Điều gì khiến đồng minh Ba Lan "quay lưng" với Ukraine?

TRƯỜNG ĐẶNG 27/07/2023 04:00

Việc Ba Lan quay lưng lại với Ukraine trong vấn đề xuất khẩu ngũ cốc đặt ra nhiều dấu hỏi về tính đoàn kết của khối liên minh.

Các đòn tấn công của Nga vào vấn đề lương thực Ukraine đang khiến nội bộ châu Âu

Các đòn tấn công của Nga vào vấn đề lương thực Ukraine đang khiến nội bộ châu Âu "chao đảo"

Ngay khi Nga “đóng cửa” tuyến đường biển vận chuyển hàng triệu tấn nông sản của Ukraine trên biển Đen, các nhà ngoại giao Kiev đã kỳ vọng vào một cánh cửa khác với sự giúp đỡ của các nước láng giềng. Nhưng Ukraine đã vấp phải phản ứng không ngờ của Ba Lan – một đồng minh thân thuộc của mình.

>>Thỏa thuận ngũ cốc đổ vỡ, giá lương thực sẽ tăng trong dài hạn?

Mới đây, chính phủ Ba Lan đe dọa đóng cửa biên giới của mình với Ukraine một lần nữa, trừ khi Ủy ban Châu Âu (EC) gia hạn các thỏa thuận tạm thời và bảo đảm ngũ cốc của Ukraine không tàn phá nền nông nghiệp Ba Lan.

Động thái mới diễn ra vào thời điểm nhạy cảm khiến Ukraine không thể giữ được bình tĩnh. Tổng thống Volodymyr Zelenskyy nói rằng bất kỳ thỏa thuận hạn chế xuất khẩu ngũ cốc nào là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”, mặc dù không nêu đích danh Ba Lan.

Đây không phải là lần đầu tiên Ba Lan làm điều này. Trước đó, nhóm 5 nước bị ảnh hưởng nhiều nhất vào tháng 3 năm nay đã đơn phương chặn hàng ngũ cốc của Ukraine khi nhận thấy các tác động tiêu cực tới thị trường nông sản trong nước. 

Để “cứu” Ukraine, EU đã nhượng bộ bằng cách ký một thỏa thuận có giá trị đến 15/9/2023, trong đó các nước này dỡ bỏ hạn chế để đổi lại họ sẽ nhận được các viện trợ hàng trăm tỷ USD cùng với cam kết sẽ đưa hàng hóa từ Kiev đến đúng lộ trình.

Động thái đơn phương nói trên của Ba Lan là một cú sốc cho Kiev. Các chuyên gia đã chỉ ra một số lý do khiến đồng minh quan trọng của Kiev lại “quay lưng” đúng lúc Ukraine cần Ba Lan hơn bao giờ hết.

Nông dân - thành phân cử tri quan trọng của Ba Lan - mới đây đã biểu tình nhằm phản đối ngũ cốc Ukraine tràn vào Ba Lan

Nông dân - thành phân cử tri quan trọng của Ba Lan - hồi tháng 4 đã biểu tình nhằm phản đối ngũ cốc Ukraine

Thứ nhất, chính phủ Ba Lan buộc phải hành động để bảo đảm uy tín chính trị. Các thỏa thuận hiện tại sẽ hết hạn vào ngày 15/9/2023, tức một tháng trước khi người Ba Lan đi bầu cử chính phủ mới.

Với nông dân là thành phần cử tri quan trọng, chính phủ cánh hữu đương nhiệm không thể ngồi yên khi chứng kiến ngũ cốc của Ukraine tràn vào lãnh thổ của mình và gây hại cho nền nông nghiệp.

Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Robert Telus nói sau cuộc họp về nông nghiệp EU tại Brussels tuần trước: “Lợi ích của nông dân là điều tối quan trọng đối với chúng tôi. Quyết định của chúng tôi không chống lại bất kỳ ai, mà trước hết là dành cho nông dân Ba Lan”.

Trước đây, khoảng 60% lượng ngũ cốc bị tồn kho ở Ukraine đã di chuyển qua tuyến đường dọc sông Danube sang phía Tây châu Âu để đến các thị trường bên ngoài. Con số này chắc chắn sẽ gia tăng khi Nga khóa chặt biển Đen.

Các quốc gia phía Đông bị ảnh hưởng gồm Ba Lan, Romania, Bulgaria, Hungary và Slovakia – trong năm qua đã chứng kiến thị trường nội địa tràn ngập ngũ cốc giá rẻ của Ukraine, khi các thương nhân tìm cách bán lại, thay vì đưa chúng đi xa hơn với chi phí cao hơn.

Ông Telus đã chỉ ra vấn đề này, cho rằng nông dân Ba Lan đang phải hứng chịu hậu quả khi nhu cầu ngũ cốc sản xuất trong nước đã giảm dần.

Thứ hai, sức ép này phần nhiều sẽ giúp Ba Lan nhận được thêm khoản viện trợ đáng kể từ EU.

Thời điểm mà Ba Lan tuyên bố đúng vào lúc Nga đang tấn công mạnh mẽ vào năng lực xuất khẩu của Ukraine trên biển Đen. Có thể nói tuyến đường bộ xuyên châu Âu giờ là "phao cứu sinh" duy nhất của chính quyền Zelensky.

Việc vận chuyển ngũ cốc Ukraine qua đất liền sẽ tốn kém nhiều chi phí mà không quốc gia nào muốn nhận

Việc vận chuyển ngũ cốc Ukraine qua đất liền sẽ tốn kém nhiều chi phí mà không quốc gia nào muốn nhận

Trong bối cảnh này, EU nhiều khả năng sẽ phải tiếp tục nhượng bộ bằng các thỏa thuận hấp dẫn hơn, theo các chuyên gia.

Cho tới nay, Brussels vẫn chưa đưa ra lập trường chính thức về đe dọa của Ba Lan. Theo các nhà phân tích, sở dĩ như vậy là để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán kín giữa 5 quốc gia và Ukraine.

Trước đó, ngũ cốc của Ukraine qua Ba Lan thường đến cảng Klaipėda ở biển Baltic và bốn cảng khác ở Estonia và Latvia. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển trên đường bộ tương đối tốn kém, cộng với đảm bảo hậu cần hoặc lưu trữ khác, có thể lên tới hàng trăm triệu euro. Đây là vấn đề mà Ba Lan không muốn phải hứng chịu.

Ông Telus nói rằng Ba Lan sẽ hoan nghênh nếu các nước EU khác muốn trợ cấp cho việc vận chuyển ngũ cốc qua nước này. “EC luôn có nguồn tài trợ cho rất nhiều thứ khác nhau, vì vậy họ cũng có thể tìm ra tiền để trợ cấp cho giao thông vận tải”, ông nói.

>>Đồng minh cũng "quay lưng" với Ukraine về vấn đề lương thực

Theo ước tính của Michał Kołodziejczak, Giám đốc tập đoàn nông nghiệp AgroUnia, sự tràn ngập của lương thực Ukraine giá rẻ đã gây ra thiệt hại khoảng 2,3 tỷ USD cho ngành nông nghiệp Ba Lan. Điều này đã khiến nổ ra các cuộc biểu tình lớn vào tháng 4 vừa qua khiến chính phủ nước này phải nhanh chóng hành động.

Tuy nhiên, một loạt các trụ cột châu Âu như Đức, Pháp hay Tây Ban Nha đã chỉ trích động cơ của Ba Lan và các nước đang cố gắng gây sức ép. Họ cho rằng các hạn chế thương mại đơn phương này sẽ làm suy yếu tính toàn vẹn của thị trường nội khối và những nỗ lực hỗ trợ Ukraine. Đồng thời, điều này cũng hé lộ những rạn nứt âm ỉ của châu Âu khi phải đối mặt với một chiến sự Nga- Ukraine dài hơi và tốn kém.

Có thể bạn quan tâm

  • Đồng minh cũng

    Đồng minh cũng "quay lưng" với Ukraine về vấn đề lương thực

    04:00, 23/07/2023

  • Hé lộ

    Hé lộ "nhân tố bí ẩn" đang viện trợ cho Ukraine

    04:00, 22/07/2023

  • Tham nhũng trong viện trợ ở Ukraine - nỗi lo mới của Mỹ

    Tham nhũng trong viện trợ ở Ukraine - nỗi lo mới của Mỹ

    04:00, 21/07/2023

  • "Kế hoạch B" của Ukraine sau khi Nga phá vỡ thỏa thuận ngũ cốc

    04:00, 19/07/2023

TRƯỜNG ĐẶNG