Vì sao ngành dịch vụ cá nhân toàn cầu đang thoái trào?

TRƯỜNG ĐẶNG 25/10/2023 04:00

Từ đại dịch Covid cho tới các cuộc khủng hoảng trên khắp thế giới, ngành dịch vụ cá nhân toàn cầu trị giá tới 600 tỷ USD mỗi năm có vẻ như đang “lụi tàn”.

Chi tiêu cho các dịch vụ cá nhân đã không còn là ưu tiên của người tiêu dùng khắp thế giới

Chi tiêu cho các dịch vụ cá nhân đã không còn là một ưu tiên của người tiêu dùng khắp thế giới

>> Bức tranh kinh tế thế giới (Kỳ II): Triển vọng ảm đạm

Nếu lấy Covid-19 là cột mốc, ngành công nghiệp dịch vụ toàn cầu có những thay đổi đáng chú ý. Trước năm 2019, tỷ lệ chi tiêu của người tiêu dùng dành cho dịch vụ đã tăng lên đều đặn. Khi xã hội trở nên giàu có hơn, người dân đòi hỏi nhiều hơn về những trải nghiệm xa xỉ, chăm sóc sức khỏe và lập kế hoạch tài chính. Với Mỹ là một hình mẫu – nơi dịch vụ và tiêu dùng trong nước chiếm 70% GDP – các quốc gia đang phát triển đã đặt nhiều kỳ vọng biến đây trở thành một trụ cột kinh tế tương lai.

Thế nhưng, vào năm 2020, chi tiêu cho các dịch vụ, từ lưu trú tại khách sạn cho đến cắt tóc, đều sụt giảm do các lệnh phong tỏa khắp thế giới. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng vẫn tăng vọt, khi thương mại điện tử giúp mọi người vẫn có thể mua sắm dù dành nhiều thời gian ở nhà.

Các nhà kinh tế kỳ vọng sau khi Covid-19 đi qua, mọi thứ sẽ trở lại bình thường. Quả thật, tỷ lệ thất nghiệp trên khắp các nước phát triển đã nhanh chóng giảm xuống mức thấp trước đại dịch. Thế nhưng, có một thứ dường như đã không trở lại như xưa: thói quen tiêu dùng.

Theo các số liệu của OECD, suốt 3 năm qua, tỷ lệ chi tiêu dành cho dịch vụ vẫn ở dưới mức trước đại dịch. So với xu hướng trước Covid-19, mức giảm thậm chí còn sâu sắc hơn. Người tiêu dùng ở các nước phát triển đang chi tiêu ít hơn khoảng 600 tỷ USD/năm cho ngành dịch vụ so với mức năm 2019 – một con số khổng lồ.

Theo các nhà quan sát, người dân đang ít quan tâm hơn đến việc chi tiêu cho các hoạt động giải trí bên ngoài. Số tiền tiết kiệm đang được chuyển hướng sang hàng hóa, từ những đồ dùng lâu bền như ghế và tủ lạnh cho đến quần áo, thực phẩm và rượu vang.

Xu hướng này dường như rõ rệt hơn tại các quốc gia có thời gian phong tỏa dài. Tại Cộng hòa Séc, tỷ trọng dịch vụ sụt giảm khoảng 3%. Nhật Bản chứng kiến sự sụt giảm 50% số lượng đặt chỗ tại nhà hàng. Nền kinh tế Mỹ cũng đang có xu hướng tương tự, khi tổng số việc làm trong ngành khách sạn vẫn thấp hơn so với cuối năm 2019. Số lượng khách sạn ở Anh, vào khoảng 10.000, đã không tăng kể từ năm 2019.

>>Xung đột Israel - Hamas: Những kịch bản đáng sợ với kinh tế thế giới

Một số lý do được các chuyên gia chỉ ra. Đầu tiên là tâm lý e ngại của bộ phận lớn người tiêu dùng đối với bệnh tật, dù là Covid hay căn bệnh nào khác. Số liệu chỉ ra tại các nước phát triển như Anh quốc, người dân đã giảm bớt việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng đông đúc.

Mọi người dường như cũng ít quan tâm hơn đến các dịch vụ cá nhân. Ở Mỹ, chi tiêu cho việc làm tóc và chăm sóc cá nhân vẫn thấp hơn 20% so với xu hướng trước đại dịch, cho thấy một tín hiệu thoái trào của ngành dịch vụ này.

Xung đột, lạm phát và kinh tế khó khăn là những lý do khiến người tiêu dùng buộc phải thắt chặt chi tiêu

Covid-19, xung đột vũ trang, lạm phát và kinh tế khó khăn là những lý do khiến người tiêu dùng buộc phải thắt chặt chi tiêu

Lý do thứ hai được cho có liên quan đến mô hình làm việc đang thay đổi. Theo nhà nghiên cứu Cevat Giray Aksoy của King's College London, nhiều nơi trên thế giới đang chứng kiến mô hình làm việc tại nhà gia tăng. Một số nước phát triển thậm chí còn hợp thức hóa việc làm việc tại nhà ít nhất một ngày một tuần. Điều này làm giảm nhu cầu về các dịch vụ được mua khi ở văn phòng, bao gồm cả bữa trưa và làm tăng nhu cầu về hàng hóa tự làm. Năm 2022, người Italy đã chi tiêu nhiều hơn 34% cho đồ thủy tinh, bộ đồ ăn và đồ dùng gia đình so với năm 2019.

Không thể không nhắc tới các cuộc khủng hoảng toàn cầu gần đây khiến giá cả hàng hóa tăng vọt. Để kìm hãm đà lạm phát, các chính phủ khắp thế giới duy trì chính sách lãi suất cao, khiến nhu cầu chi tiêu vào các mặt hàng không thiết yếu của người dân sụt giảm mạnh.

Không chỉ xung đột Nga – Ukraine, cuộc chiến tranh giữa Israel và Hamas gần đây tiếp tục có nguy cơ “thổi lửa” vào giá cả nhiên liệu toàn cầu, và phức tạp hóa nỗ lực giảm giá cả tiêu dùng.

Xu hướng bất ổn hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, các chuyên gia dự báo ngành công nghiệp dịch vụ của thế giới sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Bởi trước một tương lai bất định về kinh tế, người dân trên thế giới, đặc biệt là Châu Âu, sẽ muốn tiết kiệm nhiều hơn cho các mặt hàng thiết yếu.

Có thể bạn quan tâm

  • Xoay xở trong thế giới bất ổn

    Xoay xở trong thế giới bất ổn

    03:00, 13/10/2023

  • Vì sao thế giới chờ đón chuyến công du của Chủ tịch Tập Cận Bình?

    Vì sao thế giới chờ đón chuyến công du của Chủ tịch Tập Cận Bình?

    03:30, 04/10/2023

  • Thế giới sẽ

    Thế giới sẽ "đặt cược" vào nhiên liệu Hydro?

    04:00, 01/10/2023

  • Nền kinh tế “hướng nội” có phải là một sai lầm?

    Nền kinh tế “hướng nội” có phải là một sai lầm?

    04:00, 07/10/2023

TRƯỜNG ĐẶNG