“Cuộc chiến nảy lửa” đất hiếm (Kỳ I): Ai đang dẫn đầu cuộc chơi?
Là một trong những nguyên liệu chiến lược, đất hiếm có rất nhiều ứng dụng và vai trò quan trọng trong sản xuất thiết bị công nghệ cao.
>>Việt Nam có được hưởng lợi từ đất hiếm?
Dữ liệu của tổ chức nghiên cứu địa chất Geological Survey của Mỹ ước tính trữ lượng đất hiếm của toàn thế giới vào khoảng 120 triệu tấn, trong đó Trung Quốc sở hữu 44 triệu tấn, hơn 22 triệu tấn ở Việt Nam, 22 triệu tấn ở Brazil, 18 triệu tấn ở Nga...
Với những lo lắng về chuỗi cung ứng ngày càng gia tăng, thế giới đang bắt đầu nghiên cứu vế những quốc gia có trữ lượng đất hiếm cao nhất.
Theo một số chuyên gia địa chất, có một vài quốc gia có sản lượng khai thác đất hiếm thấp nhưng có trữ lượng cao. Trường hợp điển hình là các mỏ ở Brazil chỉ sản xuất được 80 tấn nguyên tố đất hiếm vào năm 2022, nhưng trữ lượng đất hiếm của quốc gia này lại cao thứ ba trên thế giới. Có thể những quốc gia như thế này sẽ trở thành những "người chơi" lớn trong tương lai.
Dẫn đầu bảng xếp hạng vẫn là Trung Quốc. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc có trữ lượng đất hiếm cao thế giới nhất với 44 triệu tấn. Đất nước này cũng là nhà sản xuất đất hiếm hàng đầu thế giới vào năm 2022 với sản lượng 210.000 tấn.
Ông Ross Embleton, nhà phân tích cấp cao về đất hiếm tại Wood Mackenzie, cho biết: “Bất chấp việc khai thác đất hiếm đang diễn ra ở nhiều nơi, Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp chiếm ưu thế tuyệt đối".
Mặc dù ở vị trí hàng đầu, Trung Quốc vẫn tập trung vào việc đảm bảo rằng nguồn dự trữ đất hiếm được duy trì ở mức cao. Trở lại năm 2012, quốc gia châu Á này tuyên bố rằng trữ lượng đất hiếm của họ đang suy giảm; sau đó quốc gia này đưa ra tuyên bố sẽ tăng lượng dự trữ đất hiếm trong nước bằng cách thiết lập kho dự trữ chiến lược vào năm 2016.
Trong quá khứ, sự thống trị của Trung Quốc trong cả sản xuất và dự trữ các nguyên tố đất hiếm đã làm các chuyên gia lo ngại. Giá đất hiếm đã tăng mạnh khi nước này cắt giảm xuất khẩu vào năm 2010, dẫn đến việc nhiều nước phải tìm cách đảm bảo nguồn cung từ các thị trường khác.
Đứng thứ hai trong danh sách là Việt Nam. Dữ liệu cho thấy, trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam đạt tới hơn 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới. Phần lớn lượng đất hiếm trong nước có thể được tìm thấy ở các mỏ quặng nguyên sinh, với một lượng nhỏ hơn phân bổ ở các mỏ sa khoáng ven biển.
Sản lượng đất hiếm của Việt Nam năm 2021 chỉ ở mức rất nhỏ, khoảng 400 tấn, nhưng đã tăng đáng kể vào năm 2022, đạt 4.300 tấn. Vào tháng 12/2022, Bộ Công Thương Việt Nam đã ký thỏa thuận với Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc nhằm tăng cường hợp tác về đất hiếm và các khoáng sản cốt lõi khác, đồng thời giúp củng cố chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu.
Tỉnh Saskatchewan của Canada cũng đã tìm kiếm cơ hội hợp tác về "năng lượng xanh, khai thác bền vững và đất hiếm" với Việt Nam khi cử một phái đoàn thương mại đến làm việc với Việt Nam vào tháng 12/2022.
Brazil và Nga có trữ lượng đất hiếm lớn thứ ba trên toàn cầu. Brazil không phải là nhà sản xuất đất hiếm lớn vào năm 2022, với sản lượng giảm xuống còn 80 tấn. Một mỏ đất hiếm trị giá 8,4 tỷ USD đã được tìm thấy ở Brazil vào năm 2012, mặc dù phát hiện này chưa mang lại nhiều kết quả.
>>Ai giúp Nhật Bản thoát phụ thuộc đất hiếm Trung Quốc?
Trong khi đó, Nga sản xuất 2.600 tấn đất hiếm vào năm 2022, nhiều hơn Brazil và Việt Nam. Trước đó, vào năm 2020, Chính phủ Nga chia sẻ kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ USD nhằm cạnh tranh với Trung Quốc trên thị trường đất hiếm. Tuy nhiên, việc Nga tấn công Ukraine đã gây ra một số lo ngại về khả năng gián đoạn chuỗi cung ứng đất hiếm ở Mỹ và châu Âu, đồng thời vẫn còn phải xem xét chiến tranh sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kế hoạch phát triển đất hiếm trong nước của nước này.
Đứng thứ tư trong danh sách các quốc gia có sản lượng đất hiếm lớn nhất toàn cầu Ấn Độ. Trữ lượng đất hiếm của quốc gia này ở mức 6,9 triệu tấn và sản xuất được 2.900 tấn đất hiếm vào năm 2022. Ấn Độ cũng sở hữu gần 35% trữ lượng khoáng sản cát và bãi biển của thế giới, là nguồn cung cấp đất hiếm đáng kể.
Mặc dù Australia là quốc gia khai thác đất hiếm lớn thứ ba thế giới vào năm 2022 với sản lượng 18.000 tấn nhưng trữ lượng đất hiếm của quốc gia này chỉ đứng thứ năm trên thế giới. Hiện tại, trữ lượng của Australia ở mức 4,2 triệu tấn.
Australia bắt đầu tiến hành khai thác đất hiếm từ năm 2007, nhưng việc khai thác dự kiến sẽ tăng lên trong thời gian tới. Hiện công ty Lynas Rare Earths của Australia là nhà sản xuất duy nhất trên thế giới về vật liệu đất hiếm phân tách bên ngoài Trung Quốc. Được biết, công ty này đã hợp tác với Mỹ và Nhật Bản để củng cố sự cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Mặc dù đất hiếm không hiếm như cái tên của nó nhưng việc khai thác khá khó khăn, đặc biệt là với trường hợp đất hiếm nặng, vì các thân quặng chứa chúng ít phổ biến hơn so với đất hiếm nhẹ. Một trở ngại khác đối với đất hiếm là quá trình phân tách. Các nguyên tố đất hiếm đều có tính chất hóa học tương tự nhau nên chúng rất khó phân tách, và làm quá trình này trở nên tốn kém.
Cuối cùng, khai thác đất hiếm có thể gây tổn hại rất lớn đến môi trường, đặc biệt là khi nói đến các mỏ bất hợp pháp và không được kiểm soát. Báo cáo của Global Witness chỉ ra, có hơn 100 vụ lở đất đã xảy ra ở khu vực Cám Châu của Trung Quốc do hoạt động khai thác đất hiếm và thiệt hại đối với các ngọn núi của Myanmar cũng rất đáng kể...
Tuy nhiên, do đất hiếm được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, đặc biệt là công nghệ cao, quân sự... , nên nhiều quốc gia bất chấp hệ luỵ trong khai thác khoáng sản này. Do đó, "cuộc chiến" đất hiếm sẽ ngày càng khốc liệt hơn nữa.
Có thể bạn quan tâm
Cần chiến lược cho đất hiếm Việt Nam
15:33, 22/08/2023
Ai giúp Nhật Bản thoát phụ thuộc đất hiếm Trung Quốc?
03:00, 17/08/2023
Việt Nam có được hưởng lợi từ đất hiếm?
04:00, 20/07/2023
"Ngã ngũ" cuộc đua đất hiếm Mỹ - Trung
04:00, 28/06/2023
Trung Quốc đánh mất dần lợi thế đất hiếm
04:36, 16/08/2022