Vấn đề nhân quyền tại Tân Cương đã làm nóng quan hệ EU – Trung Quốc, đồng thời đặt thỏa thuận đầu tư giữa hai bên vào tình thế nguy hiểm.
Sau 7 năm với 35 vòng đàm phán, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đã tiến gần tới một thỏa thuận thương mại khi Nghị viện châu Âu đang chuẩn bị bỏ phiếu về vấn đề này.
Nếu được thông qua, Thỏa thuận toàn diện về đầu tư (CAI) dự kiến tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong thời gian tới; đồng thời, cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp EU.
Nhưng sau khi cả hai bên tung ra các lệnh trừng phạt, tương lai mối quan hệ EU – Trung Quốc và thỏa thuận thương mại đầu tư giữa hai bên đang đứng trước nguy cơ rạn nứt.
Các chuyên gia nhận định, không chỉ một sai lầm có thể gây nguy hiểm cho thỏa thuận đầu tư sắp tới với EU mà điều này còn có thể đẩy EU xích lại gần Washington, nhất là khi Tổng thống Biden đang đưa ra các chính sách siết chặt lại mối quan hệ với các đồng minh tại khu vực châu Âu để đối phó với Bắc Kinh.
Ngay sau khi lệnh trừng phạt Trung Quốc được công bố, Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ, nhóm các nhà lập pháp lớn thứ hai trong Nghị viện châu Âu cho biết họ sẽ không tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào về thỏa thuận với Bắc Kinh cho đến khi các biện pháp được dỡ bỏ.
Inmaculada Rodríguez-Piñero, một nhà lập pháp Tây Ban Nha tại Nghị viện châu Âu cho biết: “EU cần giao thương với Trung Quốc, nhưng các giá trị và tiêu chuẩn của khối phải được đặt lên hàng đầu. Chúng tôi tuân theo các nguyên tắc của mình và chúng tôi sẽ bảo vệ các nguyên tắc đó".
Có thể thấy, từ quan điểm của Trung Quốc, các biện pháp trừng phạt như vậy mang tính công bằng, một phản ứng “ăn miếng trả miếng”, gửi thông điệp tới Brussel rằng Bắc Kinh sẽ không chấp nhận những thách thức như vậy. Nhưng chúng cũng có thể là một canh bạc liều lĩnh khichi phí Trung Quốc phải trảcho các lệnh trừng phạt ở đây là tương đối cao.
Theo số liệu của Ủy ban châu Âu, dòng vốn FDI của Trung Quốc vào EU đã lên tới gần 120 tỷ Euro. Tuy nhiên, đầu tư của EU vào Trung Quốc thậm chí còn cao hơn, lên tới hơn 140 tỷ Euro. Khoảng một nửa FDI của EU vào Trung Quốc là trong lĩnh vực sản xuất. Do đó, nếu thỏa thuận đầu tư này không được thông qua, Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại lớn.
Mặt khác, Ủy ban châu Âu cho biêt, thỏa thuận này là “thỏa thuận tham vọng nhất mà Trung Quốc từng ký kết với một nước thứ ba”. Thỏa thuận ràng buộc việc Trung Quốc tự do hóa các khoản đầu tư của các công ty EU. Ngoài ra, nó cũng loại bỏ việc giới hạn vốn chủ sở hữu hoặc các yêu cầu liên doanh với các doanh nghiệp Trung Quốc trong một số lĩnh vực.
Như Sourabh Gupta, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Trung - Mỹ ở Washington nhận định, các biện pháp trừng phạt là một hành động gây hấn và Bắc Kinh tất nhiên có quyền đáp trả các biện pháp của EU theo cách họ thấy phù hợp. Nhưng bằng cách nhắm mục tiêu vào các tổ chức tư vấn được tôn trọng rộng rãi và các nhà lập pháp tại Nghị viện, Trung Quốc có thể đã đi một nước cờ mạo hiểm với châu Âu.
Mặc dù các biện pháp trừng phạt trong tuần này có thể cho thấy EU đang thực hiện các chính sách cứng rắng với Trung Quốc, nhưng chúng không mạnh mẽ như các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Điều này cho thấy vẫn còn nhiều nhà hoạch định chính sách EU mong muốn tiếp tục đàm phán với Trung Quốc.
Trong tương lai, EU sẽ cần phải suy nghĩ kỹ hơn về chính sách đối với Trung Quốc của khối cũng như về tương lai của thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, điều này có thể gặp nhiều trở ngại khi Mỹ sẽ tận dụng quan hệ đồng minh để ngăn cản EU giảm căng thẳng với Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm