Kinh tế Đức đang đi vào "vết xe đổ" của hơn 20 năm trước?
Sau gần 25 năm, nền kinh tế Đức giàu có lại một lần nữa đứng trước ngưỡng cửa của suy thoái.
Năm 1999, nước Đức từng bị gọi là "nền kinh tế ốm yếu" của châu Âu. Sau sự thống nhất hai miền đất nước, người Đức phải đối mặt với một loạt vấn đề, từ thị trường việc làm ảm đạm cho đến nhu cầu xuất khẩu chậm lại, khiến tỷ lệ thất nghiệp có lúc lên mức hai con số.
>> Đồng Rúp kỹ thuật số sẽ giúp Nga "né" lệnh trừng phạt?
Thế nhưng sau đó nhờ một loạt cải cách sâu rộng vào đầu những năm 2000, người Đức đã mở ra một thời kỳ hoàng kim kéo dài hàng thập kỷ. Nhưng cho tới gần đây, "cơn ác mộng" lại hiện về với nền kinh tế Đức.
Tăng trưởng kinh tế trì trệ
Văn phòng Thống kê Liên bang (Destatis) cho biết nền kinh tế Đức đã trở nên trì trệ trong quý 2 vừa qua, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng 0%, thấp hơn nhiều so với dự báo 0,3% của giới chuyên gia.
Đây là quý thứ 3 liên tiếp nền kinh tế lớn nhất châu Âu trì trệ và thu hẹp. Quý 1 của năm nay chứng kiến tăng trưởng âm 0,1%, trong khi GDP quý cuối cùng của năm 2022 âm 0,4%. Mặc dù lạm phát đã giảm xuống 6,2% trong tháng 7 nhờ giá năng lượng đi xuống, nhưng chi phí thực phẩm vẫn tiếp tục tăng, ở mức 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù sao, mọi thứ có vẻ không nghiêm trọng như thời kỳ 1999, khi tỉ lệ thất nghiệp hiện nay chỉ khoảng 3%, vị thế và ngân sách vẫn lớn mạnh.
Thế nhưng đáng ngại là, theo các cuộc khảo sát, người Đức ngày càng thất vọng về đất nước của mình. Tờ Economist chỉ ra 80% người được hỏi cho rằng Đức không còn là một nơi hấp dẫn để sinh sống.
Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp từng là biểu tượng toàn cầu của nước Đức đang dần lạc hậu. Ví dụ hài hước nhất là mới đây chiếc máy bay công vụ của Ngoại trưởng Annalena Baerbock bị trục trặc khiến bà phải bỏ lỡ chuyến thăm Australia, New Zealand và Fiji.
Những nguyên do chính
Có nhiều vấn đề tác động đến xu hướng u ám này của nền kinh tế số 1 châu Âu. Nhưng trước hết các chuyên gia chỉ ra rằng sự tự mãn và thận trọng tài khóa quá mức đang làm hại nước Đức.
Trong hàng thập kỷ, Đức đã duy trì thành tích vượt trội trong các ngành công nghiệp truyền thống trước các đối thủ trên thế giới. Thành công quá mức khiến các nhà đầu tư ít mặn mà trong các lĩnh vực mới. Đầu tư của Đức vào công nghệ thông tin tính theo tỷ lệ GDP chưa bằng ½ so với Mỹ hay Pháp. Xe hơi cũng là một ví dụ, khi các nhà sản xuất Trung Quốc đang dần vượt mặt người Đức trong cuộc chiến dành thị phần ở thị trường tỷ dân, bao gồm cả xe xăng và xe điện.
Ngoài ra, chủ nghĩa bảo thủ quan liêu cũng đã được chỉ ra. Ví dụ, để lấy được giấy phép hoạt động kinh doanh ở Đức mất tới 120 ngày - gấp đôi thời gian trung bình của OECD. Cùng với đó là khó khăn trong chính sách đầu tư công, dân số ngày càng già hóa, thiếu nhân công có tay nghề cao. Như ở Berlin, các trường học đang thiếu một nửa số giáo viên cần thiết có đủ trình độ theo yêu cầu.
Địa chính trị phức tạp trên thế giới cũng tác động lớn lên nền kinh tế Đức. Trong số tất cả các nền kinh tế lớn của phương Tây, Đức là nước tiếp xúc nhiều nhất với Trung Quốc. Năm ngoái thương mại giữa hai bên lên tới 314 tỷ USD, nhưng triển vọng hợp tác đó đang lung lay trong những năm tới. Khi phương Tây “giảm thiểu rủi ro” trong mối quan hệ với Trung Quốc, một số lĩnh vực có thể bị cắt đứt hoàn toàn.
Một khó khăn khác đến từ quá trình chuyển đổi năng lượng. Ngành công nghiệp của Đức sử dụng lượng năng lượng gần gấp đôi so với quốc gia đứng kết tiếp ở châu Âu. Trong khi người tiêu dùng của nước này có lượng khí thải carbon lớn hơn nhiều so với ở Pháp hoặc Italy. Thế nhưng nước Đức vẫn chưa có các giải pháp cần thiết để bổ sung nguồn năng lượng thiếu hụt khi từ bỏ khí đốt Nga hay quay lưng với điện hạt nhân.
>> "Lỗ hổng" trần giá dầu giúp Nga kiếm lời hàng tỷ đô
Theo các chuyên gia, chính sách đầu tư công chậm chạp và nạn quan liêu đã hạn chế dòng đầu tư vào lưới điện hay cải cách để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo giá rẻ, qua đó đặt ra thách thức khổng lồ cho các nhà sản xuất trọng yếu của nước Đức.
“Xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất và truyền tải điện để đáp ứng các mục tiêu khí hậu của chính phủ sẽ là một thách thức lớn, đòi hỏi đầu tư đáng kể. Nhưng tiền cần phải thực sự được rót xuống. Hiện tại, tệ quan liêu đang làm chậm quá trình xây dựng các nguồn năng lượng tái tạo”, ông Wolfgang Fink, Giám đốc điều hành của Goldman Sachs tại Đức và Áo cho biết.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu nước Đức không có giải pháp vực dậy nền kinh tế thì rất có thể nước này sẽ đi vào "vết xe đổ" của năm 1999, nhưng mức độ nghiêm trọng có thể sẽ thấp hơn.
Có thể bạn quan tâm
Kinh tế châu Âu chưa có dấu hiệu khởi sắc
04:34, 01/08/2023
Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ IX): Thất nghiệp giới trẻ tăng vọt, điều gì đang xảy ra?
03:20, 20/08/2023
Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ IV): Hé lộ lý do "cỗ xe" kinh tế bị trục trặc
03:15, 18/08/2023
“Mỏ vàng” của kinh tế toàn cầu đang thuộc về ai?
04:00, 13/08/2023
Kinh tế khó khăn, sàn thương mại điện tử Mỹ đang thoái trào?
04:30, 06/08/2023