Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ XI): Mô hình tăng trưởng đã tới hạn
Những biểu hiện lẻ tẻ của bất ổn kinh tế Trung Quốc đã phản ánh bức tranh đầy đủ hơn của một mô hình tăng trưởng đã tới hạn.
>>Trở lực kinh tế Trung Quốc
Nền kinh tế Trung Quốc đã trải qua sự tăng trưởng thần tốc trung bình 9%/năm kể từ năm 1978 - 2008, bỏ xa các nước phát triển trong hai thập kỷ qua. Trung Quốc đã lần lượt vượt qua Đức, Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế giờ đây nhận thấy xu hướng đi xuống mang tính cấu trúc của kinh tế Trung Quốc, trong bối cảnh đóng góp từ bất động sản và sản xuất - những trụ cột truyền thống của sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc đang giảm dần.
Nhà đầu tư kỳ cựu ở phố Wall, David Roche nhận xét rằng mô hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã tới hạn, hiện thời như “cát trên bãi biển” dễ dàng bị cuốn trôi bởi những tác động ngày càng xấu. Ông cho rằng “kinh tế Trung Quốc có vô số lỗ hổng không thể cất cánh trở lại”.
Rõ ràng, hệ thống kinh tế Trung Quốc khó tìm ra giải pháp để loại bỏ nợ xấu từ trung ương tới địa phương, trong khi các thước đo tăng trưởng trước đây dần dần bị vô hiệu hóa.
Roche dẫn chứng, nhân khẩu học đang thay đổi ở Trung Quốc có nghĩa là nước này không còn đủ lực lượng lao động trẻ làm bệ đỡ cho việc đảo ngược hoàn toàn chu kỳ bất động sản của mình - một lĩnh vực thường được ước tính chiếm từ 20% đến 30% tổng sản phẩm quốc nội của nền kinh tế này.
Cộng hưởng với các cuộc khủng hoảng khác nhau đe dọa các thị trường đang phát triển, từ Mỹ Latin, Đông Âu đến Niger và khu vực Sahel ở châu Phi. David Roche cho rằng một rủi ro giảm giá lớn mà các thị trường vẫn chưa xác định được là tỷ suất lợi nhuận sẽ cần phải được siết chặt để phát triển bền vững hơn.
Trung Quốc đang gặp phải vấn đề với nền kinh tế thuần túy sản xuất và xuất khẩu; sao chép công nghệ, tận dụng giá đầu vào sản xuất thấp để chiếm lĩnh các thị trường mới nổi và sau đó âm thầm rút lui.
Đầu tiên, khả năng sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc phần lớn được mang đến từ các công ty đa quốc gia, đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm quốc nội hàng năm. Cái mà Trung Quốc có được là giải quyết lao động giá rẻ và thu ngân sách.
>>Trung Quốc đối mặt giảm phát, Việt Nam ứng phó ra sao?
Hầu hết bí quyết công nghệ có tính quyết định do Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc,…nắm giữ. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Trung Quốc cố gắng học hỏi và sao chép để sản xuất hàng hóa phẩm cấp thấp cho các thị trường mới nổi như Đông Nam Á, Trung Á, Nam Á, châu Phi và Nam Mỹ.
Ví dụ, xe máy Trung Quốc y hệt mẫu mã Nhật, Hàn từng tràn ngập thị trường Việt Nam, Campuchia, Thái Lan,…nhưng chiến lược phát triển không giống như Honda, Yamaha, SYM, luôn lấy giá trị thương hiệu và công nghệ làm tiên phong. Điều này đã khiến xe máy Trung Quốc nhanh chóng bị mất dần chỗ đứng ở thị trường Việt Nam dù giá rẻ.
Ở góc nhìn vĩ mô hơn, do không nắm được công nghệ lõi nên Trung Quốc dễ dàng bị tổn thương khi phương Tây cắt nguồn tiếp cận công nghệ tinh vi. Nền kinh tế Trung Quốc cho thấy nó không mạnh và vững như người ta đồn thổi.
Bắc Kinh đã thừa nhận những cơn gió ngược về kinh tế và ra tín hiệu hỗ trợ chính sách tiền tệ nhiều hơn, động thái đầu tiên là Ngân hàng Trung ương nước này đã tiếp tục giảm lãi suất hôm thứ 3 tuần trước.
Tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghiệp, đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao và tăng xuất khẩu ô tô điện, pin lithium và tấm pin mặt trời đã chứng tỏ xu hướng dịch chuyển của ngoại thương Trung Quốc trong bối cảnh suy giảm.
Có thể bạn quan tâm
Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ VII): Dòng vốn đầu tư nước ngoài "tháo chạy"
04:00, 19/08/2023
Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ VIII): “Núi nợ” bủa vây nền kinh tế
05:10, 19/08/2023
Thận trọng với tỷ giá và biến số lãi suất của Trung Quốc
05:30, 19/08/2023
Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ IX): Thất nghiệp giới trẻ tăng vọt, điều gì đang xảy ra?
03:20, 20/08/2023