Cố Thủ tướng Lý Khắc Cường: Những dấu ấn điều hành kinh tế Trung Quốc
Trong thập kỷ qua, Cố Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã lèo lái nền kinh tế Trung Quốc vượt qua những giai đoạn khó khăn.
>> Trung Quốc tận dụng BRI trong cuộc đua cung ứng khoáng sản
Theo các nhà quan sát, Cố Thủ tướng Lý Khắc Cường vẫn duy trì quan điểm nhất quán trong việc thúc đẩy nền kinh tế tư nhân, đầu tư nước ngoài và đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Ông Liu Shengjun, Giám đốc Viện nghiên cứu cải cách tài chính Trung Quốc có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết: “ Cố Thủ tướng Lý Khắc Cường là một nhân vật có tầm nhìn quốc tế và hiểu biết khá sâu sắc về kinh tế Trung Quốc. Ông ấy sẽ được nhớ đến vì những cam kết cải cách và luôn tràn đầy khát vọng cải cách kinh tế khi mới bắt đầu giữ cương vị Thủ tướng Trung Quốc."
Ông Lý Khắc Cường sinh ngày 17/7/1955, quê ở huyện Định Viễn, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Năm 1998, ông được bổ nhiệm Phó Bí thư tỉnh ủy, Tỉnh trưởng tỉnh Hà Nam, trở thành lãnh đạo cấp tỉnh trẻ nhất của Trung Quốc. Hai năm sau, ông giữ chức Bí thư tỉnh ủy và từ năm 2003 kiêm nhiệm vị trí Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân tỉnh Hà Nam.
Tháng 3/2003, ông đưa ra khái niệm "Trung nguyên trỗi dậy". Dưới sự lãnh đạo và thúc đẩy của ông, tỉnh Hà Nam xây dựng loạt đô thị, quy hoạch khu đô thị mới Trịnh Đông. Vào ngày 15/3/2013, ông Lý Khắc Cường được Quốc hội Trung Quốc bầu làm tân Thủ tướng Trung Quốc.
Với bằng cử nhân luật và tiến sĩ kinh tế tại Đại học Bắc Kinh nổi tiếng, ông Lý Khắc Cường được cho là một trong những nhà lãnh đạo Trung Quốc có học vấn tốt nhất. Trước khi trở thành Thủ tướng vào năm 2013, ông Lý Khắc Cường nổi tiếng với việc nghiên cứu và áp dụng kết hợp nhiều chỉ số để nắm bắt nhịp độ của nền kinh tế vốn thường không ổn định của Trung Quốc.
Với tư cách là Bí thư tỉnh ủy tỉnh Liêu Ninh, ông Lý đã sử dụng khối lượng hàng hóa được vận chuyển bằng đường sắt, mức tiêu thụ điện và các khoản vay ngân hàng làm thước đo để cân nhắc số liệu GDP tăng cao do chính quyền địa phương báo cáo.
Trong năm đầu tiên sau khi trở thành Thủ tướng Trung Quốc, ông Lý đã tăng cường các biện pháp được truyền thông nước ngoài gọi là "Likonomics" – không kích thích, giảm đòn bẩy tài chính và cải cách cơ cấu – một biện pháp điều chỉnh để thúc đẩy nền kinh tế mất cân bằng hướng tới tăng trưởng bền vững.
Ông Andrew Collier, nhà phân tích của GlobalSource Partners ở Hồng Kông cho biết: “Là một nhà chính trị mạnh mẽ, ông Lý là người lãnh đạo vững vàng và điều này cũng được thể hiện rõ thông qua việc dẫn dắt ngân hàng trung ương và các bộ phận tài chính và kinh tế khác ở Trung Quốc.”
Ông Lý cũng được cho là đã đóng một vai trò lớn trong chương trình cải cách toàn thể lần thứ ba của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cuộc họp vào tháng 11 năm 2013 đã nhắc đến “vai trò quyết định” của thị trường trong nền kinh tế Trung Quốc. Và lần đầu tiên họ nói rằng khu vực tư nhân phải bình đẳng với các doanh nghiệp nhà nước.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc nói với tờ South China Morning Post, ông Lý Khắc Cường để lại ấn tượng tốt đẹp là một nhà lãnh đạo giao tiếp lưu loát bằng tiếng Anh, với tính cách vui vẻ, thực tế và cởi mở trong giới kinh doanh ở nước ngoài.
>> Làm gì khi nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc?
Trong nước, ông tập trung vào việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, đồng thời thúc đẩy tinh thần kinh doanh và đổi mới đại chúng. Ông Neil Thomas, nhà phân tích chính trị của Tập đoàn Eurasia đánh giá, thành tựu lâu dài nhất của ông Lý trên cương vị Thủ tướng có thể là sáng kiến giám sát việc cải thiện môi trường kinh doanh của Trung Quốc bằng cách đơn giản hóa thủ tục hành chính và tối ưu hóa các dịch vụ hành chính của chính phủ.
"Những hành động của ông Lý đã góp phần giúp rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc trở nên thuận tiện hơn trong quá trình kinh doanh”, chuyên gia này cho biết.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng đánh giá cao việc ông Lý cũng khuyến khích các quan chức địa phương Trung Quốc tập trung vào việc phục hồi kinh tế trong bối cảnh hạn chế nghiêm ngặt do dịch COVID-19 gây ra. Những nỗ lực này đã thể hiện kỹ năng lãnh đạo và mối quan tâm của ông Lý về tương lai kinh tế của Trung Quốc.
Dưới sự giám sát của ông Lý, chính phủ Trung Quốc đã cắt giảm 7,6 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,1 nghìn tỷ USD) thuế và phí trong vòng 5 năm tính đến năm 2020, với tỷ lệ nguôn thu thuế trên GDP giảm xuống còn 15,2%. Để hỗ trợ các công ty trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Chính phủ Trung Quốc đã miễn thuế 1,1 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2021 và phê duyệt cắt giảm 4,2 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm ngoái.
Ngày 27/10, truyền thông Trung Quốc đưa tin ông Lý Khắc Cường qua đời do lên cơn đau tim tại Thượng Hải, thọ 68 tuổi, hơn 7 tháng sau khi mãn nhiệm Thủ tướng Trung Quốc. Và người dân Trung Quốc sẽ luôn nhớ đến hình ảnh vị Thủ tướng với nhiều dấu ấn đậm nét trong nền kinh tế đất nước cũng như nỗ lực cải cách ấn tượng.
Có thể bạn quan tâm
Trung Quốc tận dụng BRI trong cuộc đua cung ứng khoáng sản
03:00, 27/10/2023
Trung Quốc ngày càng "lấn sâu" vào Trung Đông
03:30, 25/10/2023
Khác Mỹ, Australia có cách tiếp cận mới với Trung Quốc
04:00, 24/10/2023
Trung Quốc nỗ lực hồi sinh "Vành đai rỉ sét"
03:00, 24/10/2023
Trung Quốc "vượt rào" kiểm soát xuất khẩu của Mỹ như thế nào?
04:00, 23/10/2023