NATO bật “tín hiệu” vươn tới châu Á khiến Trung Quốc lo lắng
Sự xuất hiện của những quốc gia đến từ châu Á- Thái Bình Dương tại hội nghị thượng đỉnh NATO vừa qua có thể gửi đi một thông điệp khiến Trung Quốc "đứng ngồi không yên".
Do chiến sự Nga- Ukraine đang nóng bỏng, ít người để ý rằng hội nghị của NATO tại Litva có sự góp mặt của những quốc gia “lạ mà quen” - Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Đây là năm thứ hai có sự hiện diện của các đại diện ngoài liên minh NATO cho thấy NATO đang ấp ủ một liên kết an ninh vươn tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo các chuyên gia, mục tiêu của NATO nhằm chống lại mối đe dọa từ sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự của Trung Quốc.
Nỗi lo về cường quốc châu Á trong lòng NATO
Cho tới nay, châu Âu được cho là vẫn chia rẽ trong cách đối phó với Trung Quốc. Những động thái này phần nhiều đến từ những lợi ích kinh tế không thể thay thế mà Bắc Kinh mang lại. Đã có nhiều chuyên gia lên tiếng về sự phụ thuộc quá lớn của kinh tế châu Âu vào Trung Quốc, bao gồm cả các khoáng sản quan trọng cho ngành công nghệ.
>>Biến đổi khí hậu hé mở "lỗ hổng" an ninh lương thực Trung Quốc
Còn trong lĩnh vực an ninh, nguy cơ đến từ Bắc Kinh đang ngày càng gia tăng trong lòng châu Âu, không chỉ là việc ủng hộ Nga trong xung đột với Ukraine, đó còn là tham vọng mở rộng sức mạnh quân sự ngày càng được hiện thực hóa của Bắc Kinh.
Vào tuần trước, 31 quốc gia thành viên NATO đã ký một thông cáo cáo buộc Trung Quốc triển khai tất cả các công cụ có sẵn để mở rộng “dấu ấn toàn cầu và triển khai sức mạnh, trong khi vẫn không rõ ràng về chiến lược, ý định và việc xây dựng quân đội”.
Lý do chính được đưa ra là sự hỗ trợ của Trung Quốc cho Nga, nhưng đằng sau đó là nhiều nỗi lo lớn hơn. Trước hết là kho vũ khí đang ngày càng gia tăng của Bắc Kinh. Cảnh báo của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenber rằng, đến năm 2035 Trung Quốc dự kiến sẽ có “1.500 đầu đạn hạt nhân trên tên lửa có thể vươn tới Bắc Mỹ và toàn bộ châu Âu” là một minh chứng.
Thông tin thiếu công khai xung quanh kho dự trữ hạt nhân của Trung Quốc cũng là một vấn đề, theo các nhà phân tích. Nó khiến không chỉ NATO mà các quốc gia láng giềng ở châu Á – Thái Bình Dương lo lắng, lý giải vì sao NATO đã mời một số nước ngoài liên minh tham dự hội nghị thượng đỉnh Vilnius.
Bên cạnh đó, lo ngại khác đến từ khả năng Bắc Kinh vũ khí hóa “quân bài” kinh tế hoặc thắt chặt các tuyến hàng hải quan trọng khi cần, như Nga đã làm tại Biển Đen. Cụ thể, đó là sức mạnh của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng nguyên liệu thô quan trọng và tự do hàng hải ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi chiếm 60% thương mại hàng hải toàn cầu.
Các khoản đầu tư quy mô lớn của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng quan trọng của châu Âu cũng được cho là có rủi ro về an ninh. Các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các cảng châu Âu đặc biệt gây tranh cãi vì các cảng được coi là tài sản chiến lược. Chưa kể một số trong đó còn là trung tâm hậu cần cho các vũ khí, trang bị của NATO.
Bài học về việc vũ khí hóa kinh tế của Bắc Kinh không còn là điều mới. Trung Quốc đã áp đặt một lệnh cấm vận thương mại đối với Litva để trừng phạt nước này khi đứng về phía Đài Loan. Năm 2020, Bắc Kinh cũng cấm nhập khẩu than, áp thuế nặng đối với rượu vang và các sản phẩm khác của Australia khi Thủ tướng nước này kêu gọi điều tra nguồn gốc COVID-19.
Căng thẳng "tiềm ẩn" tại châu Á
Trung Quốc đã sớm nhận ra “tín hiệu” vươn tới châu Á của NATO. Bắc Kinh lên tiếng cáo buộc liên minh quân sự “kiếm cớ” để mở rộng sang châu Á và cảnh báo về một “phản ứng cứng rắn”.
Để chứng minh cho lời nói của mình, quân đội nước này tiến hành các cuộc tập trận quân sự lớn xung quanh Đài Loan vào thời điểm thượng đỉnh NATO diễn ra, với hơn 30 máy bay chiến đấu tiến vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan và bốn tàu chiến tuần tra vùng biển xung quanh.
Uông Văn Bân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cáo buộc NATO sở hữu “tâm lý Chiến tranh Lạnh” với “tư duy một mất một còn” và nói rằng không cần một “phiên bản NATO châu Á-Thái Bình Dương”.
Nhưng giới quan sát cho rằng Trung Quốc đang lo ngại thái quá. “Phạm vi của NATO được đánh dấu rõ ràng trong hiệp ước Washington, phía bắc chí tuyến. NATO không thể có thành viên mới trừ khi các quốc gia thành viên thay đổi toàn bộ hiệp ước, và điều đó rất khó xảy ra,” ông Janne Leino, Chuyên gia chính sách đối ngoại và an ninh tại tổ chức Konrad-Adenauer-Stiftung nhận định.
>>Thảm họa thiên nhiên sẽ giúp "hàn gắn" quan hệ Mỹ - Trung?
Thay vào đó, mục tiêu cốt lõi đằng sau sự hợp tác này là điều chỉnh năng lực quân sự của các quốc gia chung chí hướng ở châu Âu và châu Á nhằm đối phó với thách thức của Trung Quốc, theo các chuyên gia.
Cho tới nay, NATO đang tăng cường quan hệ với các đồng minh châu Á trên cơ sở thỏa thuận hợp tác. NATO và Hàn Quốc đã nâng cấp quan hệ đối tác và phối hợp chặt chẽ hơn trong các vấn đề quân sự và không gian mạng. Seoul mới đây cũng đã gửi đạn dược cho Ukraine và bán xe tăng cho Ba Lan.
Có thể bạn quan tâm
Biến đổi khí hậu hé mở "lỗ hổng" an ninh lương thực Trung Quốc
04:30, 20/07/2023
Vì sao Mỹ muốn “rã băng” quan hệ với Trung Quốc?
04:30, 24/07/2023
Nga và Trung Quốc "bắt tay" trong cuộc đua công nghệ lượng tử
03:30, 24/07/2023
"Hé lộ" một thành phố Trung Quốc giải cứu thành công bất động sản
04:00, 07/07/2023