Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ IV): Các liên minh sừng sỏ làm nóng cuộc đua
Nhằm đảm bảo nguồn cung, Mỹ đang dẫn đầu những nỗ lực thành lập các liên minh chất bán dẫn toàn cầu.
>>"Cuộc chiến" chất bán dẫn (Kỳ III): Hàng trăm tỷ USD "bốc hơi" vì căng thẳng
Vào tháng 3/2022, Chính phủ Mỹ đã đề xuất thành lập liên minh công nghiệp bán dẫn với các đối tác châu Á, gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) để tận dụng thế mạnh của từng thành viên, chi phối tất cả các lĩnh vực chính của chuỗi giá trị.
Sau nhiều tháng, "Nhóm làm việc về khả năng phục hồi chuỗi cung ứng chất bán dẫn Mỹ - Đông Á" hay "Fab 4" đã tổ chức cuộc họp trực tuyến đầu tiên của các quan chức cấp cao từ nhóm làm việc vào ngày 16/2/2023.
Theo thống kê từ Nikkei Asia, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đang chiếm hơn 70% sản lượng chip toàn cầu. Bằng giải pháp tập hợp những nguồn lực lại, liên minh hình thành khuôn khổ thúc đẩy những đột phá về công nghệ và chống lại sự gián đoạn nguồn cung do xung đột thương mại hoặc căng thẳng địa chính trị.
Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết, Tokyo muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Washington để cùng phát triển các công nghệ lưỡng dụng.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, sáng kiến CHIP 4 sẽ góp phần đưa ngành sản xuất bán dẫn của mỗi bên tham gia đạt được những tiến bộ vượt bậc. Cụ thể, khâu thiết kế chip chiếm đến 47% tổng giá trị sản phẩm ngành bán dẫn hiện chủ yếu nằm dưới sự thống trị của trung tâm Silicon Valley (Hoa Kỳ), hai tập đoàn chế tạo thuộc hàng tiên tiến nhất là TSMC (Đài Loan) và Samsung (Hàn Quốc).
Thông qua việc tăng cường hợp tác giữa các bên sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh quốc tế trong một số phân khúc quan trọng của thị trường như các dòng điện thoại thông minh loại cao cấp... Đồng thời, củng cố năng lực trong các lĩnh vực liên quan khác như đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu sáng tạo công nghệ...
Tương tư, Liên minh châu Âu (EU) cũng đang mở rộng hợp tác nhằm đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng bán dẫn của khối. Mới đây, khối này và Nhật Bản đã nhất trí thắt chặt hợp tác ở một số công nghệ quan trọng như chip bán dẫn, điện toán hiệu suất cao, trí tuệ nhân tạo (AI), cáp quang biển.
Theo Cao ủy thị trường nội khối EU Thierry Breton, EU và Nhật Bản sẽ làm việc cùng nhau để giám sát chuỗi cung ứng chip và tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi của các nhà nghiên cứu và kỹ sư chip. "Chúng tôi tin rằng bảo vệ an toàn cho chuỗi cung ứng chip bán dẫn là điều cực kỳ quan trọng", ông cho biết.
>>“Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ II): Bùng nổ xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng
Với tham vọng trở thành trung tâm lớn về chất bán dẫn, Ấn Độ cũng hướng tới việc thành lập liên minh với các quốc gia có vị thế quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn như Mỹ. Tháng 6 vừa qua, trong chuyến công du tới Mỹ, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, hai nước sẽ đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả ngành công nghiệp bán dẫn.
Có thể thấy, việc hình thành các liên minh chất bán dẫn với sự dẫn đầu của Mỹ cho thấy những nỗ lực tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt đối với ngành bán dẫn. Tháng 9/2021, tại hội nghị thượng đỉnh trực tiếp lần đầu tiên, nhóm "Bộ tứ" gồm Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ đã đưa ra thông cáo chung, trong đó đồng thuận tái cấu trúc các công nghệ và vật liệu quan trọng, bao gồm cả chất bán dẫn.
Ông Patrick Van den Bossche, chuyên gia tại Công ty tư vấn toàn cầu Kearney (Mỹ) nhận xét rằng, mặc dù căng thẳng đã giảm bớt và tình trạng thiếu hụt nguồn cung ít hơn, nhưng việc thành lập các liên minh đang định hình lại cấu trúc chuỗi cung ứng chip trên toàn cầu.
"Việc mở rộng mạng lưới các nhà cung cấp chất bán dẫn trên toàn cầu sẽ góp phần giảm phụ thuộc vào riêng một thị trường, đồng thời việc phối hợp trong mọi khía cạnh của chuỗi cung ứng từ hoạt động kho bãi đến nguồn nhập nguyên liệu sẽ góp phần đảm bảo tính bền vững của chuỗi, không để bị ảnh hưởng bởinhững yếu tố như đại dịch hoặc chiến sự", chuyên gia này đánh giá.
Mặc dù vậy, một số ý kiến chuyên gia cũng chỉ ra rằng, các liên minh chip không nên tách rời khỏi thị trường Trung Quốc khi các tập đoàn sản xuất chip hàng đầu thế giới đều có những cơ sở sản xuất lớn tại quốc gia này.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang là nước nhập khẩu chất bán dẫn lớn, trong đó Mỹ và Hàn Quốc là các nhà cung cấp chính. Là một nước tiêu thụ hàng điện tử lớn, việc loại trừ Trung Quốc khỏi thị trường xuất khẩu chất bán dẫn cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tài chính và lợi nhuận của các doanh nghiệp phương Tây.
Ngoài ra, chuỗi cung ứng chất bán dẫn không chỉ đơn thuần là fab (nhà máy biến các tấm silicon thô thành các mạch tích hợp), nhà máy lắp ráp và trung tâm thiết kế. Vì vậy, ngay cả khi Chip 4 chính thức liên thủ, khả năng tự cung tự cấp vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Có thể bạn quan tâm
"Cuộc chiến" chất bán dẫn (Kỳ I): Ai đang dẫn đầu cuộc chơi?
04:20, 02/10/2023
Vì sao Mỹ khó ngăn Trung Quốc phát triển sản xuất chất bán dẫn?
03:36, 24/04/2023
Mỹ chặn "yết hầu" công nghệ chất bán dẫn Trung Quốc
04:30, 09/02/2023
Cuộc chiến thu gom thế giới - Bài 1: Sức mạnh chất bán dẫn
06:00, 25/05/2021
Mỹ và phương Tây dựng rào cản ngăn Trung Quốc tự sản xuất chất bán dẫn
10:00, 13/04/2021
“Cơn khát” chất bán dẫn của ngành chip ô tô
03:47, 26/01/2021
Chiến tranh công nghệ Mỹ-Trung: Khởi nguồn từ chất bán dẫn
05:14, 26/09/2020