Xuất khẩu ô tô Trung Quốc "vụt sáng" giữa bức tranh kinh tế ảm đạm
Vào thời điểm tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc đang chững lại và người tiêu dùng trong nước thắt chặt chi tiêu, ngành ô tô nước này lại trở thành một điểm sáng.
Số liệu mới nhất cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm tháng thứ ba liên tiếp, thế nhưng ngành xe hơi của cường quốc kinh tế số 2 thế giới dường như đang “miễn nhiễm” với xu hướng này. Số liệu quý 2 vừa qua cho thấy, doanh số bán xe hơi ra nước ngoài tăng mạnh, đặc biệt là các mẫu xe chạy bằng xăng.
>>"Hé lộ" lý do ông Tập Cận Bình không đến Ấn Độ dự Thượng đỉnh G20
Theo đó, tổng xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc, từ đồ nội thất đến điện tử tiêu dùng, đã giảm 5,5% trong 8 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần lượng xuất khẩu chỉ trong vòng 3 năm, vượt qua Nhật Bản để trở thành nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu ô tô trong năm nay. Xuất khẩu ô tô của Trung Quốc tăng 86% tính đến tháng 7.
Sụt giảm nhu cầu trong nước
Trong giai đoạn vừa qua, có thể nói chiến lược lấy chi tiêu trong nước làm động lực nền kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình đã không được như ý. Tỉ lệ tiết kiệm tăng cao, nhu cầu chi tiêu sụt giảm như một hệ quả của gần 3 năm theo đuổi chính sách nghiêm ngặt “zero Covid”. Tiêu thụ ô tô Trung Quốc lập tức sụt giảm, cũng tương tự như nhu cầu mua mới vật dụng hàng ngày hay bất động sản.
Với các hộ gia đình có khả năng chi trả, họ có xu hướng chọn xe điện thay vì xe xăng. Kết quả là một nguồn cung khổng lồ các mẫu xe chạy bằng xăng mà người tiêu dùng Trung Quốc không ưa chuộng được bán ra nước ngoài.
Theo giới chuyên gia, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang mắc kẹt với công suất dư thừa của xe xăng - khoảng 15 triệu chiếc mỗi năm. Họ đã phản ứng bằng cách bán ra nước ngoài với giá rẻ, khoảng hơn 4 triệu ô tô trong năm nay.
“Tại sao họ lại hướng tới xuất khẩu? Bởi vì họ buộc phải làm thế”, ông Bill Russo, cựu Giám đốc điều hành của Chrysler Trung Quốc, hiện là Giám đốc điều hành của Automobileity, một công ty tư vấn ở Thượng Hải nhấn mạnh.
"Phao cứu sinh" cho Trung Quốc
Thép và thiết bị điện tử dùng trong ô tô ở Trung Quốc rất rẻ là những lợi thế để các nhà sản xuất ô tô ở đây tấn công sang thị trường nước ngoài. Chính quyền địa phương ở Trung Quốc cũng cung cấp cho các công ty đất đai gần như miễn phí, các khoản vay với lãi suất gần như bằng 0 và các khoản trợ cấp khác. Nhờ giá rẻ, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang chiếm thị phần nhiều quốc gia trên thế giới.
Ô tô Trung Quốc đã nhanh chóng thống trị thị trường Nga sau khi Moscow hứng chịu loạt cấm vận của phương Tây liên quan tới chiến sự Nga - Ukraine. Các công ty Trung Quốc cũng đã chiếm được thị phần lớn ở Đông Nam Á, Australia, Nam Mỹ và Mexico. Thậm chí tại Australia, các hãng xe Trung Quốc đã vượt qua đối thủ Hàn Quốc về doanh số bán hàng và đang bắt kịp đối thủ Nhật Bản.
>> Oppo liệu có thể là “chú ngựa ô” trong ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc?
Trong khi doanh số bị kìm hãm ở Mỹ do cuộc chiến thuế quan, ô tô Trung Quốc lại đang chuẩn bị đẩy mạnh sang châu Âu, như các thị trường Anh, Bỉ và Tây Ban Nha - những nơi có các cảng bốc dỡ ô tô quan trọng đóng vai trò là cửa ngõ vào các nước thuộc Liên minh Châu Âu khác.
Châu Âu đã trở thành mục tiêu chính của hầu hết các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc. Họ đang sử dụng những thương hiệu như Volvo và MG, được mua lại nhiều năm trước, để giành được sự chấp nhận rộng rãi hơn ở châu Âu.
Sau nhiều năm đạt được chất lượng và cải tiến công nghệ, ô tô Trung Quốc, cả xe điện và động cơ đốt trong, đang gây chú ý tại các sự kiện trong ngành như Triển lãm ô tô Munich.
Nhu cầu ở nước ngoài đối với các loại xe rẻ tiền chạy bằng xăng của Trung Quốc thậm chí lớn đến mức các nhà sản xuất nước này thiếu thiếu tàu chuyên dụng để vận chuyển thêm hàng. Ông Michael Dunne, cựu Chủ tịch của General Motors Indonesia, cho biết Trung Quốc “đang chế tạo ô tô nhanh hơn nhiều so với việc chế tạo tàu”.
Bài học cho ngành xe hơi Việt
Thành công của Trung Quốc đến từ chiến lược đầu tư bài bản và quy mô suốt nhiều năm cộng với khả năng học hỏi công nghệ phương Tây với tốc độ đáng kinh ngạc. Nhìn lại Việt Nam, mặc dù đã có một số tập đoàn lớn đang đẩy mạnh lĩnh vực sản xuất, lắp ráp xe hơi nhưng theo các chuyên gia, chúng ta vẫn còn thiếu nhiều chính sách phát triển xe điện bài bản cũng như thiếu cập nhật với thực tế.
Để đạt được bước tiến như Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng ít nhất Việt Nam phải có một Chiến lược tổng thể phát triển hệ sinh thái xe ô tô điện. Song song với đó là phải xây dựng được hệ thống chuỗi cung ứng các bộ phận cấu thành, hay đáp ứng được các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật an toàn của thế giới. Chỉ khi có được những nền tảng đó, ngành xe hơi Việt Nam mới có thể kỳ vọng lớn vào tương lai thay vì chỉ dựa vào một số ít "cánh chim đầu đàn".
Có thể bạn quan tâm
Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ XVIII): Trung Quốc sẽ đi vào "vết xe đổ" của Nhật Bản?
04:00, 05/09/2023
Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ XVII): Ứng phó suy giảm kinh tế Trung Quốc
03:30, 04/09/2023
Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ XVI): “Giải mã” hiện tượng chững lại của Trung Quốc
04:30, 03/09/2023
Trung Quốc nỗ lực khôi phục niềm tin vào thị trường bất động sản
03:00, 04/09/2023