“Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ V): Nóng các đòn “ăn miếng trả miếng”
Để giành được những ưu thế về công nghệ trong sản xuất chất bán dẫn, nhiều quốc gia đã không ngừng đưa ra các biện pháp hạn chế xuất khẩu.
>>Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ IV): Các liên minh sừng sỏ làm nóng cuộc đua
Từ tháng 10/2022, Mỹ đã tiến hành áp đặt hàng loạt hạn chế sâu rộng với lĩnh vực xuất khẩu bán dẫn và thiết bị đúc chip tiên tiến. Các công ty sản xuất chip của Mỹ sẽ phải có giấy phép từ Bộ Thương mại để có thể xuất khẩu một số sản phẩm chip được sử dụng trong tính toán bằng AI tiên tiến và siêu máy tính – các công nghệ quan trọng trong các hệ thống vũ khí hiện đại.
Những động thái này đã tác động mạnh mẽ lên thị trường chất bán dẫn toàn cầu và đe dọa gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Các hạn chế mới nhất của Mỹ mở rộng tới các hoạt động xuất khẩu chip hiện đại và thiết bị quan trọng mà không thể mua được ở nơi khác. Các quy định mới cũng cho phép Mỹ ngăn cản việc xuất khẩu chip được sản xuất ở nước ngoài bằng công nghệ Mỹ.
Không chỉ dừng lại ở đó, Hà Lan cũng đưa ra quy định yêu cầu các công ty Hà Lan đang sản xuất thiết bị dùng chip điện tử tiên tiến phải có giấy phép mới được quyền xuất khẩu. Chính phủ Hà Lan cũng đăng kèm một tài liệu kỹ thuật, quy định cụ thể loại thiết bị nào phải xin giấy phép xuất khẩu.
Theo Bộ trưởng Ngoại thương và Hợp tác phát triển Hà Lan Liesje Schreinemacher, các đối tượng trong diện phải xin phép có thể bao gồm thiết bị dùng cho quân sự. Bà nói: "Chúng tôi đã thực hiện động thái này vì vấn đề an ninh quốc gia".
Đây được xem là một trong những nhân tố ảnh hưởng lớn nhất tới cuộc cạnh tranh công nghệ toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực chip bán dẫn. Công ty ASML của Hà Lan là công ty công nghệ lớn nhất châu Âu, sở hữu công nghệ tinh vi nhất trong dòng máy in thạch bản EUV, loại thiết bị in thạch bản tiên tiến nhất cần thiết để tạo ra mọi chip xử lý tiên tiến ngày nay.
Tương tự, Nhật Bản cũng đưa ra các biện pháp hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip tiên tiến. Theo Đạo luật Ngoại hối và Ngoại thương, các loại vũ khí và hàng hóa có thể chuyển đổi sang ứng dụng quân sự chịu sự quản lý xuất khẩu của chính phủ, buộc phải có sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp nước này trước khi xuất khẩu.
23 mặt hàng bổ sung vào danh sách yêu cầu có giấy phép riêng lẻ, trừ trường hợp xuất sang 42 quốc gia và vùng lãnh thổ được xác định là “thân thiện.” Khoảng 10 công ty Nhật Bản tham gia sản xuất các thiết bị trên có khả năng bị ảnh hưởng do các quy định trên.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura, tác động của những quy định này đối với các công ty trong nước có thể sẽ không nghiêm trọng do các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chỉ nhắm vào loại công nghệ "cực kỳ tiên tiến."
>>"Cuộc chiến" chất bán dẫn (Kỳ III): Hàng trăm tỷ USD "bốc hơi" vì căng thẳng
Các chuyên gia nhận định, những động thái của Hà Lan và Nhật Bản sẽ ảnh hưởng đến nhiều loại thiết bị quan trọng và các loại chip bán dẫn tiên tiến hơn. Cụ thể, ông Kevin Klyman, nhà nghiên cứu chính sách công nghệ tại Đại học Harvard, nhận xét: “Các biện pháp này không chỉ ảnh hưởng đến lĩnh vực chip tiên tiến, mà còn ngăn chặn việc đạt được các tiến bộ công nghệ trong các lĩnh vực quan trọng như quân sự".
Tuy nhiên, động thái đang nhận được sự chú ý thời gian gần đây là việc Trung Quốc siết chặt quy định xuất khẩu các mặt hàng liên quan gallium và germanium (bao gồm gallium kim loại và gallium nitride) - hai kim loại hiếm được sử dụng để chế tạo vật liệu bán dẫn.
Theo hướng dẫn của Bộ Thương mại và Hải quan nước này, bắt đầu từ ngày 1/8 việc xuất khẩu gallium và germanium sẽ bắt buộc phải có giấy phép đi kèm, trong đó mục đích xuất khẩu và đơn vị cuối cùng tiếp nhận lô hàng xuất khẩu phải được khai báo rõ ràng. Văn bản cho biết mục đích của hành động này là để "bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia".
Trung Quốc hiện là nhà sản xuất gallium và germanium lớn nhất thế giới, do đó, việc giảm sản lượng của Trung Quốc đối với phần còn lại của thế giới đều có thể dẫn đến sự chậm lại trong sản xuất của các nhà sản xuất công nghệ, viễn thông, năng lượng và ngành công nghiệp ô tô.
Các nhà phân tích của Eurasia Group mô tả các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc là một “phát súng cảnh cáo”; đồng thời dự báo Bắc Kinh có thể mở rộng lệnh hạn chế xuất khẩu đối với đất hiếm.
Nhiều ý kiến cũng nhận định rằng, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc có thể phản tác dụng. Trong thời kỳ suy thoái kinh tế, nó có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp toàn cầu. Xét về góc độ dài hạn, điều này có thể ảnh hưởng đến tiến trình nghiên cứu phát triển chip mới của các doanh nghiệp sản xuất.
Dưới ảnh hưởng từ một loạt biện pháp của Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản..., việc mở rộng và phát triển của các doanh nghiệp bán dẫn quốc tế sẽ buộc phải cân nhắc nhiều hơn đến nhân tố địa chính trị, tiếp theo mới là các yếu tố khác như thị trường, hiệu quả và chi phí.
Tuy nhiên, ông Justin Cox, Giám đốc sản xuất toàn cầu của công ty tư vấn LMC Automotive cho biết ngành công nghiệp bán dẫn rất phức tạp, là một hệ sinh thái toàn cầu hóa. Do đó, về lâu dài, các biện pháp hạn chế có thể làm tổn thương chuỗi cung ứng của các quốc gia.
Có thể bạn quan tâm
“Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ II): Bùng nổ xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng
04:00, 03/10/2023
"Cuộc chiến" chất bán dẫn (Kỳ I): Ai đang dẫn đầu cuộc chơi?
04:20, 02/10/2023
Vì sao Mỹ khó ngăn Trung Quốc phát triển sản xuất chất bán dẫn?
03:36, 24/04/2023
Mỹ chặn "yết hầu" công nghệ chất bán dẫn Trung Quốc
04:30, 09/02/2023
Cuộc chiến thu gom thế giới - Bài 1: Sức mạnh chất bán dẫn
06:00, 25/05/2021
Mỹ và phương Tây dựng rào cản ngăn Trung Quốc tự sản xuất chất bán dẫn
10:00, 13/04/2021
“Cơn khát” chất bán dẫn của ngành chip ô tô
03:47, 26/01/2021
Chiến tranh công nghệ Mỹ-Trung: Khởi nguồn từ chất bán dẫn
05:14, 26/09/2020