Các nền kinh tế APEC đang đối mặt với nhiều yếu tố bất ổn
Tăng trưởng kinh tế của APEC có thể sẽ tụt hậu so với các nhóm và khu vực khác nếu các yếu tố bất ổn tiếp tục tác động mạnh mẽ tới khu vực này.
>> Đây là lý do bữa tối của ông Tập Cận Bình tại APEC 2023 gây chú ý
Theo một báo cáo mới công bố tại cuộc họp bên lề Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 ở California, tăng trưởng kinh tế của APEC sẽ tụt hậu so với phần còn lại của thế giới trong những năm tới khi Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, nhân khẩu học bị ảnh hưởng, chuỗi cung ứng được điều chỉnh lại, cũng như tác động từ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tăng trưởng GDP của 21 nền kinh tế thành viên APEC dự kiến sẽ đạt 3,3% trong năm nay, tăng từ 2,6% vào năm 2022 và dự kiến duy trì ở mức này trong những năm tới. Tuy nhiên, những dự đoán trong ba năm tiếp theo cho thấy họ đang tụt hậu so với các nền kinh tế khác trên thế giới.
Theo ông Carlos Kuriyama, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của APEC có trụ sở tại Singapore và đồng tác giả của báo cáo, tăng trưởng kinh tế của APEC đang ổn định hơn những năm trước. Chúng ta có thể thấy rằng tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện. Tuy nhiên, khu vực này đối mặt với nhiều rủi ro suy giảm tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, tiêu dùng nội địa và hỗ trợ tài chính có mục tiêu đã bị che phủ bởi hậu quả của đại dịch, cũng như lạm phát, nợ cao hơn, biến đổi khí hậu, chủ nghĩa bảo hộ thương mại và căng thẳng địa chính trị, bao gồm cả căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ngoài ra, áp lực lạm phát cộng với những bất ổn toàn cầu, đã khiến thương mại trong khu vực trì trệ. Và sự thay đổi nhân khẩu học đang đặt ra một thách thức lớn khi tỷ lệ sinh giảm và dân số già đi cũng là những yếu tố tác động lớn đến kinh tế của các nước thành viên APEC.
Một điểm đáng chú ý, báo cáo ghi nhận sự sụt giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài ở khu vực Bắc Á gần đây khi dòng vốn này dịch chuyển sang khu vực Đông Nam Á. Nhưng còn quá sớm để nói liệu đây có phải là kết quả của việc các công ty dịch chuyển khỏi Trung Quốc hay do chi phí sản xuất tăng cao và các yếu tố kinh tế vĩ mô khác.
“Mối quan hệ ổn định giữa Mỹ và Trung Quốc là điều đôi bên cùng có lợi. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hợp tác với nhau là điều rất có ý nghĩa với các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương”, chuyên gia Kuriyama đánh giá và cho biết dòng chảy thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa Mỹ và Trung Quốc đã đạt 758 tỷ USD, mức lớn nhất trong lịch sử thương mại song phương giữa hai nước, bất chấp những căng thẳng vừa qua giữa hai nền kinh tế.
Ông Eswar Prasad, Giáo sư cấp cao về chính sách thương mại tại Đại học Cornell, cho biết: “Việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đối đầu nhau vào thời điểm khó khăn đang làm trầm trọng thêm tác động tiêu cực của nhiều cú sốc địa chính trị khác nhau đối với nền kinh tế thế giới. Đây có thể là bài học lớn nhất từ hội nghị thượng đỉnh APEC lần này".
>> Ông Biden và ông Tập sẽ bàn chuyện gì bên lề Thượng đỉnh APEC?
Do đó, nhiều kỳ vọng đang đặt vào cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình, được dự kiến sẽ vào thứ Tư tuần này, bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC. Tuy nhiên, Nhà Trắng đang tìm cách giảm bớt kỳ vọng khi nói rằng có khả năng cuộc gặp lần này giữa hai nhà lãnh đạo sẽ không có đột phá nào.
Mặc dù vậy, Hạ nghị sĩ Raja Krishnamoorthi, một đảng viên Đảng Dân chủ Illinois, đồng thời là thành viên Ủy ban Hạ viện giám sát Trung Quốc lưu ý rằng vẫn còn cơ hội để mong đợi cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ- Trung sẽ mang lại những chuyển biến tích cực.
Theo ông Krishnamoorthi: "Chủ tịch Tập Cận Bình đã có những quyết định đột ngột và táo bạo như tuyên bố chấm dứt chính sách zero - COVID đã làm tê liệt nền kinh tế Trung Quốc vào năm ngoái. Do đó, có rất nhiều đột phá có thể xảy ra, ngay cả khi các bên đang tăng cường các biện pháp để bảo vệ lợi ích riêng của mình. Đó là điều tôi hy vọng chúng ta cũng thấy được từ cuộc họp này.”
Có thể bạn quan tâm
Đây là lý do bữa tối của ông Tập Cận Bình tại APEC 2023 gây chú ý
03:30, 13/11/2023
Ông Biden và ông Tập sẽ bàn chuyện gì bên lề Thượng đỉnh APEC?
04:30, 02/11/2023
APEC 2022 thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư
12:48, 30/08/2022
Việt Nam - Điểm đến thông thoáng nhất trong 21 nền kinh tế APEC
03:00, 23/08/2022