Đừng “ăn xổi ở thì” tại thị trường Mỹ
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang thâm nhập thị trường Mỹ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không nên “ăn xổi ở thì” nếu muốn trụ vững ở thị trường này.
>> Xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam sẽ còn giữ mức cao trong thời gian tới
Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Vinh Nguyễn, Chủ tịch Tổ chức Người Việt toàn cầu về kinh doanh và đầu tư (VBI Global) có trụ sở tại Mỹ, về vấn đề này.
- Xin ông chia sẻ cảm nhận của mình về sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong hơn 30 năm qua?
Nếu nhìn vào cột mốc hơn 30 năm đó thì sự khác biệt là rất lớn. Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1992. Khi đó, nền kinh tế Việt Nam còn rất khó khăn; các sản phẩm sản xuất trong nước cũng không có bao bì hay mẫu mã gì nổi trội. Nhìn chung, hầu như họ không thể đáp ứng được nhu cầu và tiêu chuẩn của nước ngoài, như các thị trường Mỹ hoặc là Châu Âu.
Thế nhưng, hiện tại đã khác rất nhiều. Ví dụ như sản phẩm mứt sấy của Việt Nam không chỉ có chất lượng tốt mà có bao bì rất đẹp. Không chỉ vậy, doanh nghiệp Việt Nam giờ còn làm được nhiều sản phẩm giá trị cao hơn nhiều, như một doanh nghiệp mà tôi từng tiếp xúc có thể sản xuất được cánh cửa cho máy bay Boeing. Tuy nhiên, họ vẫn chưa bán thẳng được cho hãng Boeing mà phải qua trung gian, tức là gia công cho một hãng của nước khác.
Qua đó, tôi thấy doanh nghiệp Việt Nam đã có thể làm được những sản phẩm lớn, nhưng vấn đề là mình thiếu các phương tiện để vươn ra nước ngoài. Đó là lý do vì sao chúng ta cần những tổ chức có thể giúp kết nối những doanh nghiệp ở Mỹ muốn đầu tư vào Việt Nam và ngược lại.
- Các tổ chức như VCCI hay VBI Global có thể đóng vai trò gì trong việc mở ra các cơ hội kinh doanh như vậy cho doanh nghiệp 2 nước, thưa ông?
Cái khó của doanh nghiệp Việt Nam là họ không nắm được thị hiếu của thị trường Mỹ. Do đó, VBI Global ở Mỹ hoặc VCCI ở Việt Nam có thể giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được các nhu cầu của nhau- thứ mà tôi cho là rất lớn. Về vấn đề này, các tờ báo, tạp chí kinh tế lớn như Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp… cũng có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng thông tin cho các doanh nghiệp.
Từ phía Mỹ, một điều mà tôi nghĩ mình hoàn toàn có thể làm được là các hoạt động xúc tiến thương mại. Chúng tôi có thể tìm cách liên hệ với các hãng lớn ở Mỹ có nhu cầu sản phẩm ở Việt Nam. Hàng năm, ở Mỹ có rất nhiều hội nghị hỗ trợ về đủ mọi ngành nghề lĩnh vực mà VBI Global có thể hợp tác với các tổ chức và đại diện doanh nghiệp Việt Nam.
>> Xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam tăng cao nhất trong khu vực Châu Á
Trong quá khứ cũng đã có nhiều đoàn Việt Nam đi sang Mỹ tìm hiểu thị trường, nhưng theo tôi hoặc là trở ngại về ngôn ngữ, hoặc là thời gian lưu trú tại Mỹ không đủ nên hiệu quả không cao. Vậy nên, nếu có một tổ chức đứng chân tại thị trường Mỹ để nghe ngóng và kết nối cho các doanh nghiệp Việt Nam, thì sẽ tốt hơn nhiều.
Tôi lấy ví dụ, khi có những hội nghị kinh doanh lớn ở Mỹ, mình có thể phối hợp đưa một đoàn doanh nghiệp Việt Nam sang và tổ chức một hội nghị nhỏ bên lề hội nghị lớn đó. Như vậy, chúng ta có thể tận dụng sự có mặt của các công ty Mỹ ở đó để mời họ tìm hiểu các cơ hội tại Việt Nam.
- Theo ông, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là SMEs, còn thiếu gì để có thể tạo chỗ đứng trên thị trường Mỹ?
Các doanh nghiệp lớn của Mỹ thường đặt hàng với số lượng lớn, trong khi không có nhiều SMEs Việt Nam có thể sản xuất được hàng trăm ngàn sản phẩm mỗi tháng với chất lượng đồng đều.
Dù 2- 3 nhà sản xuất Việt Nam có thể tập hợp lại để cùng ký hợp đồng, nhưng lại gặp vấn đề ở sự đồng nhất về chất lượng. Với doanh nghiệp Mỹ, chỉ cần không đạt tiêu chuẩn một lần là họ sẽ không kí tiếp hợp đồng nữa. Một bài học rõ nhất là ngành nông sản Việt Nam, ví dụ như hạt tiêu, được khách hàng Mỹ rất ưa thích vì thơm ngon, nhưng có nhiều trường hợp bị chê là không đúng tiêu chuẩn ban đầu và bị từ chối.
- Vậy ông có lời khuyên nào cho doanh nghiệp Việt Nam khi họ muốn hợp tác với các đối tác Mỹ?
Mặc dù tôi thấy nhiều sản phẩm Việt Nam đã được xuất khẩu sang Mỹ rồi nhưng cơ hội thị trường vẫn còn rất nhiều. Điều quan trọng là các doanh nghiệp Việt đừng nên “tham” quá, phải từ bỏ tư duy “ăn xổi ở thì”. Mình đã làm tốt được một lần thì cố gắng tiếp tục duy trì phẩm có chất lượng như vậy. Có như vậy, doanh nghiệp Việt Nam mới dần gây dựng được lòng tin của khách hàng Mỹ.
Bên cạnh đó, ở Mỹ không bao giờ cổ súy cho việc làm không minh bạch. Vậy nên, khi doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tại thị trường Mỹ, thì phải minh bạch mọi hoạt động, đừng bao giờ “đề nghị” cái này cái kia. Không chỉ là văn hóa kinh doanh ở Mỹ không thích điều đó, mà việc đó sẽ bị trừng phạt rất nặng.
- Xin cám ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp Việt - Mỹ xây dựng quan hệ thương mại bình đẳng và bền vững.
14:41, 31/10/2023
Thủ tướng: Doanh nghiệp Việt - Mỹ cùng hợp tác, chiến thắng, cùng có lợi
09:00, 19/09/2023
Kỳ vọng lớn từ các trụ cột mới trong quan hệ Việt - Mỹ
04:30, 12/09/2023
Ba trụ cột mới trong quan hệ Việt - Mỹ
16:31, 11/09/2023
Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện mở ra chương mới trong quan hệ Việt - Mỹ
13:51, 11/09/2023
Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt - Mỹ: Cơ hội lớn cho ngành xuất khẩu
11:22, 11/09/2023
Nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, Việt - Mỹ rộng mở cơ hội hợp tác
20:37, 10/09/2023
“Làn gió mới” cho hợp tác đầu tư, thương mại Việt - Mỹ
11:00, 10/09/2023
Rộng mở cơ hội thúc đẩy giao thương Việt - Mỹ
04:30, 10/09/2023