Nhiều startup bất ngờ "đổ bộ" vào khai thác khoáng sản

CẨM ANH 28/08/2023 03:30

Các startup công nghệ Mỹ đang tận dụng lợi thế của trí tuệ nhân tạo (AI) để dành ưu thế trong lĩnh vực khai thác khoáng sản.

>>“Cuộc chiến nảy lửa” đất hiếm (Kỳ III): Giành giật trên Mặt Trăng- hậu quả khôn lường

Startup KoBold sử dụng trí thông minh nhân tạo để phân tích dữ liệu nhằm xác định chính xác vị trí cần khoan

KoBold sử dụng trí thông minh nhân tạo để phân tích dữ liệu nhằm xác định chính xác vị trí cần khoan để khai thác khoáng sản.

KoBold Metals- một công ty khởi nghiệp của Mỹ đang phát triển chương trình AI để xác định chính xác vị trí các mỏ khoáng sản quan trọng. Điều này đang thu hút đầu tư từ nhiều nhà đầu tư và các quỹ mạo hiểm lớn.

KoBold Metals đã cùng Đại học Stanford đồng phát triển các chương trình AI để xử lý dữ liệu địa chất được thu thập từ khắp nơi trên thế giới để xác định vị trí các mỏ khoáng sản quý hiếm. Chương trình này có khả năng xác định chính xác các mỏ niken, coban và các khoáng chất quan trọng khác với độ chính xác cao gấp 10 lần các phương pháp thăm dò thông thường.

Khi xe điện trở thành xu hướng phổ biến, nhu cầu về niken, coban và các khoáng chất khác được sử dụng trong pin xe điện ngày càng tăng. Việc phát triển các phương pháp thăm dò hiệu quả hơn có thể giúp đa dạng hóa chuỗi cung ứng khi các nước đang tìm cách bảo đảm nguồn cung khoáng sản.

Trước khi tiến hành khoan dò, một công ty khai thác mỏ sẽ tiến hành hàng chục hoặc hàng trăm cuộc thăm dò thử nghiệm để lấy mẫu. Các mẫu được kiểm tra độ nhớt, từ tính và các đặc tính khác.

Theo phương pháp truyền thống, các công ty này cần phải dựa vào dữ liệu địa chất công cộng cũng như những đánh giá của các chuyên gia để xác định vị trí cho các cuộc khoan dò thử nghiệm. Do dữ liệu hạn chế, hầu hết các cuộc khoan thử nghiệm đều không thu được khoáng chất, gây tốn kém thời gian và tiền bạc.

Nhưng với KoBold, những dữ liệu nghiên cứu, cùng với cấu trúc đứt gãy và độ cao của địa điểm được tiến hành thăm dò sẽ được đưa vào nền tảng của startup này. Những dữ liệu này được so sánh với các mẫu trước đây và AI sẽ xác định khả năng khu vực đó có chứa các khoáng chất quan trọng khác hay không, từ đó đưa ra những đánh giá để tiến hành các hoạt động tiếp theo.

>>"Cuộc chiến nảy lửa" đất hiếm (Kỳ IV): Cuộc chạy đua của các liên minh khoáng sản

Các doanh nghiệp khởi nghiệp đang đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ mới nhằm hỗ trợ việc khai thác khoáng sản hiếm

Các doanh nghiệp khởi nghiệp đang đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ mới nhằm hỗ trợ việc khai thác khoáng sản hiếm

Mặc dù KoBold hiện chỉ có dữ liệu cho một số khu vực nhất định, nhưng công ty khởi nghiệp này có kế hoạch sử dụng số vốn huy động được để thu thập thêm dữ liệu địa chất và mở rộng phạm vi nền tảng sang nhiều khu vực càng sớm càng tốt.

Trước mắt, công ty khai thác mỏ Rio Tinto của Anh đã bắt đầu hợp tác với KoBold để thực hiện các hoạt động khai thác thăm dò tại các mỏ ở Zambia và Canada. Mitsubishi cũng đang xem xét sử dụng nền tảng của KoBold cho các dự án khai thác mỏ trong tương lai.

Có thể thấy, các quốc gia trên toàn cầu đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các khoáng sản quan trọng. Nắm được điều này, các chính phủ, quỹ đầu tư mạo hiểm và thậm chí là nhiều doanh nghiệp lớn đang đầu tư vào các công ty khởi nghiệp sinh hóa, robot và AI để tập trung vào việc tìm kiếm và khai thác các khoáng sản quý hiếm.

Một công nghệ do Đại học West Virginia phát triển nhằm mục đích chiết xuất và tách các nguyên tố đất hiếm và khoáng chất quan trọng khỏi nước thải mỏ axit và chất thải than sẽ nhận được 8 triệu USD tài trợ từ Bộ Năng lượng Mỹ.

Khoản tài trợ này sẽ được dùng cho việc thiết kế, xây dựng và vận hành một nhà máy chuyên xử lý đất hiếm để giải quyết các vấn đề môi trường, đồng thời tạo ra việc làm cho người dân khu vực ở Tây Virginia bị ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi năng lượng Mỹ.

Bộ trưởng Mỏ Ấn Độ Vivek Bharadwaj nhận định, có rất nhiều cơ hội kinh doanh cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, đặc biệt là những khoáng sản quan trọng. Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự đoán trong 5 năm tới, nhu cầu về lithium sẽ tăng gấp ba lần so với năm 2022. Nhu cầu về niken và coban dự kiến sẽ tăng 40% đến 70% trong cùng khoảng thời gian.

"Lĩnh vực này phải đối mặt với một số thách thức về công nghệ và các công ty khởi nghiệp có thể tận dụng những vấn đề này như một cơ hội kinh doanh tiềm năng", ông Bharadwaj nói.

Đồng quan điểm, ông Edith Lowell, Chủ tịch Khoa Kỹ thuật Địa chất và Khai thác mỏ thuộc Đại học Arizona, Mỹ cho rằng, việc các doanh nghiệp khởi nghiệp tận dụng các công nghệ mới như AI trong việc khai thác khoáng sản đã giúp các công ty khai thác dễ dàng xác định vị trí mỏ tốt hơn.

"Các thiết bị tự vận hành, chẳng hạn như xe tải tự lái được trang bị để di chuyển trong các đường hầm hẹp một cách dễ dàng. Các hệ thống khoan được vận hành bởi AI đã góp phần đơn giản hóa quy trình, từ đó giảm thiểu chi phí, giảm tác động đến môi trường và cải thiện độ an toàn và độ tin cậy", ông Edith Lowell nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • "Cuộc chiến nảy lửa" đất hiếm (Kỳ V): Ám ảnh quá khứ đau buồn

    04:30, 27/08/2023

  • "Cuộc chiến nảy lửa" đất hiếm (Kỳ IV): Cuộc chạy đua của các liên minh khoáng sản

    07:00, 26/08/2023

  • “Cuộc chiến nảy lửa” đất hiếm (Kỳ III): Giành giật trên Mặt Trăng- hậu quả khôn lường

    “Cuộc chiến nảy lửa” đất hiếm (Kỳ III): Giành giật trên Mặt Trăng- hậu quả khôn lường

    04:00, 25/08/2023

  • “Cuộc chiến nảy lửa” đất hiếm (Kỳ II): Cuộc tranh giành Mỹ - Trung

    “Cuộc chiến nảy lửa” đất hiếm (Kỳ II): Cuộc tranh giành Mỹ - Trung

    04:30, 24/08/2023

  • “Cuộc chiến nảy lửa” đất hiếm (Kỳ I): Ai đang dẫn đầu cuộc chơi?

    “Cuộc chiến nảy lửa” đất hiếm (Kỳ I): Ai đang dẫn đầu cuộc chơi?

    04:00, 23/08/2023

CẨM ANH