ASEAN - BAC 2023: Dòng vốn đầu tư tiếp tục chảy mạnh vào ASEAN
Trong bối cảnh thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, ASEAN được kỳ vọng sẽ là "tia sáng trong đêm đen". Điều này sẽ thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào ASEAN.
>>ASEAN-BAC 2023: Hiện thực hóa tầm nhìn hội nhập kinh tế ASEAN
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Đầu tư ASEAN 2023, Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC) Arsjad Rasjid nhấn mạnh: “Chúng ta không thể đứng một mình; ASEAN phải nhận thức được những tiềm năng đầu tư mà mình sở hữu để củng cố hơn nữa vị thế là thiên đường đầu tư toàn cầu”.
Tiềm năng và cơ hội trong khu vực đã khiến ASEAN trở thành điểm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn, mang lại sự tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây. Năm 2010, FDI vào Đông Nam Á đạt xấp xỉ 23 tỷ USD, con số này tăng vọt lên 47 tỷ USD vào năm 2021.
Theo ông Arsjad, những lĩnh vực thu hút đầu tư đầy hứa hẹn ở Đông Nam Á hiện nay là nông nghiệp và thực phẩm, kinh tế kỹ thuật số, chăm sóc sức khỏe, xe điện và hệ thống thanh toán khu vực. “Ngoài tiềm năng đầu tư, Đông Nam Á còn tự hào có nguồn năng lượng tái tạo đáng kể để đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu”, Chủ tích ASEAN - BAC nói thêm.
Trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số, ASEAN đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể, với giá trị nền kinh tế kỹ thuật số ASEAN đạt 194 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ tăng lên 330 tỷ USD vào năm 2025. Với tiềm năng đầu tư hiện có, ASEAN sở hữu nền tảng kinh tế vững chắc để phát triển bền vững.
Ông khẳng định: “Chúng tôi đang thuyết phục các nhà lãnh đạo và doanh nhân xem xét nghiêm túc đến việc tăng cường đầu tư vào ASEAN vì nền tảng kinh tế vững chắc của khối. Diễn đàn Đầu tư ASEAN 2023 có thể đóng vai trò là chất xúc tác nhằm nâng cao hơn nữa vị thế của ASEAN như một thiên đường đầu tư toàn cầu”.
So với bức tranh chung của kinh tế toàn cầu, ASEAN tiếp tục là điểm sáng với dự báo tăng trưởng khả quan trong năm 2023 ở mức 4,7%. ASEAN duy trì được động lực tăng trưởng với tín hiệu tích cực trong tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và phục hồi trong ngành dịch vụ.
>>ASEAN-BAC 2023: Khai mở không gian hợp tác mới trong hội nhập kinh tế ASEAN
Theo Bộ trưởng Bộ Đầu tư Indonesia, Trưởng Ban Điều phối Đầu tư (BKPM) Bahlil Lahadalia nhấn mạnh, mục tiêu thu hút đầu tư không chỉ là vấn đề con số mà còn là góp phần vào việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững. Ông Bahlil cho biết “Mặc dù dòng đầu tư vào ASEAN rất lớn nhưng mục tiêu của chúng tôi không chỉ là tăng giá trị đầu tư. Quan trọng nhất là những khoản đầu tư này phải có khả năng hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) trong khu vực”.
Theo Bộ trưởng Đầu tư Indonesia, việc đầu tư có thể thành công nếu người dân trong nước cảm nhận được những tác động tích cực của dòng vốn đầu tư. “Theo quan điểm của tôi, ở bất kỳ quốc gia nào, đầu tư đều có thể tạo ra những tác động tích cực mang tính hệ thống nếu người dân có thể trải nghiệm những tác động tích cực do nó mang lại”, Bộ trưởng Đầu tư Indonesia nhấn mạnh.
Hiện nay, thế giới hiện đang chứng kiến những bất ổn do căng thẳng địa chính trị gia tăng do chiến sự Nga - Ukraine, nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại và biến đổi khí hậu đang diễn ra trên khắp các khu vực. "Chúng ta không biết khi nào chiến sự Nga - Ukraine sẽ kết thúc. Tuy nhiên, giữa những khó khăn đó, ASEAN sẽ là tia sáng giữa bóng tối”, Bộ trưởng Đầu tư Indonesia nhận xét.
Trong thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm của các nước ASEAN đạt 3,98%, cao hơn mức tăng trưởng kinh tế trung bình toàn cầu là 2,6%. Vào năm 2022, tổng GDP của ASEAN đạt 3,9 nghìn tỷ USD, tăng gấp 5 lần trong 20 năm qua, và một trong những chìa khóa cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của ASEAN là đầu tư.
Mặc dù đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu đã giảm 12% vào năm 2022, nhưng Bộ trưởng Bahlil lưu ý rằng, nguồn vốn FDI vào ASEAN thực tế đã tăng 5%, đạt 224,2 tỷ USD. Các nhà đầu tư cũng quan tâm đến tiềm năng của ASEAN với tư cách là một thị trường thống nhất, vì khối 10 thành viên này có tổng dân số hơn 600 triệu người và thu nhập ngày càng tăng.
Nhà phân tích cấp cao Syetarn Hansakul của Economist Intelligence Unit (EIU) cho biết: “Dòng vốn FDI vào Trung Quốc và FDI từ chính Trung Quốc đang tìm kiếm một địa điểm mới để đa dạng hóa rủi ro và cùng với Ấn Độ, ASEAN là một trong những điểm đến ưa thích”. Tuy nhiên, ASEAN có lợi thế hơn Ấn Độ do hội nhập thương mại khu vực thông qua các hiệp định như Khu vực Thương mại Tự do ASEAN và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, ASEAN dự kiến sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ xu hướng đa dạng hóa. Dù khu vực này không thể thay thế hoàn toàn năng lực của Trung Quốc trong trung hạn, nhưng các chuyên gia vẫn lạc quan rằng dòng vốn FDI vào ASEAN sẽ vượt qua Trung Quốc vào năm 2025.
Có thể bạn quan tâm
ASEAN-BAC 2023: Khai mở không gian hợp tác mới trong hội nhập kinh tế ASEAN
20:09, 01/09/2023
ASEAN-BAC 2023: Hiện thực hóa tầm nhìn hội nhập kinh tế ASEAN
14:20, 28/08/2023
VIFA ASEAN 2023: Cơ hội để các doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường
15:38, 18/08/2023
ASEAN: Tâm điểm hòa bình, hợp tác và phát triển
09:00, 08/08/2023