BRICS mở rộng hay "cuộc chơi" của Trung Quốc và những "người bạn"?
Bất chấp những lo ngại của Brazil và Ấn Độ, Trung Quốc mới đây đã bước thêm một nấc thang để trở thành hạt nhân của BRICS với việc kết nạp 6 thành viên mới.
Vì sao nhiều nước muốn tham gia BRICS?
Có một sự thừa nhận rộng rãi rằng, quyền lực ngày càng lớn của Trung Quốc đã tiếp sức mạnh cho BRICS để khối này trở thành một lựa chọn tốt cho các quốc gia đang phát triển trên thế giới muốn tránh sự lệ thuộc vào Mỹ và phương Tây.
Trong khi tiềm năng thương mại là rõ ràng, BRICS lại chứng minh thêm vai trò quan trọng trong việc chống lại sự cô lập ngoại giao của Mỹ và phương Tây.
>> Khó khăn bủa vây, Trung Quốc có làm nên chuyện ở BRICS?
Sau khi sáp nhập Crimea vào năm 2014, Nga hứng chịu một loạt đòn trừng phạt và bị cô lập ngoại giao. Nhưng tháng 7 năm đó, Brazil đã phản đối những lời kêu gọi của phương Tây nhằm loại ông Putin khỏi các cuộc đàm phán hội nghị thượng đỉnh ở Fortaleza. Vào tháng 3 năm 2014, BRICS cũng bác bỏ đề xuất của Ngoại trưởng Australia khi đó, Julie Bishop, rằng ông Putin có thể bị cấm tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối năm 2014.
Cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cũng đã tìm thấy ở BRICS những điều hữu ích. Ông thắng cử năm 2019 nhưng bị chính quyền Mỹ và các đồng minh ngó lơ do các tranh cãi về nạn phá rừng, phòng chống Covid-19 hay vấn đề nhân quyền. Khi đó, BRICS đã trở thành không gian an toàn cho nhà lãnh đạo Brazil, nơi ông có thể tìm kiếm các lợi ích kinh tế lớn hơn mà không phải chịu sự chi phối của phương Tây.
Lo ngại về quyền lực Trung Quốc
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi có không dưới 22 quốc gia trên khắp thế giới đã chính thức yêu cầu gia nhập BRICS. Nhưng đây cũng là nguồn cơn cho một mâu thuẫn âm ỉ của hai trụ cột Brazil và Ấn Độ - lo ngại về quyền lực ngày càng tăng của Trung Quốc trong BRICS.
Brazil và Ấn Độ từ lâu cảnh giác với nhu cầu kết nạp thêm thành viên mới của BRICS, do họ không thấy nhiều lợi ích từ việc bổ sung thêm các quốc gia không thân thiện với phương Tây, cũng như cho rằng điều này có thể suy giảm tầm ảnh hưởng của mình trong BRICS.
Trong mắt hai trụ cột này, các thành viên mới đang muốn tham gia BRICS chủ yếu là để tiếp cận dễ dàng hơn với Bắc Kinh, khiến các quan điểm của BRICS sẽ xoay quanh Trung Quốc nhiều hơn và có khả năng ít ôn hòa hơn.
Về lý thuyết, mỗi thành viên BRICS có quyền phủ quyết đối với các quyết định của khối. Nhưng trên thực tế, sự bất đối xứng sâu sắc giữa Trung Quốc và phần còn lại đang hiện rõ. GDP của Bắc Kinh lớn hơn tất cả các thành viên khác cộng lại đã tạo ra các hệ thống phân cấp không chính thức.
Khó cản Trung Quốc đạt bước tiến mới
Bất chấp điều đó, Hội nghị thượng đỉnh của BRICS mới đây ở Nam Phi đã chứng kiến BRICS kết nạp 6 thành viên mới, gồm Saudi Arabia, Iran, Argentina, Ethiopia, UAE và Ai Cập – một danh sách làm nổi bật vai trò hạt nhân của Trung Quốc trong khối.
Iran, quốc gia sở hữu khoảng 1/4 trữ lượng dầu lửa ở khu vực Trung Đông, từ lâu đã là đối tác nhiệt tình nhất của Trung Quốc ở khu vực. Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu lửa hàng đầu thế giới, cũng bắt đầu xích lại gần Bắc Kinh sau các căng thẳng với Mỹ- đồng minh lâu năm của mình. Không chỉ đồng ý nối lại quan hệ với địch thủ Iran dưới sự trung gian của Trung Quốc, Riyadh còn tích cực tham gia vào sáng kiến “Những người bạn của BRICS” ở Cape Town hồi tháng 6/2023.
Bên cạnh đó, UAE, Argentina hay Ethiopia đều là các nền kinh tế phát triển nhanh ở khu vực Trung Đông, Mỹ Latin hay Châu Phi. Có một điểm chung: liên kết thương mại của họ với Trung Quốc vượt trội so với các trụ cột còn lại như Brazil hay Ấn Độ. Năm 2017, ước tính GDP của Trung Quốc chiếm tới 66% của cả khối BRICS, trong đó Ấn Độ chiếm 14%, Brazil 12%, Nga 8,7% và Nam Phi 1,8%.
Với các mảng ghép mới xoay quanh mình, Trung Quốc có đòn bẩy lớn trong việc định hình BRICS đi theo các mục tiêu chiến lược của mình – trước mắt là thúc đẩy một đồng tiền chung nội khối để thách thức sự thống trị của USD, nhiều khả năng sẽ là NDT như các chuyên gia dự báo.
Tham vọng đó có thể phần nào được hé lộ với vai trò của Saudi Arabia và Iran, khi BRICS hướng đến mục tiêu đưa đồng tiền mới để giao dịch dầu mỏ và dần xóa bỏ vị thế của “petrodollar”. Vốn đã chiếm tới 16% dòng thương mại thế giới, các thành viên mới của BRICS được cho không khác nào giúp khối này như “hổ mọc thêm cánh”, giúp Trung Quốc có thêm nguồn lực đối phó với Mỹ và phương Tây.
Kỳ vọng là vậy nhưng trên thực tế BRICS vẫn còn nhiều rào cản phải vượt qua. Trước hết, lộ trình thay thế đồng USD của nhóm này vẫn còn khá mơ hồ khi có nhiều mâu thuẫn trong nội bộ các trụ cột. Ngoài ra, nền kinh tế của đầu tàu Trung Quốc đang bất ổn khiến cho các cam kết tài chính khổng lồ bị giới chuyên gia nghi ngờ.
>> Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ VII): Dòng vốn đầu tư nước ngoài "tháo chạy"
Dù sao đi nữa, những mảnh ghép mới của BRICS đã cho thấy Trung Quốc đã tiến thêm một bước để trở thành đầu tàu của liên minh các nền kinh tế mới nổi, đồng thời đặt ra lo ngại lớn cho Mỹ và phương Tây.
Có thể bạn quan tâm
Khó khăn bủa vây, Trung Quốc có làm nên chuyện ở BRICS?
03:30, 23/08/2023
Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ IX): Thất nghiệp giới trẻ tăng vọt, điều gì đang xảy ra?
03:20, 20/08/2023
Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ VII): Dòng vốn đầu tư nước ngoài "tháo chạy"
04:00, 19/08/2023
Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ IV): Hé lộ lý do "cỗ xe" kinh tế bị trục trặc
03:15, 18/08/2023