Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Liệu có hay không một "cú sốc" tiếp theo với kinh tế thế giới khi nền kinh tế Trung Quốc chính thức rơi vào giảm phát?
>>Trở lực kinh tế Trung Quốc
Nền kinh tế Trung Quốc ngày nay là cấu phần cực kỳ quan trọng trong kinh tế toàn cầu nên nhất cử nhất động đều tác động trực tiếp đến phần còn lại. Lần này, giảm phát tại Trung Quốc đã làm giảm kỳ vọng phục hồi tại các khu vực trọng điểm.
Tỷ trọng của Trung Quốc trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn cầu đã tăng trong suốt đại dịch, lên 15% cho đến cuối năm 2021, từ 13% năm 2019, theo số liệu của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD). Trong khi tỷ trọng của Mỹ, Đức, Nhật Bản đều đi xuống.
Trung Quốc đã đóng góp 40% vào tốc độ tăng trưởng toàn cầu trong 10 năm qua, là thị trường sản xuất kinh doanh và tiêu thụ thuận lợi nhất với các tập đoàn đa quốc gia lẫn các nhà buôn nhỏ lẻ.
Khi Trung Quốc giảm sản xuất, lập tức thị trường quốc tế sẽ khan hiếm hàng hóa. Theo lý thuyết, quá trình này góp phần khiến lạm phát khó “điều trị” hơn. Ngược lại, sản xuất tại các nơi khác như châu Âu cũng bị đình trệ do không bán được hàng sang châu Á.
Nhu cầu suy giảm ở Trung Quốc đồng nghĩa với hàng tồn kho ở Mỹ tăng lên, làm thu hẹp lợi nhuận, cũng như hoạt động kinh doanh yếu hơn ở các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu như các quốc gia Đông Nam Á.
Nhưng tác động với kinh tế Mỹ là không lớn do chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ chủ yếu chịu ảnh hưởng bởi giá nhà ở, thực phẩm, năng lượng, chăm sóc sức khỏe và thường không phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Một diễn biến quan trọng là Mexico và Canada soán ngôi Trung Quốc trở thành hai nhà xuất khẩu hàng hóa lớn nhất vào thị trường Mỹ với tổng khối lượng thương mại song phương giữa Mỹ và Mexico đạt 263 tỷ USD tính đến tháng 4/2023.
Trong một khía cạnh khác, thay vì hỗ trợ tiêu dùng, cung cấp tiền mặt cho người dân, Trung Quốc lại thực hiện chính sách trợ giá và liên tục giảm lãi suất. Vì thế, các chuyên gia dự báo hàng Trung Quốc giá rẻ sẽ tràn ngập thế giới khi nền kinh tế nước này phục hồi trở lại. Tuy nhiên, điều này có nguy cơ làm cho "núi nợ" của Trung Quốc ngày càng "phình to". Đây cũng là điều mà Trung Quốc đang cân nhắc để tiếp tục tung ra các biện pháp kích thích kinh tế.
Tuy vậy, điều thú vị là châu Âu đang hưởng lợi do Trung Quốc không còn cạnh tranh gay gắt trên thị trường khí hóa lỏng (LNG). Nhờ đó, kho khí đốt dự trữ tại “lục địa già” lấp đầy trên 90%, giúp khu vực đồng tiền chung châu Âu giảm lạm phát xuống 5,5% tính đến hết tháng 7.
Những ảnh hưởng nói trên là chưa hoàn toàn rõ ràng do tình trạng đứt đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu kể từ đại dịch COVID-19. Hơn nữa, sự tách rời ngày càng lớn giữa hai nền kinh tế Trung - Mỹ làm xuất hiện những chính sách kinh tế vĩ mô hoàn toàn trái ngược nhau.
Có thể bạn quan tâm
Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ VIII): “Núi nợ” bủa vây nền kinh tế
05:10, 19/08/2023
Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ IX): Thất nghiệp giới trẻ tăng vọt, điều gì đang xảy ra?
03:20, 20/08/2023
Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ X): Hệ lụy đầu tiên của giảm phát
05:00, 20/08/2023
Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ XI): Mô hình tăng trưởng đã tới hạn
04:30, 21/08/2023
Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ XII): “Bong bóng” bất động sản có nguy cơ phát nổ?
12:00, 21/08/2023