Ngành du lịch Châu Âu “phát sốt” vì nắng nóng
Theo dự báo của các chuyên gia, thời tiết khắc nghiệt sẽ ngày càng ảnh hưởng đến quyết định của du khách tới châu Âu.
Nhiệt độ cao "thiêu đốt" du lịch Địa Trung Hải
Không quá khi nói rằng biến đổi khí hậu đang tàn phá các quốc gia Châu Âu. Bologna hay Tuscany, những điểm du lịch nổi tiếng của Italy, đang hứng chịu các đợt nắng nóng khủng khiếp. Trong tháng 7, nhiệt độ cao nhất ở nước này có nơi lên tới 47 độ C, khiến nhiều du khách ngất xỉu và chính quyền phải đưa ra mức báo động đỏ về sức khỏe.
>>“Cuộc chiến nảy lửa” đất hiếm (Kỳ III): Giành giật trên Mặt Trăng- hậu quả khôn lường
Tại Hy Lạp, hình ảnh những du khách vội vã sơ tán do cháy rừng ở Đảo Rhodes hay Corfu hẳn sẽ là những ký ức khó phai. Lũ lụt nặng nề cũng đã tràn ngập miền Nam các nước Áo, Croatia và Slovenia, trong khi nắng nóng thiêu đốt ở Tenerife (Tây Ban Nha) khiến hàng ngàn người phải rời bỏ nhà cửa.
Tác động không chỉ dừng ở sức khỏe. Ngành du lịch của các quốc gia ven biển Địa Trung Hải đang đứng trước nguy cơ bị rơi vào quên lãng nếu nắng nóng kỷ lục trở thành một “bình thường mới”, theo các chuyên gia.
Ông Harald Zeiss, một chuyên gia về du lịch bền vững tại Đại học Khoa học Ứng dụng Harz, cho rằng thời tiết châu Âu sẽ trở nên nóng hơn và khô hơn, đồng thời các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt sẽ phổ biến hơn trong tương lai. Điều đó cũng có nghĩa sinh kế của những người sống dựa vào thu nhập và việc làm từ du lịch xung quanh đây sẽ bị đe dọa.
Hiện tại, Châu Âu vẫn là khu vực được ghé thăm nhiều nhất trên hành tinh, với khoảng 585 triệu du khách đến vào năm 2022 (trong tổng số 900 triệu du khách quốc tế trên thế giới). Đó là chưa kể tới những người đi nghỉ trong nước.
Thế nhưng, các quốc gia này đang “phát sốt” trước xu hướng rời bỏ những địa điểm nghỉ dưỡng quen thuộc trước thời tiết ngày càng khó lường. Theo dữ liệu mới từ Ủy ban Du lịch Châu Âu (ETC), mức độ phổ biến của các điểm đến nghỉ dưỡng ở Địa Trung Hải đã giảm 10% so với năm ngoái.
Đại diện của Paper Ink & Passports Travel, một công ty du lịch hạng sang, cho biết: “Tôi đang khuyên khách hàng của mình điều chỉnh hành trình và tận dụng giấc ngủ trưa sau bữa trưa…Đi bộ dưới cái nóng giữa trưa và xếp hàng chờ đợi thực sự có thể khiến một số người bị tổn thương.”
Ông Zeiss dự đoán kỳ nghỉ gia đình trên các bãi biển của bờ Địa Trung Hải sẽ không còn “an toàn” đối với người già và hay trẻ em. 8% số người tham gia khảo sát của ETC cho biết mối quan tâm hàng đầu của họ là điều kiện thời tiết khắc nghiệt có thể xảy ra ở các địa điểm du lịch.
Điều đáng nói, ngành công nghiệp không khói lại là trụ cột kinh tế của châu Âu nói chung và các quốc gia ven biển Địa Trung Hải nói riêng, như Hy Lạp (18,5% GDP), Tây Ban Nha (13,6%) và Italy (10%). Du lịch trực tiếp tạo ra 5% GDP cho kinh tế EU, và gián tiếp là hơn 10% theo các ước tính không chính thức. Thậm chí, ngành này còn chiếm tới 26% GDP của Croatia.
Xu hướng chuyển dịch chưa bền vững
Điều kiện thời tiết oi bức trên khắp miền Nam châu Âu đang đẩy nhanh xu hướng tìm tới những nơi ôn hòa hơn hoặc du lịch trái mùa. Các quốc gia phía Bắc, đặc biệt là Biển Baltic, Đức, Đông Âu và khu vực Scandinavia, đã chứng kiến nhu cầu tăng lên trong giai đoạn cao điểm mùa hè vừa qua.
Theo dữ liệu của ETC, các điểm nghỉ dưỡng ở Cộng hòa Séc, Bulgaria, Ireland và Đan Mạch có mức độ phổ biến tăng đột biến trong năm nay. Estonia, với nhiệt độ trung bình mùa hè quanh mức 20 độ C, cũng đang thực hiện các chiến dịch tiếp thị nhằm lôi kéo du khách.
Thế nhưng, các lựa chọn thay thế này khó có thể thành công khi thiếu yếu tố quan trọng nhất – những bãi biển ấm áp và ngành dịch vụ du lịch hoàn thiện của Nam Âu.
Các chuyên gia nhận định, kể cả ở các nước phát triển như Đức hay Đan Mạch cũng không thể thay thế các khu nghỉ dưỡng phía Nam vì chúng không được trang bị cho du lịch đại chúng. Ngoài ra, chính quyền địa phương và người dân nơi đây cũng không hào hứng với việc chào đón lượng lớn du khách - vốn tiềm ẩn mất cân bằng sinh thái và sự ổn định của cư dân địa phương.
Trong khi thiếu các lựa chọn tương tự ở Châu Á, Địa Trung Hải vẫn duy trì được sức hấp dẫn riêng bất chấp thời tiết ngày càng khắc nghiệt.
>>Khó khăn bủa vây, Trung Quốc có làm nên chuyện ở BRICS?
Theo Demoskopika, một công ty nghiên cứu thị trường, 68 triệu người sẽ đi nghỉ ở Italy vào mùa hè này, trong đó khoảng một nửa đến từ nước ngoài. Lượng khách tới đây có thể vượt qua kỷ lục vào năm 2019, khi có 743 triệu du khách đến châu Âu từ các quốc gia khác.
Vấn đề ở chỗ, biến đổi khí hậu chỉ đang ngày càng tệ đi ở châu Âu và toàn thế giới. Một khi ngưỡng nhiệt trở nên quá sức chịu đựng cho con người, đó sẽ là một cú sốc lớn đối với toàn bộ ngành du lịch châu Âu.
Có thể bạn quan tâm
Suy thoái cận kề, Đức "ra tay" vực dậy nền kinh tế
04:00, 28/08/2023
Kinh tế Đức đang đi vào "vết xe đổ" của hơn 20 năm trước?
04:00, 21/08/2023
Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ XV): "Bài kiểm tra" tham vọng hùng cường
04:00, 27/08/2023
Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ XIV): Những tác động khó lường đến thế giới
05:00, 24/08/2023