói trên truyền hình rằng “đã không có một” yêu cầu nào của Moscow được đáp ứng, đồng thời cảnh báo Nga có thể đình chỉ việc tiếp tục thỏa thuận này nếu không có bước tiến từ phương Tây.
Ukraine và các đồng minh đã cáo buộc Nga cố tình làm ách tắc thỏa thuận nhằm cản trở dòng xuất khẩu nông sản của Ukraine cũng như làm tăng giá ngũ cốc. ông Barbara Woodward, Đặc phái viên của Vương quốc Anh tại Liên Hợp Quốc, cho biết Nga đang tham gia vào một trò chơi cân não nhằm gia tăng vị thế.
“Ở Istanbul, Nga làm chậm quá trình kiểm tra các tàu chở ngũ cốc, giảm lượng ngũ cốc xuất khẩu. Sau đó, bằng cách báo hiệu rằng đang xem xét từ chối gia hạn thỏa thuận, Nga cũng đang tác động đến giá ngũ cốc toàn cầu,” bà nói.
Chiến thuật này có vẻ đang phát huy tác dụng, khi lương thực đang là vấn đề cấp bách tại nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như tác động của nó đến lạm phát toàn cầu.
Các nhà ngoại giao phương Tây đang xem xét nhượng bộ để đảm bảo gia hạn thỏa thuận. Mới đây, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã viết cho Putin một bức thư đề nghị kết nối một công ty con của ngân hàng nông nghiệp Nga với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, để đổi lấy việc tiếp tục Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Uỷ ban châu Âu (EC) cũng nói rằng họ sẵn sàng xem xét moi giải pháp.
“Mục tiêu là loại bỏ các rào cản ảnh hưởng đến các giao dịch tài chính thông qua Ngân hàng Nông nghiệp Nga, một mối quan ngại lớn mà Liên bang Nga bày tỏ, đồng thời cho phép dòng ngũ cốc Ukraine tiếp tục chảy qua Biển Đen,” người phát ngôn của LHQ Stéphane Dujarric cho trong cuộc họp báo 13/7.
Mặc dù Nga vẫn chưa trả lời, nhưng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, người đang đóng vai trò trung gian, đã bày tỏ sự lạc quan về việc gia hạn thỏa thuận ngũ cốc. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ông và Tổng thống Putin đều "đồng quan điểm" trong vấn đề này.
Nhưng giới chuyên gia phương Tây cho rằng, ngay cả khi tiếp tục tham gia vào Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, Moscow sẽ đặt thêm các rào cản mới cho Kiev, như rút ngắn thời gian gia hạn và tạo thêm các thách thức trong vận chuyển.
Được biết đến như vựa lúa mì của châu Âu, Ukraine từng cung cấp 10% lượng lúa mì xuất khẩu của thế giới, 20% lượng ngô xuất khẩu và 40% nguồn cung dầu hướng dương toàn cầu.
Kể từ sau khi xảy ra chiến sự Nga- Ukraine, sản lượng thu hoạch ngũ cốc của Kiev đã sụt giảm và làm gián đoạn nguồn cung lương thực toàn cầu. Điều đáng nói, hoạt động xuất khẩu của Kiev phải đi qua Biển Đen nơi có hạm đội hải quân Nga thường trực, khiến 30 triệu tấn lương thực không thể xuất kho, làm tăng giá lương thực trên thế giới trong năm qua.
Để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực, Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ phải đứng ra làm trung gian cho một sáng kiến vào tháng 7/2022 để mở khóa kho lương thực của Ukraine. Gần 1/4 trong số đó đã được chuyển đến Trung Quốc, và gần một nửa đã đến được các thị trường đang phát triển vốn đang chịu áp lực rất lớn.
>>Nga "chật vật" thay thế ảnh hưởng của Wagner tại Trung Đông
Thời điểm gia hạn thoả thuận ngũ cốc cũng là một vấn đề. Bởi phần lớn vụ lúa mì của Ukraine được thu hoạch vào tháng 7 và tháng 8, khiến cho việc gia hạn này thậm chí còn quan trọng hơn lần trước đó.
Ông Joseph Glauber, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế cho biết: “Đây tiếp tục là một vấn đề không chỉ đối với các nhà sản xuất Ukraine mà còn trên toàn cầu. Ukraine là một nhà cung cấp rất quan trọng và nếu họ phải tiếp tục giảm sản lượng trong một năm nữa, điều đó có nghĩa là thế giới sẽ phải tìm lúa mì và ngô từ những nước khác để thay thế.”
Có thể bạn quan tâm
Quan hệ NATO - Ukraine sẽ thế nào sau thượng đỉnh Vilnius?
04:00, 13/07/2023
Hai "ngã rẽ" cho Kiev hậu chiến sự Nga - Ukraine
03:30, 10/07/2023
Cán cân quyền lực trên biển Baltic ra sao khi NATO kết nạp Thụy Điển?
04:00, 15/07/2023
Hậu binh biến của Wagner, Nga mất dần ảnh hưởng tại Thổ Nhĩ Kỳ?
04:30, 11/07/2023