Đức "nghiện” pin xe điện Trung Quốc
Các quan chức hàng đầu châu Âu đang lo ngại về tình trạng lệ thuộc ngày càng tăng vào pin xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt ở Đức.
Hôm 18/9, Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) cảnh báo rằng sự phụ thuộc quá mức vào thương mại với Trung Quốc là một trong những lý do chính khiến mô hình kinh doanh của quốc gia gặp nguy hiểm.
>>Tranh cãi xe điện, chiến tranh thương mại EU – Trung Quốc sắp bùng nổ?
Báo cáo mới nhất cho biết, có tới 29% các công ty Đức nhập khẩu nguyên liệu và linh kiện thiết yếu từ Trung Quốc, khiến hoạt động của họ gặp thiệt hại đáng kể nếu dòng chảy thương mại này bị gián đoạn do căng thẳng địa chính trị gia tăng.
“Vài năm qua đã chứng kiến rủi ro đối với sự phát triển kinh tế đến từ sự phụ thuộc một chiều quá mức vào các sản phẩm thiết yếu từ nước ngoài… Vẫn cần phải giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc - đặc biệt là đối với các sản phẩm cơ bản rất khó thay thế”, Ngân hàng trung ương Đức nhấn mạnh.
Trước đó, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc điều tra của EU về trợ cấp xe điện của Bắc Kinh, đồng thời kêu gọi châu Âu giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Đức lệ thuộc nguồn pin Trung Quốc như thế nào?
Nhận xét của quan chức Đức nhắc lại nỗi lo ngày càng lớn của nền kinh tế lớn nhất châu Âu về sự ràng buộc khó bỏ với Trung Quốc. Đây là thị trường quan trọng đối với ô tô và máy móc của Đức. Đồng thời, nhập khẩu từ Trung Quốc phục vụ cho nền sản xuất Đức cũng rất lớn, trong khi xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc chỉ chiếm 3% giá trị gia tăng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Số liệu cho thấy 25% tổng doanh số hàng hóa do Đức sản xuất năm 2022 phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào thiết yếu từ Trung Quốc. Nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong hàng hóa trung gian của Đức, như pin, linh kiện điện tử, thiết bị xử lý dữ liệu, viễn thông và thậm chí là hàng điện tử tiêu dùng. Trung Quốc cũng thống trị nguồn cung nguyên liệu cho pin xe điện cho Đức, như lithium và coban.
Chính vì nỗi lo ngại này, Berlin đã thông qua chiến lược mới giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong tháng 7. Đồng thời, các quan chức cũng cảnh báo các công ty rằng chính phủ sẽ không chịu trách nhiệm nếu họ trở thành nạn nhân của những rủi ro địa chính trị ngày càng gia tăng.
“Trước tình trạng căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng và những rủi ro liên quan, các công ty và chính trị gia cần phải suy nghĩ lại về cấu trúc phát triển của chuỗi cung ứng và việc mở rộng hơn nữa đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc”, báo cáo của Bundesbank nêu rõ.
Bundesbank cho biết Trung Quốc đứng thứ ba trong số những điểm đến đầu tư trực tiếp lớn nhất của các công ty Đức, chiếm 6% tổng vốn đầu tư vào năm 2022. Nhưng con số này đã tăng gấp đôi kể từ năm 2010 và Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn hơn trong đầu tư trực tiếp vào một số lĩnh vực nhất định, chẳng hạn như 29% trong sản xuất ô tô.
Nguy cơ là rõ rệt nhưng không phải tập đoàn nào cũng sẵn lòng “dứt khỏi” thị trường Trung Quốc. Một cuộc khảo sát gần đây của Bundesbank cho thấy hơn 40% các công ty phụ thuộc vào Trung Quốc đã “không có hành động” gì để giảm thiểu rủi ro, 16% các công ty khác đang xem xét, trong khi 40% các công ty đã có các động thái cắt giảm rủi ro như dịch chuyển chuỗi cung ứng về Đức hoặc các nơi khác “an toàn” hơn.
>> Trung Quốc phát triển ô tô điện như thế nào?
Theo Bundesbank, Đức cần có thêm các hiệp định thương mại tự do để đa dạng hóa nguồn cung khỏi Trung Quốc, cải thiện sự hội nhập của người nhập cư vào thị trường lao động và giải quyết nạn quan liêu nhà nước để tăng sức hấp dẫn của Đức.
"Cơn nghiện" của cả Châu Âu
Trước đó, các chuyên gia cảnh báo Liên minh Châu Âu có thể trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc về pin lithium-ion và pin nhiên liệu vào năm 2030 giống như phụ thuộc vào Nga về năng lượng trước chiến sự Nga - Ukraine.
Không chỉ là pin xe điện, EU còn phụ thuộc vào dòng pin lưu trữ điện năng thu được từ mặt trời và gió trong xu hướng mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo của châu Âu và thế giới. Pin lưu trữ dung lượng cao là thành phần vô cùng quan trọng bởi tính chất không liên tục của các nguồn năng lượng tái tạo.
“Điều này sẽ làm tăng vọt nhu cầu của chúng ta về pin lithium-ion, pin nhiên liệu và máy điện phân, dự kiến sẽ tăng từ 10 đến 30 lần trong những năm tới”, tài liệu thảo luận của quan chức EU mà Reuters thu thập được cho biết.
Các chuyên gia cho biết pin lithium-ion và pin nhiên liệu không phải là lĩnh vực dễ bị tổn thương duy nhất của EU trước Trung Quốc. Trong không gian công nghệ kỹ thuật số, các nước châu Âu cũng đang đối mặt với nguy cơ tương tự.
“Các dự báo cho thấy nhu cầu về các thiết bị kỹ thuật số như cảm biến, máy bay không người lái, máy chủ dữ liệu, thiết bị lưu trữ và mạng truyền dữ liệu sẽ tăng mạnh trong thập kỷ này”, Reuters trích dẫn.
Trong môi trường cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và phương Tây, sự phụ thuộc này được các quan chức EU dự báo sẽ cản trở nghiêm trọng sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp và dịch vụ xanh mà khối đang hướng tới nếu không có các biện pháp ngay từ bây giờ.
Có thể bạn quan tâm