Mỹ và chiến lược dịch chuyển chuỗi cung ứng (Kỳ III): Cuộc “so găng” trong ngành bán dẫn
Nỗ lực tách rời hoặc giảm bớt mối quan hệ kinh tế, công nghệ giữa Mỹ, phương Tây với Trung Quốc đang ngày càng căng thẳng, có thể dẫn tới việc đình hình lại nền kinh tế toàn cầu.
Nỗ lực tách rời hoặc giảm bớt mối quan hệ kinh tế và công nghệ giữa Mỹ và phương Tây với Trung Quốc không dễ dàng, đặc biệt là xét đến ảnh hưởng của Bắc Kinh trên chuỗi cung ứng toàn cầu. Cường quốc này là nhà sản xuất hàng đầu, nhất là hàng hóa công nghệ cao, chiếm 15% thương mại thế giới, và là đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của hầu hết các quốc gia trên hành tinh.
Mỹ và phương Tây ra tay
Lệnh cấm chip tiên tiến của phương Tây đối với một số thực thể Trung Quốc diễn ra song song với những nỗ lực tái cấu trúc lại nguồn cung cấp chất bán dẫn đáng tin cậy và giảm sự phụ thuộc vào đối thủ.
>>Mỹ và chiến lược dịch chuyển chuỗi cung ứng (Kỳ II): Lộ diện rổ hàng hóa thuộc diện ưu tiên
Vào tháng 8/2022, Tổng thống Joe Biden đã ký thành luật Đạo luật CHIPS và Khoa học năm 2022 (CHIPS+), được Quốc hội thông qua sau hai năm thảo luận. Luật này sẽ cung cấp 52 tỷ USD trợ cấp cho việc thiết kế và sản xuất chip máy tính ở Mỹ để khuyến khích đầu tư vào sản xuất chip trong nước, cũng như khoảng 200 tỷ USD để hỗ trợ các hoạt động khoa học và phát triển nhằm thúc đẩy đổi mới. Ngoài ra, các công ty nhận được sự hỗ trợ về chip của Mỹ sẽ bị cấm mở rộng sản xuất ở Trung Quốc ngoài “chất bán dẫn cũ” (tức là chip 25nm trở lên) trong 10 năm.
Để “đáp lại” những ưu đãi của Washington, một số tập đoàn toàn cầu đã công bố kế hoạch đầu tư vào các nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Hoa Kỳ, bao gồm TSMC (35 tỷ USD trong hoạt động sản xuất tấm wafer hiện đại ở Arizona), Samsung (17 tỷ USD ở Texas), Intel (29 tỷ USD ở Ohio), Texas Instruments (30 tỷ USD ở Texas), Micron Technologies (40 tỷ USD) hay Qualcomm (4,2 tỷ USD). Khi được triển khai, các nhà máy này sẽ bổ sung đáng kể năng lực sản xuất chất bán dẫn của Hoa Kỳ và giảm nhu cầu nhập khẩu vào Bắc Kinh.
Một sáng kiến nổi bật khác là đề xuất Liên minh Chip 4 với Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan nhằm hợp tác chặt chẽ hơn trong tất cả các giai đoạn của chuỗi cung ứng chip máy tính.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong khi Nhật Bản và Đài Loan nhiều khả năng sẽ gia nhập liên minh, thì nội bộ của Hàn Quốc vẫn còn nhiều mâu thuẫn về tác động của quyết định này. Đáng nói nhất là sức ép từ Trung Quốc nhằm ngăn cản Seoul tham gia chương trình này.
Sự lo ngại của Trung Quốc là có cơ sở khi Ủy ban Châu Âu cũng đã đề xuất Đạo luật Chip Châu Âu nhằm “ngăn chặn, chuẩn bị, dự đoán và ứng phó với sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong tương lai, đồng thời cho phép tham vọng của EU tăng gấp đôi thị phần sản xuất chất bán dẫn hiện tại lên 20% vào năm 2030”, hay nói cách khác là hạn chế sự phụ thuộc vào Bắc Kinh. Đạo luật này cũng sẽ huy động 43 tỷ euro (42,01 tỷ USD) đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn.
Trước cơ hội màu mỡ này, tập đoàn Intel đã cam kết đầu tư 36 tỷ USD để sản xuất chip ở châu Âu—như một phần trong kế hoạch đầu tư 80 tỷ euro trong thập kỷ tới. Ngoài ra, chính phủ Hà Lan đã có kế hoạch đầu tư 1,1 tỷ euro để xây dựng một công ty hàng đầu mới về công nghệ quang tử, tương tự như ASML có trụ sở tại Eindhoven nổi tiếng về thiết bị in thạch bản EUV để sản xuất chip.
Trung Quốc không ngồi yên
Để đáp lại những dịch chuyển của Mỹ và phương Tây, Trung Quốc đã phải hành động. Từ năm 2018 tới nay, Bắc Kinh đã huy động nguồn tài chính thông qua một số quỹ đầu tư mạo hiểm do nhà nước tài trợ để đầu tư vào các công ty bán dẫn và công ty khởi nghiệp – đi kèm với các gói hỗ trợ hào phóng của chính phủ. Đến 2022, Trung Quốc đã phân bổ hơn 100 tỷ USD để phát triển ngành bán dẫn trong nước nhằm phá vỡ sự phụ thuộc vào phương Tây.
>>Mỹ và chiến lược dịch chuyển chuỗi cung ứng (Kỳ I): Đâu là nguồn cơn?
Gần đây, Trung Quốc đã đầu tư khoảng 26 tỷ USD vào 29 dự án chế tạo tấm bán dẫn trong khi các công ty bán dẫn hiện tại đang tăng cường đầu tư. Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC), nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc, đã nâng mức vốn đầu tư lên 5 tỷ USD trong năm ngoái để mở rộng công suất. Thậm chí công ty này còn tuyên bố đã có thể sản xuất chip 7 nm – điều mà chưa nhà sản xuất Trung Quốc nào làm được.
Những nỗ lực “tự thân vận động” đó đã nâng sản lượng chip của Trung Quốc lên 359,4 tỷ mạch tích hợp (IC) vào năm 2022, tăng 33,3% so với năm 2021 và tăng gấp đôi tốc độ tăng trưởng trong năm 2020.
Tuy nhiên, do Trung Quốc vẫn chưa thể đáp ứng phần lớn nhu cầu nội địa về chip, dẫn tới nhập khẩu đã tăng hơn 30% vào năm 2021. Sự thất vọng về tiến độ chậm chạp của nỗ lực tự cung tự cấp chip phần nào là nguyên nhân dẫn tới một loạt các cuộc điều tra tham nhũng nhắm vào các quan chức trong lĩnh vực chip và các quỹ đầu tư trong năm qua ở Trung Quốc.
Những diễn biến căng thẳng này phản ánh thực tế rằng không chỉ Mỹ và phương Tây phụ thuộc vào Trung Quốc, mà chính Bắc Kinh cũng không thể sống thiếu nguồn chip bán dẫn tiên tiến của đối thủ. Như các chuyên gia dự báo, cuộc so găng ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ thay đổi quy trình toàn cầu hóa và định hình lại toàn bộ nền kinh tế thế giới.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao Mỹ khó ngăn Trung Quốc phát triển sản xuất chất bán dẫn?
03:36, 24/04/2023
Mỹ chặn "yết hầu" công nghệ chất bán dẫn Trung Quốc
04:30, 09/02/2023
Cuộc chiến thu gom thế giới - Bài 1: Sức mạnh chất bán dẫn
06:00, 25/05/2021
Mỹ và phương Tây dựng rào cản ngăn Trung Quốc tự sản xuất chất bán dẫn
10:00, 13/04/2021
“Cơn khát” chất bán dẫn của ngành chip ô tô
03:47, 26/01/2021
Chiến tranh công nghệ Mỹ-Trung: Khởi nguồn từ chất bán dẫn
05:14, 26/09/2020