Thượng đỉnh Nga - Triều Tiên: Kỷ nguyên mới cho Bình Nhưỡng?
Một trong những hệ quả đằng sau đó là dường như Chủ tịch Kim Jong Un đã từ bỏ khả năng bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
>>Lương thực đang trở thành "chất keo" gắn kết Nga - Trung
Hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều Tiên được nhiều chuyên gia quốc tế theo sát. Theo đó, nỗ lực ngoại giao này được cho là ẩn chứa nhiều hàm ý. Trước hết đó là một vai trò lớn hơn của Triều Tiên trên cán cân quyền lực thế giới.
Thắt chặt hợp tác quân sự với Nga
Đã từ lâu nay, Bình Nhưỡng phụ thuộc rất lớn vào quan hệ mọi mặt với Trung Quốc. Bắc Kinh cung cấp cho nước láng giềng nhiều nguồn lực để ông Kim Jong Un có thể vừa duy trì nền kinh tế, vừa thúc đẩy các nghiên cứu khoa học và vũ khí.
Chiến sự Nga – Ukraine nổ ra và kéo dài đã hơn 1 năm, khiến các nguồn lực của Nga dần cạn kiệt. Khi đó, Triều Tiên nổi lên như một nguồn cung tiềm tàng cho Moscow về vũ khí. Bình Nhưỡng cùng nhìn thấy ở Nga những lợi ích về hợp tác quân sự đôi khi khó có thể được Trung Quốc chia sẻ.
Do đó, hội nghị thượng định Nga - Triều Tiên đã góp phần củng cố mối quan hệ đó với lợi ích cho cả 2 phía. Nga có thể đóng vai trò là nhà cung cấp lớn cho Bình Nhưỡng nhiều mặt hàng mà nước này đang cần, như năng lượng, lương thực hay công nghệ quân sự. Trong khi ông Putin có thêm nguồn lực tức thời để duy trì chiến sự Nga - Ukraine.
Theo giới quan sát, để đổi lại việc cung cấp vũ khí, nhiều khả năng Triều Tiên sẽ mong muốn tiếp cận các công nghệ tên lửa tối tân của Nga. Tại cuộc gặp hiếm hoi này, ông Putin đã đưa ông Kim đi tham quan địa điểm phóng tên lửa vũ trụ tiên tiến nhất của Nga ở vùng Viễn Đông và thảo luận về khả năng đưa một phi hành gia Triều Tiên vào vũ trụ.
Trong thành phần phái đoàn của ông Kim tới Nga, có sự hiện diện đáng chú ý của Giám đốc Cục Công nghiệp Đạn dược Jo Chun Ryong, cho thấy một chương trình nghị sự tập trung vào hợp tác công nghiệp quốc phòng. Cùng lúc ông Kim ở Nga, Bắc Triều Tiên đã tiến hành 2 vụ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn xuống biển phía Đông nước này, là một gợi ý khác về mối quan tâm mà ông Kim Jong Un muốn mang tới Nga.
Phía Mỹ và Liên Hợp Quốc đã cảnh báo Nga, cho rằng việc hợp tác với Triều Tiên về các chương trình vũ khí có khả năng vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói: “Bất kỳ hình thức hợp tác nào của bất kỳ quốc gia nào với Triều Tiên đều phải tôn trọng lệnh trừng phạt do Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt”.
Thay đổi chính sách với Mỹ
Một hàm ý lớn hơn được các nhà quan sát chỉ ra, là động thái gắn kết sâu hơn với Nga cũng có nghĩa Triều Tiên từ bỏ nỗ lực kéo dài 30 năm nhằm bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
Theo hai học giả Robert Carlin và Siegfried S. Hecker từ Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, từ 1990 tới 2019, các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên vẫn nỗ lực duy trì một chính sách ngoại giao cân bằng giữa phát triển vũ khí hạt nhân và tìm cách bình thường hóa với Mỹ và phương Tây.
Mặc dù ông Kim Jong Un đã tăng cường đáng kể các chương trình hạt nhân và tên lửa, nhưng ông vẫn thực hiện một số bước đi nghiêm túc từ năm 2012 đến năm 2019 để thể hiện sự sẵn sàng giải quyết vấn đề hạt nhân với Mỹ như một cái giá cho mối quan hệ được cải thiện rõ rệt. Nổi bật nhất là sự kiện Hà Nội 2019 chứng kiến cái bắt tay lịch sử giữa ông Kim Jong-Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump, dù kết quả là không như kỳ vọng.
Do đó, với hợp tác mới nhất giữa Bắc Triều Tiên và Nga, ông Kim cho thấy một cách tiếp cận quyết đoán hơn liên quan tới vị thế của đất nước. Sau khi nhận thấy Tổng thống Mỹ Joe Biden không sẵn sàng làm ấm hơn quan hệ Mỹ- Triều Tiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên dường như hướng nhiều hơn về phía Nga.
Theo các nhà phân tích, từ cuối năm 2021, trang web của Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các tuyên bố chủ quyền của Nga đối với quần đảo Kuril và liên kết vấn đề Đài Loan với “nguy cơ tiềm ẩn gây ra một tình huống nhạy cảm trên Bán đảo Triều Tiên”.
>>Thượng đỉnh G20 sẽ ra sao khi vắng người đứng đầu Nga, Trung Quốc?
Tháng 3/2022, Triều Tiên tuyên bố phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa mới có khả năng vươn tới Hoa Kỳ, phá vỡ cam kết năm 2018, đồng thời, nối lại hoạt động của bãi thử hạt nhân Punggye-ri.
Với việc tăng cường quan hệ với Nga và xa lánh Mỹ của Triều Tiên, các chuyên gia dự báo sẽ không có gì ngạc nhiên nếu trong thời gian tới Bình Nhưỡng sẽ ngày càng tích cực hơn trong các vụ thử tên lửa hay hạt nhân và mở ra những nguy cơ căng thẳng mới cho khu vực.
Có thể bạn quan tâm