"Cú hích" mới cho quan hệ thương mại Việt Nam - Italy

CẨM ANH 27/07/2023 05:00

Quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam - Italy được kỳ vọng sẽ rộng mở hơn nữa trong các lĩnh vực có giá trị cao sau chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Italy.

>>Phó Thủ tướng khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam-Italy mở rộng hợp tác

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng phu nhân tại sân bay quốc tế Fiumicino, thủ đô Rome, Italy. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã bắt đầu chuyến thăm chính thức tại Italy và thăm Tòa thánh Vatican, theo lời mời của Tổng thống Italy Sergio Mattarella và Giáo hoàng Francis. Chuyến thăm này sẽ góp phần thúc đẩy thương mại song phương, đồng thời mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh cho doanh nghiệp hai nước.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm nay, Italy đã chứng tỏ vị trí quan trọng trong danh sách đối tác thương mại lớn của Việt Nam trong khu vực Liên minh châu Âu (EU). Cụ thể, sau khi Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8/2020, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Italy đã có mức tăng đáng kể, với 21% trong năm 2021 và 11% trong năm 2022, đạt 6,2 tỷ USD.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Italy đạt hơn 2,31 tỷ USD, cho thấy mức tăng trưởng tích cực trong những ngành hàng chủ lực. Ba nhóm hàng xuất khẩu dẫn đầu bao gồm sắt thép, điện thoại và linh kiện, cà phê với kim ngạch lần lượt là 650 triệu USD, 241,37 triệu USD và 201,4 triệu USD.

Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong khối ASEAN với kim ngạch thương mại song phương liên tục tăng qua các năm. Việt Nam nhập khẩu từ Italy 1,7 tỷ USD, tăng 3,6% so với năm 2021, chủ yếu là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này rất tin tưởng sử dụng các sản phẩm chất lượng của Italy.

Theo các chuyên gia nhận định, cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Italy còn nhiều dư địa để phát triển hơn nữa. Đại diện Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ cho biết, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu sang Italy các loại hạt như hạt điều bóc vỏ, cà phê, hạt tiêu; điện thoại, linh kiện, giày dép, dệt may, dụng cụ y tế, dược phẩm, máy móc thiết bị và phụ tùng, đồ gỗ...

Đặc biệt, phía Việt Nam đang hoàn thiện thủ tục nội bộ để ký gia hạn Biên bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng với Italy, dự kiến trong Khóa họp VIII của Ủy ban hỗn hợp. Hai bên cũng tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm thăm dò các lô dầu khí tại mỏ Kèn Bầu với sự tham gia của tập đoàn Eni, Italy. Các hoạt động hợp tác quan trọng giữa Việt Nam-Italy đang được kỳ vọng sẽ mở rộng hơn nữa ở nhiều mảng năng lượng khác nhau.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Italy cho biết, ngoài việc đẩy mạnh thông tin cho doanh nghiệp, Thương vụ tiếp tục xuất bản bản tin điện tử hàng tháng và phối hợp với Phòng Thương mại Torino dịch sang tiếng Italy, nhằm tăng cường các hoạt động thương mại, đầu tư, cung cấp thông tin hữu ích cho doanh nghiệp về quy định trong EVFTA, ngành hàng cụ thể và cơ hội hợp tác giao thương giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

>>Italy sẽ ưu tiên vào đầu tư chất lượng cao tại Việt Nam

Sản xuất giày xuất khẩu sang thị trường châu Âu. (Ảnh:TTXVN)

Sản xuất giày xuất khẩu sang thị trường châu Âu. (Ảnh:TTXVN)

Để tháo gỡ khó khăn trong quá trình tìm hiểu, đàm phán và thực hiện hợp đồng xuất nhập khẩu, đầu tư giữa doanh nghiệp của 2 nước, Thương vụ cho biết có thể hỗ trợ về vĩ mô và vi mô liên quan đến từng doanh nghiệp; Đồng thời triển khai nghiên cứu theo từng mảng thị trường, lĩnh vực ngành hàng, xuất bản sách nghiên cứu về thị trường Italy, Cyprus, Malta, Sanmarino và Vatican để giới thiệu với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, Thương vụ lưu ý, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu kỹ thị trường, phong tục, tập quán kinh doanh của Italy. Bên cạnh đó, các thông tin trao đổi nên được ưu tiên bằng tiếng Italy.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Italy cũng lưu ý doanh nghiệp Việt Nam phải thận trọng trong việc ký kết hợp đồng và sử dụng phương thức thanh toán an toàn; đồng thời thường xuyên liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để phối hợp xác minh thông tin đối tác.

Các chuyên gia cũng nhận định, cơ hội để thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Việt Nam - Italy đang vô cùng rộng mở. Hiện nay, Italy mới chỉ là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong EU. Do đó, vẫn còn nhiều dư địa cho chiều hướng tăng trưởng và tái cân bằng trao đổi thương mại giữa hai nước.

Trong 50 năm qua, quan hệ Italy-Việt Nam đã phát triển tích cực, toàn diện và đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực, cả về hợp tác song phương và đa phương. Với chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Italy, tương lai quan hệ song phương càng trở nên tươi sáng và bền vững.

Có thể bạn quan tâm

  • Italy sẽ ưu tiên vào đầu tư chất lượng cao tại Việt Nam

    Italy sẽ ưu tiên vào đầu tư chất lượng cao tại Việt Nam

    15:08, 19/07/2023

  • Cuộc bầu cử tại Italy và tác động đến chiến sự Nga- Ukraine

    Cuộc bầu cử tại Italy và tác động đến chiến sự Nga- Ukraine

    04:00, 29/09/2022

  • Khủng hoảng chính trị Italy đe dọa Châu Âu

    Khủng hoảng chính trị Italy đe dọa Châu Âu

    04:00, 25/07/2022

  • Italy và tham vọng tìm lại hào quang với

    Italy và tham vọng tìm lại hào quang với "Địa Trung Hải mở rộng"

    12:04, 14/02/2021

  • Phó Thủ tướng khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam-Italy mở rộng hợp tác

    Phó Thủ tướng khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam-Italy mở rộng hợp tác

    00:00, 07/06/2019

CẨM ANH