Đây là lý do nhiều cường quốc đua nhau lên Mặt Trăng
Với Nga và Ấn Độ tham gia vào cuộc đua, “cơn sốt” bay tới mặt trăng đang trở nên ngày càng gay cấn.
Cuộc đua tốn kém nói trên không chỉ là cuộc chơi của riêng Mỹ và Trung Quốc, mà giờ đây thế giới đang chứng kiến thêm những quốc gia khác tham gia, như Nga, Nhật Bản, Israel hay Ấn Độ.
Moscow và New Delhi đều tuyên bố kế hoạch đáp xuống bề mặt mặt trăng trong tuần qua, dù Nga vừa thất bại. Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản cũng vừa phóng một tàu đổ bộ nhỏ lên mặt trăng trong nỗ lực thử nghiệm các kỹ thuật hạ cánh chính xác có thể được sử dụng trong tương lai. Các công ty tư nhân từ Israel đã thử và thất bại trong việc hạ cánh tàu vũ trụ trong những năm gần đây.
>> Ai giúp Nhật Bản thoát phụ thuộc đất hiếm Trung Quốc?
Trong khi đó, Trung Quốc đã hạ cánh vào các năm 2019, 2020 và đang tìm cách gửi các phi hành gia vào năm 2030. NASA đang thực hiện sứ mệnh mặt trăng mới thông qua chương trình Artemis, nhằm tìm cách xây dựng cơ sở hạ tầng trên và xung quanh mặt trăng trong thời gian dài.
Những điều này khiến người ta nhớ lại cuộc chạy đua lên mặt trăng giữa Mỹ và Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh. Nhưng ở hiện tại, mục đích không phải để chứng tỏ sự ưu việt của mô hình nhà nước, mà là vì các "kho báu" vô giá ở trên Mặt Trăng.
Nước - nguồn sống tương lai của con người
Điều quan trọng đầu tiên là nước. Các phân tử hydroxyl trải rộng trên bề mặt và tập trung ở các cực của mặt trăng đã được phát hiện vào năm 2008 nhờ một sứ mệnh không gian của Ấn Độ. Phát kiến này mở ra khả năng sinh tồn của con người và cũng có thể tạo ra nguồn oxy và hydro – những thứ có thể được sử dụng làm nhiên liệu tên lửa đẩy.
Trong thời gian qua, cực nam của mặt trăng - nơi nước ở dạng băng nằm trong các miệng núi lửa vĩnh cửu bị che lấp – đã trở thành bến đỗ tiềm năng của các nước. Theo các nhà nghiên cứu, nếu ai có thể tiếp cận với lớp băng đó, họ sẽ thiết lập được một “trạm xăng” trong không gian để làm bàn đạp cho các phần khác của hệ mặt trời.
Khí hiếm Heli-3
Không chỉ có các khoáng sản nằm dưới lòng đất, một tài nguyên quý giá ở mặt trăng là Heli-3. Đồng vị của khí Helium cực kì khan hiếm ở Trái đất, nhưng các nhà khoa học ước tính mặt trăng có 1 triệu tấn khí như vậy.
Heli-3 có thể cung cấp năng lượng cho các lò phản ứng hạt nhân tổng hợp mà không phát thải phóng xạ. Nếu có thể khai thác được chúng, đây sẽ đánh dấu một bước đột phát của ngành năng lượng thế giới trong tương lai.
Công ty Popular Mechanics ước tính Heli-3 của Mặt trăng trị giá 640.000 USD mỗi pound, tức khoảng 25 triệu tỷ USD nếu tiềm năng của chúng có thể được khai thác. Dù con số này là không thực tế, nhưng nếu chỉ cần khai thác khoảng 15% bề mặt mặt trăng, thì lượng Heli-3 đó trên lý thuyết có thể đáp ứng nhu cầu điện năng của nước Mỹ trong 80.000 năm, theo James E.Dunstan, một chuyên gia nghiên cứu luật trong không gian.
Kim loại đất hiếm
Một “kho báu” thực tế hơn với các cường quốc đang đua tranh hiện diện ở mặt trăng là đất hiếm. Theo nghiên cứu của Boeing, các kim loại đất hiếm như scandium, yttrium và lanthanides được tìm thấy trên mặt trăng. Theo chuyên gia Jim Bridenstine của NASA, việc khai thác kim loại đất hiếm từ bề mặt mặt trăng là điều khả thi “trong thế kỷ này”.
Kim loại hiếm ngày càng được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghệ, đóng vai trò thiết yếu trong các sản phẩm điện tử, pin ô tô điện hay thiết bị quân sự. Trong hai mươi năm qua, nhu cầu về đất hiếm đã tăng vọt và sẽ chưa dừng lại khi xu hướng công nghệ và năng lượng xanh vẫn ở thì tương lai.
Với kho báu ở ngoài không gian, Mỹ hi vọng có thể chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh tham vọng tiếp tục duy trì vị thế bá chủ của mình trong lĩnh vực thiết yếu này. Khi đất hiếm trở thành một mặt hàng ngày càng có giá trị, rõ ràng các cường quốc bị thôi thúc tìm kiếm những nguồn cung cấp mới bên ngoài hành tinh. Do đó, việc khai thác mặt trăng và các tiểu hành tinh trở thành một viễn cảnh sinh lợi.
Khoảng trống về pháp luật
Một động lực khác ít được chú ý trong cuộc đua này là luật pháp quốc tế về các hoạt động trong không gian vẫn còn đầy lỗ hổng và không rõ ràng. Điều đó kích thích các quốc gia tham vọng vươn tới vị trí dẫn đầu để đặt nền móng cho các quy tắc trong tương lai.
Hiệp ước ngoài không gian năm 1966 của Liên Hợp Quốc nêu rõ rằng không quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền đối với mặt trăng - hoặc các thiên thể khác - và việc khám phá không gian nên được thực hiện vì lợi ích của tất cả các quốc gia. Thế nhưng, các luật sư nói rằng không rõ liệu một thực thể tư nhân có thể tuyên bố chủ quyền đối với một phần của mặt trăng hay không.
>> Ấn Độ tung loạt “vũ khí” để thoát phụ thuộc Trung Quốc
Thỏa thuận Mặt trăng năm 1979 tuyên bố rằng không một phần nào của mặt trăng “sẽ trở thành tài sản của bất kỳ Quốc gia, tổ chức quốc tế liên chính phủ hoặc phi chính phủ, tổ chức quốc gia hoặc tổ chức phi chính phủ nào hoặc của bất kỳ thể nhân nào.” Thế nhưng, nó lại chưa được phê chuẩn bởi bất kỳ cường quốc không gian lớn nào.
Với một khoảng trống lớn như vậy, các cường quốc có lý do để khởi động cuộc tranh giành tài nguyên trên mặt trăng. Nhưng cùng với lợi ích thương mại, các chuyên gia cũng cảnh báo về những rủi ro về chi phí và môi trường xung quanh hoạt động này. Bài học biến đổi khí hậu ở Trái Đất có thể là hồi chuông cảnh tỉnh mà con người không muốn mang tới Mặt Trăng.
Có thể bạn quan tâm
Kinh tế Đức đang đi vào "vết xe đổ" của hơn 20 năm trước?
04:00, 21/08/2023
Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ IX): Thất nghiệp giới trẻ tăng vọt, điều gì đang xảy ra?
03:20, 20/08/2023
Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ VII): Dòng vốn đầu tư nước ngoài "tháo chạy"
04:00, 19/08/2023
Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ IV): Hé lộ lý do "cỗ xe" kinh tế bị trục trặc
03:15, 18/08/2023