Thượng đỉnh Mỹ - Trung: Một cuộc gặp, nhiều mục tiêu
Cuộc gặp Mỹ - Trung bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2023 có thể là cơ hội cuối cùng dành cho các nhà lãnh đạo 2 nước trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024.
>> Ông Biden và ông Tập sẽ bàn chuyện gì bên lề Thượng đỉnh APEC?
Dự kiến, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau vào ngày 15/11 bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC ở San Francisco nhằm cho thế giới thấy hai nước đang hàn gắn mối quan hệ.
Cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa quân đội Trung Quốc và Mỹ. Bên cạnh đó, về mặt kinh tế, trong khi Washington nhấn mạnh rằng họ không cố gắng tách rời nền kinh tế của mình khỏi Bắc Kinh, nhưng quốc gia này vẫn tiếp tục bổ sung các biện pháp hạn chế việc xuất khẩu thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc.
Hai siêu cường có quan điểm cơ bản khác nhau về tương lai mối quan hệ của họ. Washington muốn dựng lên “hàng rào bảo vệ” để đảm bảo sự cạnh tranh giữa hai bên không dẫn đến xung đột. Bắc Kinh nói rằng họ cần biết liệu Washington có chào đón một Trung Quốc đang mạnh hơn về kinh tế hay không.
Học giả về Trung Quốc Oriana Skylar Mastro phát biểu trong một cuộc hội thảo tại Đại học Stanford vào tuần trước rằng, mục đích của hội nghị thượng đỉnh này là để báo hiệu rằng, cả hai nhà lãnh đạo đều biết thế giới muốn sự ổn định và cùng đưa ra một số tuyên bố tích cực".
Lần gần đây nhất hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, nơi nhà lãnh đạo Trung Quốc nói với người đồng cấp Mỹ rằng: “Chúng ta cần vạch ra lộ trình đúng đắn cho mối quan hệ Trung - Mỹ. Chúng ta cần tìm ra hướng đi đúng đắn cho mối quan hệ song phương trong tương lai."
Theo Zack Cooper, một thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, khi Mỹ và Trung Quốc nói về việc “quản lý” mối quan hệ, họ đều có hàm ý khác nhau. “Khi người Trung Quốc nói điều đó, điều họ thực sự muốn nói là họ muốn Mỹ lùi bước và nhường một chút không gian cho Trung Quốc. Và khoảng trống đó để làm gì? Để Trung Quốc điều chỉnh hiện trạng. Hai bên đã nói về hai điều hoàn toàn khác nhau và điều này đã xảy ra trong nhiều năm."
Tuy nhiên, do những diễn biến gần đây, cả hai bên hiện có động lực mạnh mẽ để hạ nhiệt căng thẳng. Chính quyền Biden vừa gửi tới Quốc hội Mỹ yêu cầu bổ sung gói viện trợ khổng lồ trị giá 105 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine và Israel, điều này có nghĩa là Washington hiện không đủ khả năng để mở mặt trận thứ ba và đang cần nối lại đối thoại với quân đội Trung Quốc để ngăn ngừa và quản lý khủng hoảng.
Về phía Bắc Kinh, ông Tong Zhao, một học giả nghiên cứu tại chương trình khoa học và an ninh toàn cầu của Đại học Princeton, cho biết số liệu thống kê về nền kinh tế là một cú sốc đối với giới lãnh đạo Trung Quốc.
>> Đây là lý do bữa tối của ông Tập Cận Bình tại APEC 2023 gây chú ý
Trên thực tế, các nhà ngoại giao từ các nước khác cũng cảm nhận được sự thay đổi trong thái độ của Trung Quốc. Một nhà ngoại giao tham dự APEC 2023 nói với Nikkei Asia rằng, dấu hiệu đầu tiên cho thấy Bắc Kinh bắt đầu mềm mỏng hơn với Mỹ và các đồng minh là tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo G20 ở Ấn Độ vào tháng 9 vừa qua.
Sau khi Tokyo và Bắc Kinh tranh cãi gay gắt về lệnh cấm nhập khẩu toàn bộ thủy sản Nhật Bản của Bắc Kinh trong cuộc họp ở Jakarta, Trung Quốc bất ngờ giữ im lặng khi lại bị chỉ trích ở New Delhi. Sự thay đổi này có vẻ trùng hợp với thời điểm nền kinh tế Trung Quốc đang chạm đáy.
Sự ổn định trong quan hệ Mỹ-Trung sẽ là một lợi ích cần thiết cho nền kinh tế Trung Quốc, vốn phụ thuộc nhiều vào thương mại với thế giới bên ngoài. Đồng thời, nó cũng sẽ giúp ông Biden bước vào cuộc bầu cử với điều kiện thuận lợi hơn khi mối quan hệ giữa hai nước ổn định hơn.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tạ Phong đã nhắc đến vấn đề này trong một đoạn video trực tuyến tại một diễn đàn ở Hồng Kông rằng: “Hai bên vẫn đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng và vẫn còn một chặng đường dài phía trước để ổn định và cải thiện mối quan hệ song phương. Quan trọng nhất là cần tìm ra con đường phù hợp để hai nước hòa hợp trong kỷ nguyên mới."
Có thể bạn quan tâm
Sáng kiến mới sẽ giúp Mỹ giành lại ảnh hưởng ở Mỹ Latinh?
04:00, 14/11/2023
Nếu ông Trump tái đắc cử, các đồng minh của Mỹ sẽ gặp thách thức gì?
04:00, 13/11/2023
Mỹ, Nga và Trung Quốc “long tranh hổ đấu” ở Trung Á
04:00, 10/11/2023
Kinh tế Mỹ tươi sáng, ông Biden vẫn "lép vế" trước ông Trump
04:30, 08/11/2023