Trung Quốc nỗ lực hồi sinh "Vành đai rỉ sét"
Bất chấp các biện pháp hạn chế công nghệ hiện nay, tại khu vực "Vành đai rỉ sét" phía Đông Bắc Trung Quốc, các cơ hội phát triển vẫn đang hiện diện.
>> Trung Quốc "vượt rào" kiểm soát xuất khẩu của Mỹ như thế nào?
"Vành đai rỉ sét" là tên gọi chỉ vùng Đông Bắc của Trung Quốc bao gồm các tỉnh Liêu Ninh, Cát Lâm, Hắc Long Giang và một phần của khu tự trị Nội Mông. Khu vực này từng thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp nặng và công nghiệp quân sự của Trung Quốc vào những năm 1950.
Tuy nhiên, khu vực này đã nhanh chóng bị bỏ lại phía sau trong suốt nhiều thập kỷ sau đó kể từ khi Trung Quốc mở cửa vào năm 1978. Nhưng hiện nay, khu vực này đang nhận được nhiều sự quan tâm chính sách hơn từ Bắc Kinh.
Vào đầu tháng 9, khi các nhà lãnh đạo thế giới tập trung tại New Delhi để dự Hội nghị thượng đỉnh G20, ông Tập Cận Bình lại đến thăm Hắc Long Giang và nhấn mạnh: “Hiện tại, chúng ta đang có thêm nhiều cơ hội mới để thúc đẩy quá trình hồi sinh toàn diện vùng Đông Bắc Trung Quốc”.
Vị thế của khu vực này đã được củng cố trong những năm gần đây, phù hợp với chiến lược “tuần hoàn kép” của Bắc Kinh nhằm kêu gọi thúc đẩy khả năng tự lực của Trung Quốc trước những biến động bên ngoài ngày càng gia tăng.
Và có vẻ như Bắc Kinh đã giao phó cho Liêu Ninh đóng vai trò quan trọng trong tiến trình "hồi sinh" vành đai rỉ sét này. Vào tháng 11, ông Hao Peng, cựu lãnh đạo Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước – cơ quan giám sát tài sản nhà nước của Trung Quốc, được bổ nhiệm làm Bí thư tỉnh ủy mới của tỉnh Liêu Ninh.
Hiện nay, nền kinh tế Liêu Ninh đạt tăng trưởng 5,3% trong ba quý đầu năm 2023, cao hơn mức 5,2% của cả nước. Năm nay đánh dấu lần đầu tiên trong một thập kỷ tỉnh này vượt qua GDP quốc gia.
Sản xuất thiết bị là lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất tại Liêu Ninh với mức tăng 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lĩnh vực này bao gồm các ngành sản xuất tiên tiến như ô tô, hàng không vũ trụ và đóng tàu, những thế mạnh vốn có của Liêu Ninh.
Là trung tâm của khu vực Đông Bắc nói chung và tỉnh Liêu Ninh nói riêng, thành phố Thẩm Dương đang lấy sản xuất thiết bị làm ngành công nghiệp trụ cột. Nhờ sự đóng góp của các ngành công nghiệp này, tốc độ tăng trưởng công nghiệp của Thẩm Dương đạt 18% trong quý I, đứng đầu trong số 15 thành phố trực thuộc tỉnh của Trung Quốc.
>> Trung Quốc "mạnh tay" đầu tư xanh vào ASEAN
Ông Wang Danqun, Phó giám đốc Sở Công nghiệp và Công nghệ thông tin tỉnh Liêu Ninh, cho biết: “Các biện pháp hạn chế của Mỹ chắc chắn đã tác động đến chuỗi cung ứng của chúng tôi, nhưng đồng thời nó cũng mang đến cơ hội phát triển cho chuỗi công nghiệp địa phương". Trao đổi với SCMP, ông Wang nói: “Tỉnh Liêu Ninh sẽ tập trung làm những gì đất nước cần – đẩy nhanh việc xây dựng chuỗi công nghiệp hiện đại”.
Bên cạnh đó, vùng Đông Bắc Trung Quốc có một số trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu trong nước về khoa học và kỹ thuật, và điều này ngày càng được coi là tài sản để nuôi dưỡng các ngành công nghiệp chiến lược mới nổi.
Dalian Rongke Power, nhà sản xuất pin tiên tiến hàng đầu ở Trung Quốc, là một trong những doanh nghiệp được Viện Vật lý Hóa học Đại Liên thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và trí tuệ trong nghiên cứu và phát triển.
Tổng giám đốc của Dalian Rongke, bà Wang Xiaoli cho biết, Trung Quốc đang tăng cường tỷ trọng năng lượng tái tạo trong lưới điện, nhu cầu về công nghệ lưu trữ cũng tăng lên do tính chất không ổn định của năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
“Chính quyền tỉnh Liêu Ninh và chính quyền thành phố Đại Liên cũng coi ngành công nghệ lưu trữ năng lượng mới nổi là điểm tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế tương lai và chúng tôi đang có cơ hội thử nghiệm nó”, bà nói thêm.
Theo Sinolink Securities, “khi xu hướng phi toàn cầu hóa ngày càng gia tăng, việc đẩy nhanh chuyển đổi công nghiệp, nâng cấp và đạt được công nghệ cao đã trở thành mục tiêu chính trong phát triển kinh tế ngắn hạn và trung hạn của Trung Quốc”.
Có thể thấy, sự thành công của Liêu Ninh đã chứng minh được sự đúng đắn của chính quyền Bắc Kinh khi quyết định hồi sinh lại khu vực Đông Bắc đầy tiềm năng. Nếu điều này thành công, các chuyên gia nhận định, Bắc Kinh đang đứng trước cơ hội lớn để củng cố năng lực trong lĩnh vực công nghệ lên tầm cao mới.
Có thể bạn quan tâm
Trung Quốc "vượt rào" kiểm soát xuất khẩu của Mỹ như thế nào?
04:00, 23/10/2023
Trung Quốc "mạnh tay" đầu tư xanh vào ASEAN
03:30, 23/10/2023
Định hướng mới của Trung Quốc về sáng kiến Vành đai và Con đường
12:00, 21/10/2023
Trung Quốc nỗ lực thống trị quản trị AI toàn cầu
03:30, 19/10/2023
BRI hay 3 sáng kiến mới sẽ định hình chiến lược toàn cầu của Trung Quốc?
04:00, 18/10/2023