Tranh cãi xe điện, chiến tranh thương mại EU – Trung Quốc sắp bùng nổ?
Thông báo mới đây của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu về một cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện Trung Quốc có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh.
Hôm 13/9, trong Thông điệp Liên minh thường niên, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen, đã tuyên bố điều tra về các khoản trợ cấp mà chính phủ Trung Quốc dành cho các nhà sản xuất xe điện trong nước.
>>Châu Âu “bất lực” trước cơn sóng xe điện Trung Quốc?
Theo đó, EU sẽ tiến hành một cuộc điều tra rộng lớn về việc nhập khẩu xe điện chở khách chạy bằng pin mới được sản xuất tại Trung Quốc, bất kể chúng là thương hiệu Trung Quốc hay châu Âu. Các nhà lập pháp Châu Âu tin rằng sự trợ cấp của Bắc Kinh khiến xe điện của họ đạt được lợi thế cạnh tranh không công bằng và gây tổn hại cho ngành công nghiệp châu Âu.
Nếu chứng minh đúng là như vậy, Ủy ban Châu Âu có thể áp dụng thuế nhập khẩu, hay được gọi là thuế đối kháng trong thuật ngữ thương mại của EU, lên các dòng xe điện vốn đang có giá rất rẻ đến từ Trung Quốc.
Nguồn cơn nào dẫn tới cuộc điều tra?
Hành động của EU được cho là để đối phó với sự gia tăng nhanh chóng trong nhập khẩu ô tô điện Trung Quốc. Dù mới gia nhập thị trường, nhưng các thương hiệu Trung Quốc đã chiếm được 8% thị phần ở châu lục. Theo EC, giá xe điện của Trung Quốc thường thấp hơn 20% so với các mẫu xe do EU sản xuất. Bởi vậy, thị phần của xe điện Trung Quốc tại đây được dự báo có thể tăng gấp đôi trong vòng vài năm tới.
Điều này đã dẫn tới nỗi lo doanh thu của các nhà sản xuất ô tô điện của châu Âu sớm bị sụt giảm. Các thương hiệu xe điện châu Âu đang bị cho là chậm chân hơn các cường quốc khác như Mỹ hay Trung Quốc trong lĩnh vực xe điện, khiến các chính phủ phải tăng tốc hỗ trợ để theo kịp các quốc gia dẫn đầu. Thậm chí, các chuyên gia thương mại đánh giá cuộc điều tra "mặc định" như lãnh đạo EU vừa đề cập là điều bất thường, bởi các cuộc điều tra chống trợ cấp kiểu này thường xuất phát từ khiếu nại của ngành.
Khi cuộc điều tra được bắt đầu, bất kỳ mức thuế tạm thời nào cũng sẽ phải được áp dụng trong vòng 9 tháng. Mọi mức thuế chính thức phải được ấn định trong vòng 13 tháng kể từ khi bắt đầu điều tra.
Điều đó có nghĩa là quyết định sẽ phụ thuộc vào Tòa án của Ủy ban châu Âu - cơ quan sẽ có các thành viên mới sau cuộc bầu cử vào Nghị viện Châu Âu vào tháng 6/2024.
Một vấn đề khác đáng chú ý, là theo các chuyên gia cuộc điều tra chống trợ cấp xe điện lần này lại được coi là mang tính chính trị hơn các động thái chống bán phá giá thông thường.
Chính phủ Pháp đang dẫn đầu nỗ lực này khi thúc đẩy EC bắt đầu một cuộc điều tra vào tháng 6. Nỗ lực của Pháp dường như đã nhận được sự ủng hộ của Chủ tịch EC, khi bà cũng đang mong muốn hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của ngành công nghiệp châu Âu vào thời điểm Mỹ cũng tăng cường trợ cấp theo Đạo luật Giảm lạm phát.
Hiện tại, quan điểm của chính phủ Đức vẫn chưa rõ ràng. Dù Bộ trưởng Kinh tế nước này, ông Robert Habeck, đã hoan nghênh quyết định mới đây của bà Leyen, nhưng những bên phản đối không phải là ít. Các nhà sản xuất ô tô Đức lâu nay vẫn phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc cả về nguồn cung sản xuất và thị trường tiêu thụ.
>>Xuất khẩu ô tô Trung Quốc "vụt sáng" giữa bức tranh kinh tế ảm đạm
Nếu cuộc điều tra chứng minh Trung Quốc phá giá, EC có thể áp thuế đối với ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc vào thị trường. Mức thuế này cao đến đâu sẽ tùy thuộc vào quy mô trợ cấp của Bắc Kinh. Các cuộc điều tra trợ cấp trước đây thông thường dẫn tới việc áp thuế bổ sung từ 10 đến 20%.
Hiện ô tô điện Trung Quốc chịu mức thuế nhập khẩu 10% tại thị trường châu Âu, thấp hơn hầu hết các thị trường lớn khác. Chẳng hạn, chính phủ Mỹ áp mức thuế khoảng 27,5% lên ô tô điện của Trung Quốc.
Rủi ro tiềm tàng từ phản ứng tiếp theo của Trung Quốc
Về mặt pháp lý, Brussels không coi động thái của mình là khiêu khích Trung Quốc bởi việc tiến hành điều tra chống trợ cấp vì mục đích phòng vệ thương mại là phù hợp với các quy định thương mại toàn cầu .
Tuy nhiên, lo ngại từ các thành viên EU đến từ những đòn trả đũa tiềm năng mà Bắc Kinh có thể sử dụng, như nhắm vào chuỗi cung ứng các hàng hóa thiết yếu khác.
Ông Philippe De Baere, Chuyên gia tại công ty luật Van Bael & Bellis, cho biết. “Về cơ bản, Trung Quốc có thể hạn chế đầu tư bổ sung của các nhà sản xuất châu Âu vào Trung Quốc hoặc khiến việc bán hàng hóa Châu Âu trên thị trường Trung Quốc trở nên khó khăn hơn nhiều”.
Trong tranh chấp chính trị với Lithuania – một thành viên EU, Trung Quốc cho thấy họ sẵn sàng thực hiện các bước trả đũa bất thường. Bắc Kinh đã áp đặt lệnh phong tỏa kinh tế không chính thức đối với Lithuania vào tháng 12 năm 2021, sau khi Vilnius tăng cường quan hệ với Đài Loan.
Trên thực tế, Bộ Thương mại Trung Quốc đã phản ứng dữ dội trước thông tin này, đồng thời gọi động thái của EU là “chủ nghĩa bảo hộ trắng trợn”. Bởi vậy, sẽ không loại trừ khả năng Bắc Kinh chuẩn bị tung một loạt đòn thương mại để trả đũa châu Âu, nhất là khi nền kinh tế số 2 thế giới đang tập trung xây dựng một hệ thống kinh tế của riêng mình (như BRICS) thay vì phụ thuộc vào Mỹ và Châu Âu như trước đây.
Có thể bạn quan tâm
99% startup xe điện Trung Quốc sẽ thất bại?
04:19, 11/08/2018
Italy muốn rút khỏi BRI, "hé lộ" căng thẳng EU - Trung Quốc
03:30, 02/08/2023
Quan hệ EU - Trung Quốc lại gặp "sóng gió"?
15:38, 09/05/2023
Căng thẳng EU - Trung Quốc bất ngờ leo thang
05:35, 24/03/2021
Mịt mờ tương lai thỏa thuận đầu tư EU - Trung Quốc
05:30, 25/03/2021