Vì sao Mỹ tăng cường chính sách tiếp cận với Đông Nam Á?
Giới quan sát cho rằng Mỹ cần nâng cao vị thế ở Đông Nam Á trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực này.
>> Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (kỳ II): Tác động đến ASEAN
Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia thuộc Trung tâm Châu Á về quan hệ Mỹ-Trung và Trung tâm Trung Quốc thế kỷ 21 của Đại học California ở San Diego, các chuyên gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của Đông Nam Á đối với lợi ích của Mỹ trong sự cạnh tranh của nước này với Trung Quốc.
Với tiêu đề “Ưu tiên Đông Nam Á trong quan hệ Mỹ-Trung”, báo cáo ghi nhận việc khu vực này không sẵn lòng chọn bên nào trong cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc. Điều này có thể hiểu được: Trung Quốc là một siêu cường và khu vực được hưởng lợi từ việc hợp tác kinh tế với Bắc Kinh, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại và phát triển cơ sở hạ tầng.
Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị, Mỹ không nên nhìn khu vực này chỉ qua lăng kính cạnh tranh với Trung Quốc mà nên nhìn vào giá trị đạt được từ mối quan hệ với khối. Cụ thể, Washington nên tăng cường ngoại giao với ASEAN và thực hiện các chuyến thăm cấp cao tới các quốc gia trong khu vực này.
Bên cạnh đó, Washington cần xây dựng các chương trình nghị sự với khối, bên cạnh việc củng cố các mối quan hệ song phương. Mỹ cũng nên chú trọng tăng cường ngoại giao công chúng ở Đông Nam Á vì những đóng góp của Mỹ trong các lĩnh vực như giáo dục, văn hóa và kinh tế vẫn chưa được công bố rộng rãi trong khu vực.
Ví dụ, báo cáo nêu rõ, đầu tư của Mỹ vào Đông Nam Á vượt xa Trung Quốc, nhưng không nhiều người dân trong khu vực biết về điều này. Ở Singapore, không nhiều người biết rằng các khoản đầu tư của Mỹ cung cấp “hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn” việc làm cho người Singapore, như Thủ tướng Lý Hiển Long đã nói vào năm 2017 trong chuyến công du đến Mỹ.
>>ASEAN - "điểm sáng" hiếm hoi của thế giới năm 2023
Đồng thời báo cáo này cũng nhấn mạnh, Mỹ cũng nên xem xét củng cố hợp tác kinh tế và thương mại bằng cách tiến hành đàm phán một hiệp định thương mại tự do Mỹ-ASEAN với khả năng tiếp cận đáng kể vào thị trường Mỹ. Đây đều là những đề xuất hợp lý nhằm nâng cao vị thế và ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Nam Á, giúp duy trì sự cân bằng ảnh hưởng của các cường quốc trong khu vực.
Đánh giá về các khuyến nghị được nêu, ông Daljit Singh, thành viên cấp cao tại Chương trình nghiên cứu chính trị và chiến lược khu vực thuộc Viện Yusof Ishak đánh giá, việc củng cố sự tham gia và ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Nam Á là một yếu tố cần thiết. Nếu thực hiện thành công, điều này sẽ giúp ASEAN cân bằng được tầm ảnh hưởng và quyền lực của các cường quốc để có tiếng nói tốt hơn trong các vấn đề toàn cầu.
Chuyên gia này cũng chỉ ra, Mỹ cần tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với khu vực có tầm quan trọng cốt yếu, vì tầm ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong khu vực đang trở nên sâu rộng. Washington nhận thức được điều này và đã khởi xướng Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng chỉ điều này thôi là chưa đủ vì nó không mang lại nhiều khả năng tiếp cận hơn vào thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, một thỏa thuận mang lại nhiều quyền tiếp cận hơn sẽ khó thực hiện do tâm lý trong nước ở Mỹ chống lại tự do hóa thương mại và thái độ diều hâu của một số Nghị sĩ trong Quốc hội. Nhưng theo chính quyền Biden, Phòng Thương mại Hoa Kỳ, Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-ASEAN và các tổ chức tư vấn ở Washington, cùng với các nhà ngoại giao ASEAN cùng nhau thúc đẩy thương mại tăng trưởng hơn nữa.
Mặc dù vậy, một số ý kiến cho rằng, với vai trò là một cường quốc chủ chốt trên toàn cầu và các cuộc khủng hoảng ở những khu vực khác đòi hỏi sự quan tâm khẩn cấp có thể làm giảm sự chú ý dành cho Đông Nam Á. Bên cạnh đó, việc duy trì mối quan hệ với các đồng minh quân sự chủ chốt của Mỹ cũng sẽ nhận được nhiều ưu tiên hơn, khiến cho việc phân bổ nguồn lực cho ASEAN sẽ không được chú trọng.
Theo các nhà nghiên cứu quốc tế, rất khó khăn để thuyết phục các thành viên Quốc hội Mỹ rằng thái độ trung lập của ASEAN và các quốc gia thành viên riêng lẻ không nhất thiết là đang đi ngược lại lợi ích của Mỹ. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy việc Mỹ cần phải hỗ trợ các nước trong khu vực trở nên mạnh mẽ và quyết tâm duy trì quyền tự chủ chiến lược của mình.
ASEAN có vai trò quan trọng trong việc gắn kết khu vực nhưng khối này cần thực hiện vai trò chủ động hơn nữa trong việc góp phần xây dựng một trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Và điều này có thể được thúc đẩy thông qua việc Mỹ tăng cường can dự trong khu vực.
Có thể bạn quan tâm