Bài học nào từ việc thúc đẩy sản xuất điện tử của Ấn Độ?

CẨM ANH 26/09/2023 03:30

Chính phủ Ấn Độ đã tích cực tung ra các gói trợ cấp và cải cách chính sách để đẩy mạnh sự phát triển của lĩnh vực sản xuất điện tử.

>>Vị thế lớn mạnh, Ấn Độ vẫn còn nỗi lo trong nước

Bên trong nhà máy Foxconn tại Ấn Độ. Nguồn: Bloomberg

Bên trong nhà máy Foxconn tại Ấn Độ. Nguồn: Bloomberg

Với bối cảnh địa chính trị và kinh tế, các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là mở rộng sản lượng ngành thiết bị điện tử lên 300 tỷ USD vào giữa năm 2026.

Việc mở rộng hệ sinh thái sản xuất điện tử của Ấn Độ ngày càng trở thành một mục tiêu chiến lược đối với chính phủ, đặc biệt khi nước này tìm cách hạn chế sự phụ thuộc quá mức vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và thu hút các công ty đa quốc gia nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Chính phủ Ấn Độ coi sản xuất điện tử là một con đường quan trọng để đạt được các mục tiêu kinh tế và coi lĩnh vực này là nguồn đóng góp tiềm năng cao cho tăng trưởng kinh tế.

Để hiện thực hóa tầm nhìn này, chính phủ Ấn Độ đã ban hành một loạt cải cách chính sách và cam kết nguồn lực đáng kể để thu hút các chuỗi cung ứng điện tử đa dạng. Chương trình Khuyến khích Liên kết Sản xuất (PLI) được giới thiệu vào năm 2020 là trọng tâm của nỗ lực này nhằm khuyến khích thu hút đầu tư và sản xuất trong nước vào mặt hàng điện thoại di động và thiết bị điện tử khác.

Chính phủ Ấn Độ cũng phân bổ hơn 6 tỷ USD cho các chương trình khuyến khích phát triển trong các lĩnh vực như điện thoại thông minh, thiết bị viễn thông, máy tính xách tay, máy chủ và gần đây nhất là chất bán dẫn.

Chính phủ Ấn Độ cũng đã thiết lập các chương trình khác, trong đó có các ưu đãi trị giá hàng tỷ USD dành cho các nhà sản xuất chất bán dẫn và các loại thiết bị điện tử khác. Tổng kinh phí cho các chương trình này vượt xa mức chi dành cho bất kỳ ngành nào khác ở Ấn Độ, phản ánh mức độ hỗ trợ chính trị mạnh mẽ cho việc phát triển hệ sinh thái sản xuất địa phương.

Bên cạnh đó, Chính phủ Ấn Độ cũng đã bắt đầu ưu tiên hỗ trợ hàng hóa điện tử của Ấn Độ tiếp cận thị trường quốc tế thông qua việc thúc đẩy mạnh mẽ các hiệp định thương mại tự do. Điều này đã tạo ra các hiệp ước với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Australia, đồng thời New Delhi cũng đang tiến hành đàm phán FTA với Vương quốc Anh, Liên minh Châu Âu và một số quốc gia khác.

Bà Malavika Mysore, chuyên gia phụ trách khu vực Nam Á tại công ty tư vấn chiếc lược The Asia Group nhận định, những bước đi này của Ấn Độ đã mang lại những thắng lợi lớn cho Ấn Độ - bằng chứng là những khoản đầu tư lớn từ các công ty như Apple, Samsung Electronics và nhà sản xuất chip Micron. Xuất khẩu thiết bị điện tử của nước này cũng tăng nhanh chóng, đạt xấp xỉ 7 tỷ USD trong quý I/2023, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước.

Chuyên gia này cũng nói thêm, quyết định của Apple về việc phát triển chuỗi cung ứng sản xuất iPhone tại Ấn Độ đánh dấu bước đột phá quan trọng nhất đối trong hệ sinh thái điện tử của đất nước này.

"Khoản đầu tư của Apple cho thấy sự tin tưởng của tập đoàn này vào Ấn Độ như một điểm đến sản xuất đáng tin cậy và khả thi, đồng thời có khả năng giúp thuyết phục các công ty toàn cầu khác cũng cam kết đưa việc sản xuất các thiết bị trong chuỗi cung ứng của họ vào Ấn Độ", bà nói thêm.

>>Động lực lớn nào đằng sau sự trỗi dậy của Ấn Độ?

Ấn Độ mở rộng sản lượng của ngành này lên 300 tỷ USD vào giữa năm 2026.

Ấn Độ tham vọng mở rộng sản lượng của ngành thiết bị điện tử lên 300 tỷ USD vào giữa năm 2026.

Nguồn tin của Bloomberg tiết lộ, vào năm ngoái, Apple đã đạt được những cột mốc quan trọng trong sản xuất điện thoại thông minh khi kim ngạch xuất khẩu iPhone của Ấn Độ vượt mốc 1 tỷ USD trong 5 tháng.

Trong khi hoạt động sản xuất của các đối tác của Apple như Foxconn Technology Group, Pegatron và Wistron ở Ấn Độ hiện chỉ tập trung vào khâu lắp ráp cuối cùng, ít tạo ra giá trị, thì những doanh nghiệp này cũng đang dần xây dựng một hệ sinh thái sản xuất linh kiện ở Ấn Độ.

Mặc dù vậy, ông Gopal Nadadur, Phó chủ tịch phụ trách khu vực Nam Á của The Asia Group cho rằng, các công ty vẫn phải chuẩn bị để đối phó với những rủi ro có thể xảy ra như các động thái chính sách bảo hộ khó lường.

Ông Gopal Nadadur chỉ ra, vào tháng trước, Ấn Độ đã thông báo rằng việc nhập khẩu máy tính xách tay, máy tính bảng và máy tính cá nhân sẽ phải có giấy phép. Trước sự phản đối kịch liệt từ ngành công nghiệp, các quan chức Ấn Độ đã báo hiệu rằng việc thực hiện có thể sẽ bị trì hoãn cho đến năm sau.

Diễn biến này cho thấy những bất ổn có thể xuất phát từ căng thẳng giữa việc bảo hộ ngành công nghiệp nội địa và sự mở cửa đối với đầu tư công nghệ. Ở Ấn Độ, những căng thẳng này có thể gia tăng trước các cuộc bầu cử quan trọng. Nước này sẽ tổ chức các cuộc bầu cử cấp bang trong những tháng tới và tiến tới tổng tuyển cử vào năm 2024.

Bên cạnh đó, các công ty chuyển dịch hoặc đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang Ấn Độ cũng phải đối mặt với những thách thức xung quanh việc đưa thiết bị và nhân viên lành nghề vào quốc gia này do những hạn chế về đầu tư trực tiếp và thị thực cho các công ty và công nhân Trung Quốc.

Theo ông Gopal Nadadur, việc nắm bắt được các xu hướng chính sách, cũng như đưa ra được những cam kết thông minh ở Ấn Độ sẽ đạt được những thành công đáng kể. Tuy nhiên, làn sóng đầu tiên của các nhà sản xuất thiết bị điện tử đã mở những con đường đầu tiên. Nhờ có họ, làn sóng tiếp theo sẽ thấy hành trình trở nên dễ dàng hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • Mỹ

    Mỹ "rối bời" trước tranh cãi nảy lửa Ấn Độ - Canada

    04:30, 22/09/2023

  • Động lực lớn nào đằng sau sự trỗi dậy của Ấn Độ?

    Động lực lớn nào đằng sau sự trỗi dậy của Ấn Độ?

    04:00, 21/09/2023

  • Vị thế lớn mạnh, Ấn Độ vẫn còn nỗi lo trong nước

    Vị thế lớn mạnh, Ấn Độ vẫn còn nỗi lo trong nước

    04:00, 16/09/2023

  • "Dấu ấn" thành công của Ấn Độ tại thượng đỉnh G20

    04:00, 11/09/2023

  • Vì sao Ấn Độ đưa Liên minh châu Phi vào G20?

    Vì sao Ấn Độ đưa Liên minh châu Phi vào G20?

    03:30, 10/09/2023

CẨM ANH