Vì sao BRICS khó đưa ra đồng tiền chung?
BRICS đang nỗ lực để tung ra một loại tiền tệ chung nhằm thách thức đồng USD. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, BRICS không dễ dàng thực hiện kế hoạch này.
>>"Hé lộ" tham vọng lớn của BRICS+
Lời kêu gọi của Brazil về một loại tiền tệ chung tại hội nghị thượng đỉnh Johannesburg vào tháng trước đã làm dấy lên cuộc tranh luận về việc phi đô la hóa. Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đã chuyển sang thực hiện giao dịch bằng các loại tiền tệ khác ngoài đồng đô la Mỹ.
Mặc dù ảnh hưởng của đồng USD ngày càng bị nghi ngờ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhưng theo dữ liệu mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đồng USD vẫn chiếm ưu thế trong dự trữ ngoại hối toàn cầu, chiếm 59% trong quý đầu tiên của năm nay.
Phi đô la hóa là quá trình giảm sự phụ thuộc vào đồng USD như một loại tiền dự trữ, phương tiện trao đổi trong nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh những tác động to lớn mà điều này mang lại đối với thị trường tài chính và thương mại quốc tế, còn có những tác động chính trị quan trọng.
Trong bài viết được đăng tải trên SCMP, Tiến sĩ Oriol Caudevilla, thành viên danh dự của Viện Luật Tài chính Quốc tế Châu Á tại Đại học Hồng Kông viết, một số quốc gia tìm cách phi đô la hóa để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối quốc gia- nghĩa là bằng cách giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Về mặt lý thuyết, họ có thể quản lý rủi ro tiền tệ hiệu quả hơn và duy trì quyền kiểm soát tốt hơn đối với chính sách tiền tệ của mình.
Đầu năm nay, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã đặt câu hỏi “tại sao tất cả các quốc gia đều phải giao thương dựa trên đồng USD?”. Tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg vào tháng trước, ông Lula một lần nữa kêu gọi tạo ra một loại tiền tệ chung cho thương mại và đầu tư giữa các thành viên của khối BRICS nhằm giảm thiểu rủi ro liên quan đến những biến động kinh tế và địa chính trị liên quan đến loại tiền tệ đó.
Mặc dù ông Lula không chỉ rõ loại tiền tệ chung này có thể là gì hoặc nó có thể xuất hiện như thế nào, nhưng hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng các lựa chọn sẽ bao gồm một trong những rổ tiền tệ từ các quốc gia BRICS, sử dụng vàng, dầu làm bảo đảm cho giá trị tiền tệ hoặc tiền điện tử (chẳng hạn như stablecoin), hoặc thậm chí là một loại tiền kỹ thuật số phổ biến của các ngân hàng trung ương.
>>BRICS mở rộng sẽ "đuổi kịp" Mỹ và phương Tây?
Nhưng dù dưới hình thức nào, các chuyên gia đều đồng ý rằng sẽ khó đạt được sự thống nhất về một đồng tiền chung do sự chênh lệch giữa các thành viên BRICS, bao gồm cả về kinh tế và chính trị.
Tại hội nghị thượng đỉnh BRICS, các nhà lãnh đạo hầu như không nhắc tới lời kêu gọi của Tổng thống Lula về một đồng tiền chung. Trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ nói đến việc thúc đẩy “cải cách hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế”, chủ nhà Nam Phi cho biết đồng tiền chung BRICS không có trong chương trình nghị sự.
Ý tưởng về một loại tiền kỹ thuật số BRICS sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, như việc cần thành lập một liên minh ngân hàng và liên minh tài chính, đồng thời đạt được sự hội tụ kinh tế vĩ mô. Điều quan trọng là cần có một cơ chế đối với những quốc gia không tuân thủ.
Do đó, Tiến sĩ Oriol Caudevilla cho rằng, ý tưởng khả thi hơn là mỗi quốc gia BRICS sẽ ra mắt loại tiền kỹ thuật số riêng và sau đó tiến tới việc xây dựng khả năng tương tác.
Trên thực tế, chuyên gia này cho biết, có một số dự án đã thử nghiệm khả năng tương tác như vậy. Ví dụ, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế đã thử nghiệm thành công nền tảng blockchain cho các đồng tiền số, được gọi là mBridge.
Các ngân hàng trung ương tham gia dự án bao gồm Thái Lan, Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Mục đích của dự án này là xây dựng một nền tảng chung cho thanh toán kỹ thuật số xuyên biên giới hiệu quả, chi phí thấp.
"Mặc dù thời điểm này dường như chưa chín muồi để BRICS tạo ra một loại tiền tệ chung, nhưng xu hướng phi đô la hóa có vẻ sẽ diễn ra ngày càng mạnh mẽ", ông Caudevilla nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Phong trào phi đô la hóa (Kỳ III): Ứng phó của Việt Nam
11:30, 03/07/2023
"Hé lộ" kết cục bi thảm của làn sóng phi đô la hoá
04:30, 02/07/2023
Phong trào phi đô la hóa (Kỳ II): Đồng USD sẽ ra sao?
03:30, 01/07/2023
Phong trào phi đô la hóa (Kỳ I): “Cú sốc” với USD
11:20, 23/06/2023
Xu hướng phi đô la hóa: "Số phận" USD sẽ ra sao?
04:00, 16/06/2023