Tình đoàn kết trong liên minh ủng hộ Ukraine đang bị đặt dấu hỏi với các động thái đe dọa chặn đường xuất khẩu hàng hóa Ukraine của Ba Lan và Hungary.
Các “thảm họa” đang ập tới cùng một lúc với Ukraine. Vừa chứng kiến Nga chấm dứt Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen, Kiev tiếp tục phải đối mặt với làn sóng phản đối từ các đồng minh liên quan tới việc vận chuyển ngũ cốc qua lãnh thổ của họ.
Tuần qua, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố nước này sẽ đơn phương chặn hàng nhập khẩu từ Ukraine nếu Uỷ ban châu Âu (EC) không gia hạn thỏa thuận với nhóm 5 nước liên quan tới hàng nông sản của Kiev ít nhất cho đến cuối năm nay.
>>Tham nhũng trong viện trợ ở Ukraine - nỗi lo mới của Mỹ
Ông Morawiecki nói: “Chúng tôi sẽ không mở cửa biên giới. Hoặc là EC sẽ đồng ý cùng nhau đưa ra các quy định mở rộng lệnh cấm này, hoặc chúng tôi sẽ tự mình thực hiện.”
Bộ trưởng Nông nghiệp Hungary István Nagy đồng tình với ông Morawiecki, nói rằng chính phủ Budapest sẽ “bảo vệ nông dân Hungary bằng mọi cách”.
Kể từ khi chiến sự Nga- Ukraine nổ ra, Mỹ và phương Tây đã vận động các nước lập các hành lang xuất khẩu ngũ cốc bị ứ đọng của Ukraine - được gọi là “tuyến đường đoàn kết”. Theo đó, khoảng 60% hàng xuất khẩu của Ukraine trong năm qua đã đi theo tuyến này - dọc theo sông Danube đến cảng Constanța của Romania. 40% còn lại đi theo Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian hiện đã đổ vỡ.
Nhưng việc mở các tuyến đường bộ đã khiến dòng ngũ cốc Ukraine giá rẻ chưa từng có tràn vào các nước EU láng giềng, gồm Romania, Ba Lan, Hungary, Bulgaria và Slovakia. Thay vì được xuất khẩu xa hơn, chúng được bán lại và khiến nông dân các nước này điêu đứng.
Trước sức ép từ các cử tri vùng nông thôn, chính phủ Ba Lan đã tìm cách xoa dịu bằng việc đóng cửa biên giới đối với hàng nhập khẩu của Ukraine vào đầu tháng 4 vừa qua. Hungary, Slovakia và Bulgaria đã làm theo.
Dù vậy vào tháng 5, năm quốc gia này đã đạt được thỏa thuận với EC về việc dỡ bỏ các biện pháp đóng cửa đơn phương để đổi lấy khoản tài trợ 100 triệu euro cùng cam kết rằng các chuyến hàng của Ukraine sẽ chỉ quá cảnh qua năm quốc gia trên. Thỏa thuận này sẽ hết hạn vào ngày 15/9/2023 và năm quốc gia trên đang muốn gia hạn.
Tình thế mới đặt ra một bài toán khó cho EU trong dàn xếp các mâu thuẫn. Một loạt các nước đang đứng trước các cuộc bầu cử quan trọng và họ có lý do để phản ứng nhằm bảo vệ nền kinh tế trong nước. Các quốc gia láng giềng có vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận và phân phối ban đầu cho hàng triệu tấn lương thực của Ukraine, khiến EU không còn nhiều đòn bẩy để gây sức ép ngoài việc thỏa hiệp.
Vấn đề là sự nhân nhượng của EU đối với 5 quốc gia Đông Âu đã hứng chịu sự chỉ trích từ các nước thành viên khác, cho rằng sự thỏa hiệp đó sẽ làm suy yếu tính toàn vẹn cũng như sự đoàn kết của khối.
Dù mới chỉ có Ba Lan và Hungary đe dọa sẽ có hành động cứng rắn hơn với Ukraine, nhưng một trong số đó lại có vai trò rất quan trọng với Kiev. Ba Lan đã đóng vai trò hàng đầu trong việc hỗ trợ Ukraine, từ làm trạm trung chuyển cho vũ khí phương Tây, viện trợ vũ khí đạn dược, cũng như tiếp nhận hàng triệu người tị nạn Ukraine.
Theo các chuyên gia, động thái mới sẽ càng giáng thêm một đòn “chí tử” vào thị trường lương thực toàn cầu vốn đã bấp bênh. Nguồn cung bị thắt chặt của Ukraine cộng thêm tác động mùa màng ngày một nghiêm trọng của El Nino và thiên tai ở nhiều quốc gia sẽ càng khiến giá lương thực tăng cao.
Các thị trường bị ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là các quốc gia ở Bắc Phi và Trung Đông – những thị trường nhập khẩu khối lượng lớn ngũ cốc từ khu vực Biển Đen, theo chuyên gia Peter Ceretti của công ty tư vấn Eurasia Group.
Sau các thông tin bất lợi cho Kiev, giá lúa mì, ngô, đậu tương đồng loạt tăng trên các sàn giao dịch quốc tế. Dù vậy, giá lúa mì hiện vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh thiết lập vào tháng 5 năm ngoái, do Nga – nhà cung cấp lớn nhất thế giới – hiện vẫn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu.
>>"Kế hoạch B" của Ukraine sau khi Nga phá vỡ thỏa thuận ngũ cốc
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đặt ra lo ngại Moscow có thể “vũ khí hóa” lĩnh vực này để gây sức ép với phương Tây hoặc tăng giá để thu thêm lợi nhuận. Như chuyên gia Simon J. Evenett từ ĐH St. Gallen mới đây đã khuyến cáo giới đầu tư theo dõi chặt chẽ khả năng Moscow tăng thuế xuất khẩu ngũ cốc.
Có thể bạn quan tâm